Đằng sau đà tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc

06:30' - 03/11/2023
BNEWS Trung Quốc trong vài năm gần đây đã chuyển đổi từ mô hình phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu sang “lưu thông nội bộ” – một chiến lược chú trọng mở rộng tiêu dùng trong nước.

Mạng tin Project Syndicate ngày 30/10 đăng bài phân tích về nhu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế Trung Quốc, với nội dung đáng chú ý như sau:

Mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc, vốn là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong ba thập kỷ qua, đã ghi nhận xu hướng lợi nhuận giảm dần. Tuy nhiên, khi kinh tế Trung Quốc chuyển sang chiến lược mới dựa trên thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, sự phát triển của thị trường nội địa đã chậm hơn dự kiến.

Rất dễ nhận ra rằng Trung Quốc trong vài năm gần đây đã chuyển đổi từ mô hình phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu sang “lưu thông nội bộ” – một chiến lược chú trọng mở rộng tiêu dùng trong nước. Đây dường như là một bước đi tự nhiên, nhưng việc tạo ra một thị trường nội địa đủ lớn cho một quốc gia 1,4 tỷ dân phức tạp hơn nhiều so với dự đoán của nhiều nhà kinh tế và giới phân tích.

Trong vài thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dựa rất nhiều vào xuất khẩu hàng chế tạo và đầu tư vốn. Giai đoạn từ những năm 1990 đến đầu thập niên 2010, chiến lược xúc tiến xuất khẩu thành công đã tạo điều kiện để Trung Quốc hội nhập vào kinh tế toàn cầu và góp phần tạo ra bước phát triển nhanh.

Trung Quốc sẽ không từ bỏ chiến lược thay thế nhập khẩu trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cách tiếp cận “hướng ngoại” này kết hợp các chiến lược “vươn ra toàn cầu” và “kéo vào Trung Quốc” sẽ thu hút đầu tư nước ngoài và giúp thúc đẩy liên doanh, tập trung vào xuất khẩu thâm dụng lao động cũng như tích lũy kho dự trữ ngoại hối khổng lồ.

Quy mô rộng lớn giúp Trung Quốc củng cố vị thế trung tâm sản xuất của thế giới, nhưng mô hình tăng trưởng thành công đáng chú ý này lại đang ghi nhận lợi nhuận giảm dần. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc bước vào giai đoạn thay đổi nhân khẩu học sâu sắc, như những gì đã xuất hiện trước đó ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh việc tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng, thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ sinh nở (baby boom) những năm 1960 và 1970 - trụ cột chính cho sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc kể từ thập kỷ 1980, đang tiến gần đến độ tuổi nghỉ hưu, với khoảng 20 triệu người dự kiến sẽ ra khỏi lực lượng lao động hàng năm trong 10 năm tới.

Tác động tổng hợp của tình trạng già hóa dân số và chính sách một con (đã bị bãi bỏ vào năm 2016 sau 36 năm) đã khiến tiết kiệm hộ gia đình tăng lên, cản trở nỗ lực của Trung Quốc trong thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Quan trọng hơn, cam kết lâu dài của Trung Quốc về chiến lược thúc đẩy xuất khẩu đã làm chậm sự phát triển của thị trường nội địa nhiều hơn dự kiến. Để duy trì lợi thế cạnh tranh của đất nước, mô hình xuất khẩu đòi hỏi sự can thiệp của nhà nước trong việc định giá, nổi bật là giảm tiền thuê đất, tạo mức tỷ giá hối đoái thuận lợi và làm chậm quá trình tăng trưởng tiền lương, thu nhập.

Nắm trong tay kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì cơ chế tỷ giá hối đoái của riêng mình, mang lại lợi ích cho xuất khẩu nhưng lại cản trở sự phát triển năng động của thị trường nội địa.

Điều tương tự cũng được thể hiện rõ trong chính sách lãi suất của Trung Quốc. Lãi suất thực tế tại nước này được duy trì ở mức thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong thời gian dài, dẫn đến phân bổ vốn sai lệch và thiếu cơ chế điều chỉnh để cân bằng đầu tư và tiêu dùng.

Tiền lương cũng bị ảnh hưởng bởi “dấu tích” cuối cùng của nền kinh tế kế hoạch hóa của Trung Quốc. Nỗ lực của chính phủ nhằm cân bằng giữa mức lương lao động thấp và giá cả phải chăng là một ví dụ điển hình. Mức chi trả cho tiền công của người lao động tăng lên xét trong tổng GDP trong vài năm gần đây, nhưng mức lương trung bình vẫn thấp hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia có mức thu nhập tương đương.

Sự can thiệp quá mức dẫn đến thị trường lao động bị phân tách và hệ thống việc làm kém phát triển. Hệ quả là Trung Quốc thiếu một cơ chế điều chỉnh có đủ khả năng gắn kết giá nhân công lao động với tốc độ năng suất và tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, chi tiêu của chính phủ từ lâu luôn thiên về phát triển cơ sở hạ tầng vật chất và hình thành vốn, còn vốn phân bổ để hỗ trợ các hộ gia đình hoặc mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội rất hạn chế. Đây là lý do tại sao các gia đình Trung Quốc duy trì mức tiết kiệm phòng ngừa cao.

Để thúc đẩy lưu thông nội địa mạnh mẽ, Trung Quốc phải chuyển đổi từ mô hình lấy xuất khẩu làm trung tâm sang khuyến khích nhập khẩu. Với tư cách là một người chơi lớn trên toàn cầu, điều quan trọng là phải duy trì tính trung lập chiến lược khi chuyển sang mô hình này – một tiến trình đòi hỏi sự phát triển liên tục của thị trường nội địa khổng lồ.

Việc khuyến khích nhập khẩu đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế lớn. Điểm then chốt cho sự thay đổi này chính là nhận thức rằng không thể phụ thuộc mãi mãi vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống.

Bằng cách áp dụng chiến lược lấy nhập khẩu làm trung tâm, Trung Quốc có thể giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại lâu dài và điều chỉnh các cơ chế can thiệp đã từng ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, lãi suất và cấu trúc tiền lương, thu nhập trong lịch sử.

Điều chỉnh tăng trưởng tiền lương với GDP danh nghĩa sẽ thúc đẩy thu nhập hộ gia đình và kích thích ngành dịch vụ tại Trung Quốc, vốn trước đây bị hạn chế bởi cách tiếp cận coi trọng xuất khẩu.

Không những vậy, bằng việc thúc đẩy nhập khẩu thông qua tăng giá đồng nội tệ và giảm thuế, Trung Quốc có thể giảm giá hàng tiêu dùng nhập khẩu và tăng đáng kể chi tiêu hộ gia đình. Việc tăng lãi suất thực sẽ ngăn chặn việc phân bổ vốn không đúng chỗ, giảm tỷ trọng đầu tư trong GDP và cho phép nền kinh tế tái cân bằng tổng cầu.

Quan trọng nhất, với việc cho phép chính phủ từ bỏ chu kỳ đầu tư và nợ nần chồng chất, quá trình chuyển đổi này sẽ giải phóng nhiều nguồn lực ngân sách hơn để đáp ứng nhu cầu của người dân và giảm thiểu gánh nặng cho các hộ gia đình đang phải vật lộn để chi trả cho chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em và giáo dục trong khi vẫn tiết kiệm để nghỉ hưu.

Xúc tiến nhập khẩu là chìa khóa để đánh giá chính xác tiềm năng nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc. Khác với thay thế nhập khẩu, chiến lược tăng cường nhập khẩu không tạo ra căng thẳng với khu vực trao đổi thương mại. Ngược lại, việc mở rộng thị trường nội địa và thúc đẩy lưu thông nội địa sẽ cho phép các công ty Trung Quốc tập trung vào đổi mới công nghệ và phát triển các kỹ năng kỹ thuật cũng như bí quyết cần thiết để xuất khẩu các sản phẩm phức tạp hơn, có giá trị gia tăng cao hơn.

Nhật Bản và Hàn Quốc là những câu chuyện kinh nghiệm mang tính khuyến cáo với Trung Quốc. Trong khi Nhật Bản phải trả giá đắt vì trì hoãn điều chỉnh chiến lược, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc từ năm 1987 đến năm 1996 lại được khơi nguồn từ những điều chỉnh chính sách nhằm gắn tiền lương với tăng trưởng năng suất, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã không thể xây dựng được mô hình mới dựa trên bước đà này trước khi làn sóng tự do hóa tài chính làm thay đổi quỹ đạo kinh tế của nước này. Bằng cách lưu ý đến bài học của các nền kinh tế Đông Á khác, Trung Quốc có thể tránh được kịch bản tương tự, tái cân bằng nền kinh tế và đạt được tăng trưởng bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục