Lệnh áp thuế của Tổng thống Donald Trump có thể làm người tiêu dùng Mỹ thua thiệt

18:41' - 23/04/2018
BNEWS Theo hãng tin Reuters, người tiêu dùng Mỹ có thể cảm nhận trực tiếp những tác động từ bất đồng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và một số quốc gia khác trong năm nay...
Quần áo sản xuất tại Trung Quốc được bày bán tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, người tiêu dùng Mỹ có thể cảm nhận trực tiếp những tác động từ bất đồng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và một số quốc gia khác trong năm nay, khi một danh sách mới các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu thuế được thông báo trong những ngày tới.

Sau khi áp thuế đối với pin Mặt Trời và máy giặt nhập khẩu trong tháng Một, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu đánh vào nhôm và thép vào tháng Ba và thông báo áp thuế đối với lượng hàng hóa có trị giá 50 tỷ USD nhập từ Trung Quốc.

Khi Bắc Kinh phản ứng lại với một danh sách hàng hóa của Mỹ có thể bị áp thuế, ông Trump đã chỉ thị cân nhắc tăng gấp đôi giá trị những hàng hóa nhập từ Trung Quốc chịu thuế lên 100 tỷ USD.

Một phân tích của hãng tin Reuters cho rằng ông Trump có thể nhắm vào các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính, trò chơi, quần áo, giày dép, đồ gia dụng và các mặt hàng tiêu dùng khác. Động thái này có thể đẩy giá bán lẻ tại Mỹ lên cao hơn.

Theo giới chuyên gia, chuỗi cung ứng hàng hóa của Mỹ sẽ chịu tổn thương khi nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng phụ thuộc vào việc xuất khẩu các chất bán dẫn, phần mềm và các sản phẩm khác sang Trung Quốc để lắp ráp sản phẩm trước khi Mỹ nhập trở lại hàng thành phẩm.

Trong một thông tin liên quan, mới đây, ngày 21/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và Trung Quốc giải quyết căng thẳng thương mại thông qua các thể chế đa phương hoạt động dựa trên những quy tắc cụ thể.

Tại buổi họp báo sau khi kết thúc phiên họp của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC), cơ quan hoạch định chính sách của IMF, bà Lagarde cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần nỗ lực giải quyết bất đồng dựa trên nền tảng thương mại tự do và trong khuôn khổ các thể chế đa phương.

Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh là một cộng đồng toàn cầu, các bên cần duy trì thương mại cởi mở và đảm bảo hoạt động trong khuôn khổ hệ thống đa phương và phải giải quyết những tranh chấp nảy sinh.

Trước đó, bà Lagarde từng cảnh báo sẽ không có người thắng cuộc nếu một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, hậu quả là sự tổn hại tới lòng tin, môi trường đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục