Đằng sau “cơn sốt” về NFT
Một bức tranh về những chú mèo hoạt hình có đôi mắt to tròn. Đoạn video về một cú bật nhảy ghi bàn của cầu thủ bóng rổ Lebron James. Một bức tranh kỹ thuật số được ghép lại từ 5.000 bức nhỏ hơn.
Tất cả những thứ này gần đây đã được chuyển thành NFT- một hình thức mới trong việc mua bán các sản phẩm nghệ thuật kỹ thuật số cùng những phương tiện truyền thông khác.
Các loại tài sản điện tử này đại diện cho "cơn sốt" mới nhất dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain): chuỗi mã đại diện không thể thay thế NFT (Non-fungible token).
Cách đây ba năm, toàn bộ thị trường NFT chỉ được định giá không quá 42 triệu USD. Sang tới cuối năm 2020, ước tính mới nhất từ chuyên trang theo dõi thị trường NFT Nonfungible.com cho thấy con số trên đã tăng 705% lên 338 triệu USD.
Dù chưa có ước tính chính xác trong hiện tại, nhưng chắc chắn quy mô thị trường NFT đã tăng cao hơn nữa khi xem xét giá của các NFT được bán trong hai tháng đầu năm 2021: Tính đến tháng Hai, đã có gần 150.000 NFT được bán ra với tổng trị giá khoảng 310 triệu USD. Con số này gấp gần 5 lần lượng được bán trong cả năm 2020.
Một số người đam mê tài sản điện tử đã cho rằng NFFT chính là "đồng tiền" của thế giới tương lai. Nhưng liệu nhận định này có quá vội vã?
* NFT là gì?
Diễn giải theo cách đơn giản nhất, NFT là một mục nhập trên một blockchain - công nghệ sổ cái kỹ thuật số phi tập trung làm nền tảng cho các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin.
Điểm khác biệt ở giữa hai loại hình này là bitcoin có thể thay thế được, có nghĩa là một đồng bitcoin về cơ bản không thể phân biệt được với đồng bitcoin khác và chúng tương đương về giá trị.
Trong khi đó, NFT là chuỗi mã thông báo không thể thay thế và hoàn toàn khác biệt trên các blockchain. Vì vậy NFT có thể đại diện cho những thứ "có một không hai", như một bức ảnh chụp cực hiếm hoặc thậm chí một bức tranh như trường hợp của cô người máy Sophia.
Khi mua NFT, người mua có cả bản ghi quyền sở hữu không thể xóa của một tài sản và quyền truy cập vào tài sản thực tế. Những tài sản này có thể là bất cứ thứ gì. Hiện tại, chúng chủ yếu là các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số hoặc thẻ trò chơi.
Một số là hàng hóa ảo chỉ tồn tại trong thị trường bán chúng và một số được đóng gói trong các định dạng quen thuộc như JPEG hoặc PDF. Một số ít NFT là các bản ghi kỹ thuật số về quyền sở hữu của một đối tượng cụ thể có ngoài đời thực.
NFT đã bắt đầu nhen nhóm từ năm 2017. Hai NFT đầu tiên và nổi tiếng nhất là CryptoPunks (bức ảnh kỹ thuật số về 10.000 nhân vật người và động vật theo phong cách hoạt hình đáng yêu) và CryptoKitties (một bộ sưu tập về loài mèo được vẽ một cách kỳ công).
Ban đầu, chúng được cho đi miễn phí. Nhưng hiện tại, bức CryptoKitties có giá trị nhất được bán với giá hơn 100.000 USD, trong khi CryptoPunks có giá hơn 1 triệu USD.
CryptoKitties ra mắt vào năm 2017, gây ra cơn sốt thu thập NFT vào thời điểm đó. Ngày nay, hơn 260 hình ảnh nhân vật được giao dịch trao tay mỗi tuần, tạo ra hơn 2 triệu USD doanh thu hàng năm.
* NFT có gì đặc biệt?
Đối với người mua, NFT cung cấp chứng chỉ quyền sở hữu đối với một sản phẩm kỹ thuật số và bảo vệ giá trị của hàng hóa này.
Môi trường Internet giúp người dùng dễ dàng sao chép và giả mạo bất cứ nội dung gì, từ hình ảnh, âm thanh đến văn bản. Nếu không có một hồ sơ sở hữu không thể chối cãi như NFT, hàng hóa đó về cơ bản là vô giá trị.
Còn đối với người bán, NFT không chỉ giúp họ có thể bán một sản phẩm trong ngày hôm nay mà còn có thể tiếp tục kiếm tiền từ nó sau này. Như với các nghệ sĩ, trong lịch sử họ đã phải vật lộn để nhận được thành quả nếu giá trị tác phẩm của họ tăng cao.
NFT có thể được mã hóa để cho phép người tạo sản phẩm ban đầu thu tiền mỗi lần mã đại diện đó được giao dịch, thường từ 2,5 - 10% giá bán. Khả năng thiết lập nguồn doanh thu định kỳ hấp dẫn bất kỳ ai đang muốn mở rộng tiềm năng kiếm tiền từ danh tiếng của họ.
Ví dụ: ngôi sao YouTube Mỹ Logan Paul đã bán một NFT bức ảnh hoạt hình của chính anh với giá 5 triệu USD vào hồi tháng Hai năm nay.
* Đằng sau "cơn sốt" NFT
Giới chuyên gia đã cảnh báo dù có vẻ rất đơn giản và mang tính công nghệ của tương lai, ý tưởng về quyền sở hữu kỹ thuật số liên quan tới NFT rất phức tạp.
Ví dụ, khi một người mua một NFT bài đăng Twitter của người nổi tiếng nào đó, họ không thực sự sở hữu bất kỳ bài đăng nào. Dù bỏ cả triệu USD để mua lại, bài đăng đó chỉ được "tạm giữ" trong blockchain, còn bên thực sự sở hữu nó vẫn là Twitter. Đây có phải là một xu hướng tốt?
Các nhà phân tích cho biết NFT chủ yếu nhằm xác thực vật phẩm kỹ thuật số gốc. Điều khiến nó thu hút được nhiều sự chú ý không đến từ công nghệ mà là sự nhiệt tình của người chọn mua những sản phẩm kỹ thuật số này.
Theo Giáo sư Michael Heller thuộc Trường Luật Columbia, NFT kết hợp điều tồi tệ nhất của blockchain và thế giới nghệ thuật. Ông cho rằng NFT lợi dụng các sản phẩm nghệ thuật trên môi trường trực tuyến, biến chúng thành một trò chơi đầu cơ của những nhà đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ đang tìm nơi giúp gia tăng khối tài sản của mình.
Ông Heller lập luận rằng xu hướng này dường như lãng phí tài nguyên và không phục vụ cho cả hai cộng đồng, những người đam mê blockchain và những người sưu tầm nghệ thuật. Một số nhà quan sát đồng ý rằng ở một khía cạnh văn hóa, NFT là nơi nhiều người đang cố gắng tận dụng để thể hiện sự giàu có của họ theo cách mới.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng dù nhà đầu tư mua một chai vang Mouton Rothschild bản 1982 hay một bức CryptoKitty, việc đổ tiền vào các thị trường thay thế mang lại rủi ro lớn và ít thu lời hơn so với những thị trường chính thống, chẳng hạn như cổ phiếu.
Ví dụ, một nghiên cứu gần đây của ngân hàng Citi cho thấy thị trường buôn bán sản phẩm nghệ thuật đương đại tạo ra lợi tức hàng năm 7,5% trong giai đoạn từ 1985 - 2018. Vào cùng giai đoạn đó, cổ phiếu có mức lợi nhuận 10%.
Dù thị trường NFT hiện đang tăng giá, không thể phủ nhận rằng nó chủ yếu mang tính đầu cơ. Điều quan trọng mà nhà đầu tư cần hiểu về NFT là thị trường này còn rất non trẻ. NFT sẽ còn phải trải qua các chu kỳ thăng trầm khác nhau nhằm thiết lập giá trị thực của chính mình./.
- Từ khóa :
- nft
- blockchain
- bitcoin
- kỹ thuật số
- Non-fungible token
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
“Cơn sốt” NFT – Xu hướng tài chính mới hay một “bong bóng” đầu cơ?
16:08' - 25/03/2021
Một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của robot hình người Sophia đã được bán với giá 688.888 USD trong cuộc đấu giá vào thứ Năm dưới dạng NFT (Non-fungible token) - chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm.
-
Ý kiến
Chuyên gia: Bitcoin có thể là một phương tiện lưu trữ giá trị
15:23' - 25/03/2021
Người sáng lập quỹ SkyBridge Capital, Anthony Scaramucci, cho rằng đồng tiền điện tử bitcoin không cần phải trở thành một hình thức thanh toán được sử dụng rộng rãi để thành công.
-
Đời sống
Bức tranh ghép kỹ thuật số "Everydays" được bán với giá kỷ lục
07:43' - 15/03/2021
Bức tranh ghép kỹ thuật số "Everydays" của một nghệ sĩ người Mỹ được bán với mức giá kỷ lục 69,3 triệu USD tại một phiên đấu giá của hãng Christie's danh tiếng.
Tin cùng chuyên mục
-
Công nghệ
Google đầu tư gần 2 tỷ USD vào một trung tâm dữ liệu ở Ba Lan
10:05'
Hãng công nghệ Google đã ra mắt trung tâm dữ liệu điện toán đám mây mới tại Warsaw, Ba Lan với vốn đầu tư gần 1,7 tỷ euro (2 tỷ USD).
-
Công nghệ
NASA chọn SpaceX cho dự án phát triển tàu vũ trụ đưa người lên Mặt Trăng
12:57' - 17/04/2021
Ngày 16/4, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo đã lựa chọn tập đoàn công nghệ SpaceX của tỷ phú Elon Musk để thực hiện dự án phát triển tàu đổ bộ để đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng.
-
Công nghệ
Nền tảng họp trực tuyến Make in Viet Nam- eMeeting có lợi thế gì?
10:00' - 17/04/2021
Nền tảng họp trực eMeeting chính thức được Ra mắt bởi sự hợp tác giữa Tập đoàn AIC và Tập đoàn Bkav, trang bị hệ thống bảo mật 9 lớp.
-
Công nghệ
Nhật Bản sử dụng mạng 5G cho robot phẫu thuật bệnh nhân từ xa
09:28' - 17/04/2021
Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kobe (Nhật Bản) đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng công nghệ mạng di động tốc độ cao 5G để thực nghiệm ca phẫu thuật từ xa thông qua robot Hinotori do nước này chế tạo.
-
Công nghệ
Australia chế tạo thiết bị sản xuất nước ngọt hiệu quả giá rẻ
16:28' - 16/04/2021
Một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nam Australia (UniSA) ngày 16/4 thông báo đã chế tạo một thiết bị bền và giá rẻ để cung cấp nước uống cho hàng tỉ người.
-
Công nghệ
Việt Nam có nền tảng họp trực tuyến trong điều kiện mạng internet yếu
16:04' - 16/04/2021
Ngày 16/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình "Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam" Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu nền tảng họp trực tuyến eMeeting.
-
Công nghệ
Apple sẽ ra mắt sản phẩm thông minh kết hợp loa HomePod, FaceTime và Apple TV
09:46' - 16/04/2021
Apple của Mỹ đang nghiên cứu sản phẩm thế hệ tiếp theo kết hợp sản phẩm Apple TV với loa HomePod và sẽ đi kèm camera FaceTime để dành cho hội nghị trực tuyến thông qua kết nối với tivi.
-
Công nghệ
Hơn 20 “đại gia” công nghệ Trung Quốc cam kết chấm dứt cạnh tranh không lành mạnh
21:58' - 15/04/2021
Hơn 20 công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã công khai cam kết tuân thủ các nguyên tắc chống độc quyền.
-
Công nghệ
Thị trường khoa học - công nghệ: Tiếp tục gỡ rào cản
21:03' - 15/04/2021
Ngày 15/4, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Tổng kết 10 năm phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020”.