Đằng sau câu chuyện Vingroup rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp

11:39' - 22/12/2019
BNEWS Câu chuyện Tập đoàn Vingroup (Vingroup) chính thức công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp - công nghệ đang làm xôn xao giới đầu tư.
Vingroup rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp.

Theo đó, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID; toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.

Công bố này của Vingroup được đưa ra sau hai tuần thương vụ Vingroup chuyển giao VinEco và VinCommerce cho Công ty cổ phần Tập đoàn Masan - Masan Group (mã chứng khoán: MSN).

Cụ thể, Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Đánh giá về việc Vingroup rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Khối Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, việc làm này của Vingroup là hoàn toàn hợp lý. Theo ông, Tập đoàn xác định tập trung cho những lĩnh vực nòng cốt thì phải cắt bớt những mảng phụ.

"Đặc biệt, khi Tập đoàn có ý định vươn ra tầm quốc tế thì khó có thể "đánh" nhiều sân và mọi mặt trận đều thắng được. Vì vậy, dĩ nhiên việc thu gọn sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư được trọng điểm, tập trung mảng chính thì đó là điều tốt", ông Khánh nói.

Thực tế, chi phí đầu tư vào mảng bán lẻ là rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, doanh nghiệp liên tục thua lỗ trong nhiều năm liền vì quá trình mở rộng quy mô nhanh.

Khởi điểm chỉ 7 siêu thị VinMart và 10 siêu thị VinMart+, đến tháng 11/2019, Vingroup đã xây dựng hệ thống bán lẻ với 115 siêu thị VinMart và 2.438 cửa hàng Vinmart+ trên khắp các tỉnh thành.

Doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup liên tục tăng trưởng nhờ sự phát triển của chuỗi VinMart và VinMart+. Năm 2018, tổng doanh thu thuần bán lẻ vượt 20.000 tỷ đồng, cao hơn 47% so với năm trước. Lũy kế 9 tháng 2019, con số này là 23.571 tỷ đồng, tăng 60%.

Tuy vậy, vì đang trong quá trình mở rộng, doanh nghiệp vẫn đang lỗ ròng. Cụ thể, 9 tháng năm 2019, mảng bán lẻ của tập đoàn lỗ hơn 3.461 tỷ đồng. Ước tính trong 5 năm triển khai, Vingroup lỗ gần 17.500 tỷ đồng cho mảng bán lẻ.

Nhận định về việc Vingroup giải thể hệ thống siêu thị điện máy VinPro, ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí cho biết, về bản chất, mảng bán lẻ điện máy tuy có doanh số bán không tệ, nhưng biên lợi nhuận thấp. Vì vậy, ông Khánh cho rằng nếu đầu tư vào mảng này có lẽ là không hiệu quả lắm, nhất là với vị thế cũng như định hướng của Vingroup.

Vị chuyên gia nhìn nhận việc giải thể VinPro để chuyên sâu vào những mảng kinh doanh cốt lõi là bước đi đúng đắn và khôn ngoan của tập đoàn Vingroup.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dẫn báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết, thị trường bán lẻ điện máy và thiết bị gia dụng của Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa.

Thị trường bán lẻ điện máy và thiết bị gia dụng tăng trưởng nóng trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017 với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 2 chữ số, khoảng 15%. Nhưng năm 2018, lĩnh vực này chỉ đạt 421.556 tỷ đồng với mức tăng trưởng hằng năm giảm xuống còn 11%. Ước tính trong giai đoạn 2019 - 2023, biểu đồ tăng trưởng ở giai đoạn này bắt đầu đi ngang, mức tăng trưởng kép giảm xuống 11,9%, thấp hơn so với giai đoạn 2013-2015.

Bên cạnh đó, có trên 70% hộ gia đình tại Việt Nam đã sở hữu những mặt hàng cơ bản như tủ lạnh, máy giặt, tivi, máy tính cá nhân, nồi cơm điện và khoảng 30% số hộ sở hữu các mặt hàng cao cấp hơn như điều hòa, lò vi sóng, máy hút bụi… do đó nhu cầu trên thị trường đối với những sản phẩm điện máy và thiết bị gia dụng cũng có xu hướng giảm dần, chỉ đạt mức 10,6% năm 2018.

Củng cố thêm quan điểm này, Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ Gfk Việt Nam dự báo thị trường điện máy năm 2019 sẽ có tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức -1,5%. Một số sản phẩm như điện gia dụng và điện lạnh có tốc độ tăng trưởng năm 2019 giảm mạnh so với năm 2018, thậm chí tăng trưởng âm.

Cụ thể, một số nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng giảm như máy ảnh kỷ thuật số chỉ đạt tốc độ tăng trưởng -18,7%, trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2018 chỉ giảm nhẹ 0,8%; sản phẩm điện tử có tốc độ tăng trưởng -6,4%; và sản phẩm điện lạnh có tốc độ tăng trưởng năm 2019 đạt 3%, thấp hơn so với năm 2018 là 12,5%.

Điều đáng chú ý trong thông báo của Tập đoàn Vingroup không chỉ buông VinPro, sàn thương mại điện tử Adayroi cũng được Vingroup "sắp xếp" lại bằng việc cho sáp nhập vào ứng dụng VinID nhằm nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình "New Retail" – kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và trực tuyến dựa trên công nghệ số (O2O).

Nhận định về việc trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí Lê Đức Khánh nói: "Nếu VinPro bán sản phẩm điện máy thì việc duy trì trang thương mại điện tử Adayroi là cần thiết. Tuy nhiên, Vingroup đã "buông" VinPro thì trang thương mại điện tử Adayroi là mảng kinh doanh ít ý nghĩa với Tập đoàn này, cho nên có lẽ Vingroup cũng sẽ tiếp tục thoái vốn mảng kinh doanh này."

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Vingroup đã xác định được mảng kinh doanh chiến lược, rất có triển vọng, là mảng đột phá tạo ra sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh và sản xuất, đó là công nghệ ô tô, điện tử và công nghệ thông minh với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế.

Vingroup đã mời những chuyên gia giỏi trên thế giới và trong nước đến công ty góp sức xây dựng doanh nghiệp. Đây rõ ràng là một bước đi trước đón đầu để doanh nghiệp có thể bắt kịp với nền khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới.

Để làm được điều này, Vingroup phải chuẩn bị rất nhiều nguồn lực về tài chính, nhân sự và kỹ thuật. Doanh nghiệp phải toàn tâm toàn ý thực hiện, bởi đây là những công nghệ mang tính thời thượng, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Nếu doanh nghiệp ít vốn, thiếu khả năng quản lý, thiếu khả năng công nghệ thì không làm được.

"Theo tôi, Vingroup đang muốn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của doanh nghiệp, đi tắt đón đầu để từ đó tạo ra lợi nhuận lớn trong tương lai cho Tập đoàn", ông Thịnh nói.

Thực tế, trong 3 năm qua, giới đầu tư cảm nhận rõ sự chuyển hướng trọng tâm đầu tư của Vingroup vào sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án lớn về sản xuất ô tô VinFast, điện thoại thông minh, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại...

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, tổng tài sản bộ phận sản xuất của Vingroup tính đến hết tháng 9 lên tới hơn 84.000 tỷ đồng, chiếm gần 24% tổng tài sản toàn tập đoàn, chỉ sau tổng tài sản của bộ phận kinh doanh chuyển nhượng bất động sản (hơn 129.000 tỷ đồng, chiếm 36%).

Tuy vậy, theo phản ánh trong báo cáo kết quả kinh doanh bộ phận của tập đoàn này. Mảng sản xuất và các dịch vụ liên quan đang lỗ nặng nhất với gần 4.687 tỷ đồng đến ngày 30/9.

Việc hướng đến tập đoàn công nghệ đang được Vingroup thực hiện ráo riết. Vingroup chính thức rút toàn bộ các hoạt động của khối bán lẻ trực tiếp đã khẳng định quyết tâm của Tập đoàn nhằm tối ưu hóa nguồn lực cho lĩnh vực trọng điểm là Công nghệ và Công nghiệp. Đây cũng là bước đi quan trọng trong chiến lược đưa Vingroup trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ hàng đầu Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán, sau thông tin Vingroup rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp, cổ phiếu VIC của Tập đoàn này đã có 3 phiên đi ngang và kết phiên cuối tuần qua ở mức giá tham chiếu 115.800 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 20/12). Kết phiên giao dịch đầu năm 2019 (ngày 2/1) cổ phiếu này có giá 100.400 đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, VIC tăng giá hơn 15,33%.

Cổ phiếu VIC cũng đang giao dịch với mức P/E (hệ số giá trên lợi nhuận 1 cổ phiếu) là 82,9 lần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục