Đánh giá lại quy mô GDP: Bức tranh kinh tế được nhận diện rõ nét hơn

16:08' - 12/12/2019
BNEWS Sự phát triển nhanh của khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quy mô GDP chưa được tính toán đầy đủ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Tổng cục Thống kê vừa tiến hành đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2010-2017 và theo đó, GDP bình quân mỗi năm tăng 25,4%. Tổng cục Thống kê khẳng định, đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng. Bức tranh kinh tế của đất nước được nhận dạng sát thực và rõ nét hơn, đặc biệt là bức tranh tiêu dùng của nền kinh tế.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Phóng viên:Thưa ông, việc đánh giá lại quy mô GDP có phải là việc làm định kỳ, theo thông lệ quốc tế?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu.

Mặc dù, nguồn thông tin thống kê dùng để biên soạn chỉ tiêu GDP của Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu tốt hơn nhưng vẫn chưa đầy đủ để đánh giá sát thực quy mô của nền kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Trong điều tra thống kê - nguồn thông tin chủ yếu và quan trọng của cơ quan Thống kê. Điều tra mẫu hàng năm phản ánh được xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực nhưng chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện về quy mô giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và quy mô GDP của toàn bộ nền kinh tế.

Phương pháp thu thập thông tin thống kê truyền thống và những hạn chế, bất cập trong chia sẻ thông tin từ hồ sơ hành chính giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý các cấp dẫn đến số liệu thống kê chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi về quy mô và tình hình kinh tế - xã hội hàng năm. Theo thông lệ thống kê quốc tế, khi có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện từ các cuộc Tổng điều tra, từ hồ sơ hành chính, các cơ quan thống kê quốc gia sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP.

Phóng viên:Thưa ông, sự phát triển nhanh của khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ. Đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi quy mô GDP?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam từ năm 2010 đến nay có nhiều chuyển biến, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ. Chủ trương và chính sách của Nhà nước về phát triển khu vực sản xuất tư nhân, khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh sang doanh nghiệp dẫn đến sự phát triển nhanh của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Sự phát triển nhanh của khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quy mô GDP chưa được tính toán đầy đủ.

Trong quá trình biên soạn GDP, ngoài những nguyên nhân chủ quan trong hoạt động thống kê dẫn đến phạm vi tính toán chưa đầy đủ còn có những nguyên nhân như: sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ và thống nhất; ý thức hợp tác của các đối tượng cung cấp thông tin còn kém; sự thay đổi và biến động nhanh về hoạt động của các tổ chức kinh tế của khu vực trong nước…

Phóng viên:Có thể nói việc thu thập thông tin trong những lần trước là có hạn chế, vậy Tổng cục Thống kê chỉ rõ những nhóm nguyên nhân nào đã dẫn đến thay đổi quy mô GDP?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Chúng tôi đã nhận diện 4 nhóm nguyên nhân đầu làm tăng quy mô GDP. Cụ thể, nguyên nhân thứ nhất là bổ sung thông tin từ tổng điều tra làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 589.000 tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP của cả nước. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã bổ sung 76.000 doanh nghiệp, gần 306.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể so với số lượng doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đã sử dụng để tính GDP năm 2016.

Doanh thu của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trong Tổng điều tra kinh tế năm 2017 tăng 2,476 triệu  tỷ đồng so với doanh thu đã ước tính để biên soạn GDP năm 2016. Bao gồm: 1,597 triệu tỷ đồng doanh thu của các doanh nghiệp được bổ sung; 99 nghìn tỷ đồng doanh thu của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể được bổ sung; 780 nghìn tỷ đồng bổ sung chênh lệch giữa tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp còn lại trong nền kinh tế được tổng hợp từ kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 với tổng doanh thu ước tính cho chính các doanh nghiệp này trước khi có kết quả tổng điều tra.

Nguyên nhân thứ hai là bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 305 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,6% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP.  Cùng đó, rà soát, đối chiếu kết quả tổng điều tra năm 2017 và dữ liệu từ cơ quan Thuế đã bổ sung 278 nghìn tỷ đồng doanh thu. Tổng điều tra kinh tế đã khai thác hồ sơ hành chính của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng bổ sung 146 doanh nghiệp với doanh thu 264 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung 109 nghìn tỷ đồng thu khác ngoài ngân sách Nhà nước và khấu hao tài sản cố định của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguyên nhân thứ ba là cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 98 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Đánh giá lại chỉ tiêu GDP đã triển khai cập nhật cách xử lý hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động sản xuất phần mềm máy tính và cách xử lý đối với đơn vị thuê gia công trong nước theo khuyến nghị của phương pháp luận tài khoản quốc gia (SNA) 2008. 

Nguyên nhân 4 là rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng khoảng 75 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 8% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Do phương pháp tính giá trị sản xuất, áp dụng hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá thay đổi theo ngành kinh tế khi biên soạn chỉ tiêu GDP nên khi rà soát, cập nhật phân ngành kinh tế từ ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng thấp sang ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng cao. Từ ngành có chỉ số giá thấp sang ngành có chỉ số giá cao dẫn đến thay đổi quy mô giá trị tăng thêm của ngành, của khu vực và toàn bộ nền kinh tế. 

 Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định. Ảnh minh họa: TTXVN

Phóng viên:Thưa ông, bên cạnh những nhóm nguyên nhân đầu làm tăng quy mô GDP, vậy có nhóm nguyên nhân nào làm giảm quy mô GDP?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Bên cạnh 4 nhóm nguyên nhân đầu làm tăng quy mô GDP, có nhóm nguyên nhân là 5 là: cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước làm quy mô GDP bình quân mỗi năm giảm khoảng 131 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 14% so với mức tăng bình quân mỗi năm đánh giá lại GDP.

Trong những năm qua, thay đổi cơ cấu kinh tế của nước ta diễn ra nhanh và mạnh mẽ, không chỉ chuyển đổi cơ cấu giữa 3 khu vực kinh tế mà còn diễn ra trong từng ngành, từng khu vực. Việc thay đổi cơ cấu dẫn đến thay đổi quy mô chỉ tiêu giá trị sản xuất, thay đổi tỷ lệ chi phí trung gian và hệ thống chỉ số giá của nền kinh tế. Vì vậy, đánh giá lại quy mô GDP phải cập nhật sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế.

Việc cập nhật này làm tăng hệ số chi phí trung gian của nhiều ngành kinh tế dẫn đến quy mô GDP giảm gần 71 nghìn tỷ đồng (giảm 7,6%); làm thay đổi chỉ số giá và bảng giá sản phẩm dẫn đến quy mô GDP, giảm khoảng 61 nghìn tỷ đồng (giảm 6,5%).

Phóng viên:Do vậy, kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ tác động đến định hướng chính sách vĩ mô của nền kinh tế trên những phương diện nào, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng. Bức tranh kinh tế của đất nước được nhận dạng sát thực và rõ nét hơn, đặc biệt là bức tranh tiêu dùng của nền kinh tế.

Thực tế mô hình tiêu dùng của hộ dân cư đã thay đổi. Tỷ trọng tiêu dùng cho ăn uống giảm từ 39,93% của năm 2010 xuống còn 33,25% của năm 2019; tiêu dùng cho nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng từ 10,01% của năm 2010 lên 18,37% của năm 2019; tiêu dùng cho giao thông và phương tiện đi lại tăng từ 8,23% của năm 2010 lên 10,27% của năm 2019…

Điều này gợi ý cho Chính phủ bên cạnh tập trung sản xuất hướng vào xuất khẩu, cần điều chỉnh chính sách đáp ứng nhu cầu trong nước để phục vụ cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân với nhu cầu về nhà ở, phương tiện đi lại, sử dụng các loại dịch vụ có hàm lượng công nghệ và chất lượng cao ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, đánh giá lại quy mô GDP phản ánh cơ cấu kinh tế của 3 khu vực thay đổi. Đó là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ. Bức tranh cơ cấu kinh tế thay đổi tác động tới điều chỉnh chính sách tài khóa, đầu tư, tín dụng đối với mục tiêu phát triển của 3 khu vực kinh tế và các ngành kinh tế trong từng khu vực hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao.

Ngoài ra, đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới thay đổi các chỉ tiêu có liên quan tới GDP, đặc biệt các chỉ tiêu mang tính đòn bẩy của nền kinh tế như: tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP.

Các chỉ tiêu này thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ. Sự thay đổi của các chỉ tiêu đòn bẩy cho thấy khả năng mở rộng hoặc thu hẹp dư địa thu ngân sách, điều chỉnh tỷ lệ thuế, chi tiêu và nợ công.

Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế được quy định bởi các văn bản pháp luật. Các chỉ tiêu đòn bẩy giảm xuống đưa đến khả năng lựa chọn được thêm những dự án cần thiết có hiệu quả tốt mà trước đây loại bỏ vì nếu đầu tư sẽ làm cho nợ công vượt trần.

Phóng viên: Xin cảm ơn Tổng cục trưởng !

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục