Đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế đối với EVNNPC

18:25' - 21/11/2020
BNEWS Việc đạt được xếp hạng tín nhiệm quốc tế là một bước quan trọng để EVNNPC hướng tới tự chủ hoàn toàn trong việc huy động vốn để tài trợ cho các dự án trong tương lai.

Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNVNPC), mới đây, đơn vị đã họp với Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và nhóm tư vấn Mizuho để xếp hạng tín nhiệm quốc tế dành cho Tổng công ty.

Fitch Ratings là một trong cơ quan xếp hạng tín dụng lớn có trụ sở tại New York và London.

Theo EVNNPC, việc đạt được xếp hạng tín nhiệm quốc tế là một bước quan trọng để đơn vị này hướng tới tự chủ hoàn toàn trong việc huy động vốn để tài trợ cho các dự án trong tương lai. Có xếp hạng tín nhiệm quốc tế sẽ giúp EVNNPC mở rộng nguồn tài trợ bằng cách tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Điều đó cũng sẽ giúp Tổng công ty tối ưu hóa cấu trúc vốn để phù hợp với bản chất của tài sản nhờ việc thị trường vốn nợ quốc tế sẽ cho phép phát hành trái phiếu dài hạn so với các khoản nợ hiện tại với thời hạn ngắn hơn được huy động từ các ngân hàng.

EVNNPC là Tổng công ty điện lực lớn nhất Việt Nam và có lịch sử lâu đời nhất trong 05 Tổng Công ty điện lực. EVNNPC được thành lập trước khi công ty mẹ EVN được thành lập, phục vụ lượng khách hàng lớn nhất, bao gồm hơn 10 triệu khách hàng, chiếm khoảng 37% thị phần Việt Nam. Khu vực kinh doanh của EVNNPC bao gồm các vùng quan trọng nhất của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện nhanh nhất. EVNNPC cung cấp điện cho 27 tỉnh/thành phố miền Bắc Việt Nam.

Biểu giá điện của EVNNPC được điều chỉnh bởi một khung quy định đảm bảo bù đắp chi phí, biểu giá điện được điều chỉnh hàng năm theo tỷ lệ. Khách hàng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực công nghiệp, với khoảng 60% doanh thu trong năm tài chính 2019 là từ các khách hàng công nghiệp. Nhu cầu điện từ các khách hàng công nghiệp có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn theo chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế, tuy nhiên mức tăng trưởng trung bình ở mức một chữ số (ở mức giữa ~5) trong suốt 5 năm qua.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết: “Song hành với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn và đáng tin cậy, EVNNPC còn hướng tới mục tiêu tự chủ hoàn toàn trong việc huy động vốn. Thời gian qua, đánh giá tín nhiệm ‘BB’ của Công ty mẹ EVN và một số Tổng công ty về cơ bản đã nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư và ngân hàng về các công ty chủ chốt trong EVN. Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục công việc mà công ty mẹ đã khởi xướng từ vài năm trước trong việc thúc đẩy tính minh bạch, tăng cường năng lực quản trị và giúp có thêm nhiều nhà đầu tư biết về EVN”.

Bà Ánh cũng cho biết thêm vừa qua, EVNNPC đã ứng phó tốt với ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19  và trong 9 tháng năm 2020, tổng sản lượng điện tiêu thụ của EVNNPC đã đạt mức tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Chúng tôi cũng có tỷ lệ thu tiền điện từ khách hàng ở mức xuất sắc, trung bình là 100% trong vài năm qua. Chúng tôi cũng đang nỗ lực để nâng cao hiệu quả của hệ thống điện, với mức tổn thất điện năng đã giảm đáng kể xuống 4,99% năm 2019 (từ mức 7,39% năm 2014), trung bình giảm 0,5%/năm. Mức cải thiện tổn thất điện năng của EVNNPC tốt nhất trong 05 Tổng Công ty. Được hỗ trợ bởi mô hình kinh doanh vững chắc, bảng cân đối kế toán của chúng tôi cũng rất lành mạnh, EVNNPC đã duy trì hệ số nợ/EBITDA ở mức khoảng 3,5 lần kể từ năm 2017”.

Đại diện tổ chức xếp hạng Fitch Ratings cũng đã đặt câu hỏi và cùng EVNNPC phân tích nhiều vấn đề như chiến lược phát triển của EVNNPC, những thách thức của ngành điện, tình hình phát triển thị trường điện, vai trò của EVNNPC trong chính sách năng lượng, biểu giá điện của Chính phủ, tổn thất điện năng…

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong các năm tới, từ nay đến 2030 vốn nhu cầu cho EVN khoảng 90 tỷ USD, với lượng vốn lớn nên việc thu xếp vốn nước ngoài là tất yếu. EVN được sự giúp đỡ của World Bank và Tổ chức Fitch Ratings đã tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế cho EVN, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh.

“EVNNPC là Tổng công ty phân phối với nhiệm vụ quản lý lưới rộng lớn và nhu cầu đầu tư hàng năm nhiều nên việc đánh giá tín nhiệm đối với EVNNPC rất quan trọng để có thể sớm thu xếp vốn nước ngoài…”, ông Nam nói.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục