Đánh giá nguồn cung - cầu hàng hóa phục vụ thị trường Tết

19:30' - 18/01/2024
BNEWS Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề, thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để thực hiện hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá. Từ đó, có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Sở cũng chủ động tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội phương án chuẩn bị nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán; phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2023 và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ giữa tháng 11/2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Mới đây, ngày 14/1, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quận Hà Đông do Đội Quản lý thị trường số 11 chủ trì đã kiểm tra điểm tập kết tại khu vực số 2 Phùng Hưng (phường Phúc La, quận Hà Đông), phát hiện 153 thùng carton, bên trong có 18.360 sản phẩm hình trụ tròn, cao 11,5cm, đường kính 3,5cm nghi là pháo. Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Công an quận Hà Đông kiểm tra địa điểm kinh doanh tại khu nhà ở Sông Công, Hà Cầu, Hà Đông. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 2.400 chai tinh dầu thuốc lá điện tử VAPPRO, trị giá 288 triệu đồng.

Cùng với đó. hàng hóa thương hiệu Việt Nam cũng bị làm giả, làm nhái một cách trắng trợn như thương hiệu bột giặt OMO được nhái thành bột giặt OMON, trà xanh C2 nhái thành trà xanh E2... với màu sắc, bao bì giống hệt sản phẩm chính hãng nhưng có giá rẻ hơn.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các đội quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức trong việc tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại. Việc đấu tranh tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự báo nhu cầu sử dụng tăng cao trong dịp lễ, Tết như các mặt hàng thuốc lá, pháo nổ, thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Địa bàn tập trung kiểm tra là các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa, tuyến giao thông trọng điểm...

Năm 2023, các cơ quan, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ tăng 1,01% so với năm 2022, tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 4.307,7 tỷ đồng tăng 15,78% so với năm 2022...

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng để tránh mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả. Vì đây là thời điểm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh. Nhiều tiểu thương đã nhân cơ hội "tuồn" hàng giả, hàng nhái vào thị trường nhằm thu lợi nhuận cao. Cùng với công nghệ phát triển, các thủ đoạn làm giả, làm nhái ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý.

Để phục vụ người dân trong dịp trước, trong và sau Tết, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã lên kế hoạch dự trữ, nguồn hàng từ rất sớm đảm bảo giá cả ổn định, chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đại diện Tập đoàn Central Retail, Central Retail (GO!, Big C, Tops Market) đã thống nhất với các nhà cung cấp lớn về lượng hàng hóa phục vụ Tết. Các kế hoạch mở rộng lượng hàng hóa dự trữ cũng như hậu cần được tính đến, tiếp đó là việc bảo đảm giá cả ổn định, bảo đảm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng... 90% số sản phẩm của siêu thị là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Central Retail đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm mang đến cho khách hàng một cái Tết an toàn, ấm cúng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục