Tỷ lệ việc làm của Trung Quốc trong cơ cấu sản xuất toàn cầu ngày càng tăng

09:05' - 01/11/2023
BNEWS Tỷ lệ việc làm của Trung Quốc trong cơ cấu sản xuất toàn cầu sẽ tiếp tục tăng vào năm 2050, ngay cả khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa của nước này.

Đây là thông tin được công bố trong báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ).

Báo cáo nêu rõ tỷ lệ việc làm trong cơ cấu sản xuất toàn cầu của “gã khổng lồ” châu Á sẽ tăng lên 43% vào năm 2050. Và Trung Quốc sẽ là một trong những nước hiếm hoi chứng kiến sự tăng trưởng việc làm vào thời gian đó.

Kể từ đại dịch COVID-19, các nền kinh tế lớn phương Tây đã nhận thức rõ hơn về sự phụ thuộc vào nguồn hàng hóa do Trung Quốc cung cấp, khi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu nổ ra, đe dọa đình trệ hoạt động sản xuất và tạo sự khan hiếm hàng hóa.

 

Sự chậm trễ trong khâu giao hàng và giá tăng đã dẫn đến lạm phát cao, gây áp lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, EU và Mỹ đã quyết định tăng cường hành động để giảm thiểu rủi ro liên quan tới sự phụ thuộc và lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc.

Nhưng báo cáo cho thấy các nước giàu có khả năng tiếp tục chứng kiến sự mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất, với tỷ lệ lực lượng lao động có thu nhập cao trong lĩnh vực này giảm từ 11,4% xuống còn 8,3% vào năm 2050.

Đối với các nước có thu nhập thấp, tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ ổn định ở mức dưới 8% tổng số việc làm của nền kinh tế.

Hơn nữa, báo cáo lưu ý những nước này sẽ chứng kiến sự chuyển dịch việc làm từ lĩnh vực nông nghiệp sang dịch vụ, bỏ qua quá trình chuyển đổi theo truyền thống từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Ông Ranil Dissanayake, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu và là tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Điều này không có nghĩa là các nước nghèo sẽ không bao giờ thoát nghèo. Sự phát triển của công nghệ mới và việc chuyển đổi việc làm sang lĩnh vực dịch vụ có thể mang lại sự thay đổi".

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên khảo sát và tính toán từ 59 quốc gia khác nhau, chiếm khoảng 75% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục