Đánh thức tiềm năng du lịch nơi vùng cao Nguyên Bình

12:36' - 07/02/2023
BNEWS Với những lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hoá đặc trưng của người Dao Tiền, UBND huyện lựa chọn Hoài Khao để xây dựng thành điểm đến, phát triển du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa đang được nhiều địa phương lựa chọn trong việc quảng bá điểm đến, bảo tồn di sản văn hoá vùng miền, gia tăng thu nhập, từng bước giúp người dân thoát nghèo.

Đây cũng là hướng đi được UBND huyện Nguyên Bình- Cao Bằng lựa chọn để đầu tư, xây dựng những điểm đến hấp dẫn như dù lượn ở Tĩnh Túc, lên đỉnh Phja Oắc - Phja Đén hay lạc mình giữa rừng trúc ở Thành Công cho tới làng du lịch cộng đồng Hoài Khao… đều mang bản sắc riêng và đặc trưng của vùng núi phía Đông Bắc.

* Đà Lạt của Cao Bằng

Trong những ngày Xuân đầu năm, vượt qua hơn 50km từ thành phố Cao Bằng chúng tôi đến với huyện Nguyên Bình. Màu xanh của đồi núi trùng điệp, xa xa là mây xà xuống núi, thi thoảng là những dòng suối uốn lượn chân nơi chân đồi núi tạo thành một bức tranh hữu tình thật đẹp.

Đến với Nguyên Bình du khách sẽ được đắm mình với thiên nhiên, trải nghiệm những cung đường vượt núi, băng rừng với người dân bản. Ở đây khí hậu quanh năm mát mẻ được người dân ví như “Đà Lạt của Cao Bằng”. Điểm đặc biệt, vào mùa đông, trên đỉnh núi Phja Oắc thuộc xã Thành Công còn xuất hiện băng giá, thu hút nhiều du khách đến để trải nghiệm.

Mỗi một điểm đến ở Nguyên Bình, hay trên dọc cung đường với những gấp cua tay áo uốn lượn cũng mang lại cảm giác rất thú vị cho những du khách đi “phượt” bằng xe máy, cung đường đẹp, con người thân thân thiện.

Trên đường đi lên đỉnh Phja Oắc và xuống làng miến dong Phia Đén, hai bên đường thi thoảng có những hộ dân của người dân tộc Dao, các bà các chị ngồi bên hiên nhà thêu thùa váy áo và làm các việc nhà, du khách có tới thăm hỏi, chụp ảnh người dân rất vui vẻ, thân thiện.

Nguyên Bình có 8 dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao…, cùng đoàn kết chung sống đan xen; trong đó, dân tộc Dao chiếm 57,26%, tạo cho Nguyên Bình một nền văn hoá phong phú, đa sắc màu. Cùng với đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở Nguyên Bình vẫn lưu giữ, bảo tồn được bản sắc văn hóa của từng dân tộc.

Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết, với những lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hoá đặc trưng của người Dao Tiền, UBND huyện lựa chọn Hoài Khao để xây dựng thành điểm đến, phát triển du lịch cộng đồng.

Sau 2 năm thực hiện từ những bước đi đầu tiên, đến nay, xóm Hoài Khao đã thực sự đổi thay. Người dân đã bắt đầu hiểu hơn và tin vào việc xây dựng xóm du lịch cộng đồng sẽ mang lại giá trị kinh tế cho người dân trong xóm.

 “Sau nhiều lần vận động tuyên truyền, người dân đã hiểu và thông suốt về việc làm du lịch để nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và những người xung quanh. Với những nỗ lực từ các cấp chính quyền và sự hỗ trợ của doanh nghiệp lữ hành và Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam (VCTC) đến nay đã có 7 hộ dân trong xóm làm homestay, hiện các hộ đã hoàn thành sẵn sàng đón du khách đến trải nghiệm tham quan, nghỉ dưỡng”, ông Phong nói.

Vui mừng chia sẻ với chúng tôi về những chuyển biến tích cực trong việc phát triển du lịch cộng đồng ở xóm, Trưởng xóm Hoài Khao Lý Hữu Tăng cho biết, xóm có hai họ là họ Lý và họ Chu, với 35 hộ dân sinh sống và chỉ có 2 hộ vừa mới thoát nghèo. Cái đói, nghèo đeo đẳng người dân nơi đây.

Tuy nhiên, sau 2 năm bắt tay vào thực hiện xây dựng xóm du lịch cộng đồng, đời sống người dân đã có sự đổi thay rõ nét. Cơ sở hạ tầng của xóm được đầu tư, đường xá đi lại thuận tiện hơn. Bà con trong xóm đã có ý thức giữ gìn, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ đồng thời trồng thêm hoa ven đường, giữ gìn, tạo cảnh quan thiên nhiên sẵn có của xóm cổ. Khu chăn nuôi, chuồng trại đã được đưa ra khu vực phía xa cách khu dân cư.

Ông Chu Khánh Tuấn chủ homestay ở Hoài Khao chia sẻ, khi bắt tay vào làm homestay mỗi hộ được hỗ trợ 80 triệu đồng. Chúng tôi rất vui khi xây dựng được 1 điểm đến mang dấu ấn của người Dao Tiền. Hiện, gia đình cũng tập trung nâng cao chất lượng về các món ăn, để du khách có thể thưởng thức ẩm thực ở nơi đây một cách trọn vẹn, ấn tượng.

Không chỉ có các hộ làm homestay được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch động đồng, mà người dân trong xóm cùng được hưởng lợi, gia tăng thu nhập.

Để phát triển du lịch, xóm đã xây dựng và tập huấn cho bà con một số kỹ năng trong làm du lịch. Người dân trong xóm mỗi nhà một việc, có 3 hộ chăn nuôi gà; 2 hộ nuôi chăn nuôi cá phục vụ du khách trải nghiệm; 1 hộ thực hiện dịch vụ ngâm chân tại nhà và nhiều hộ khác đã cũng biết cách phục vụ khách du lịch ngâm chân và đóng gói các loại thuốc.

Bên cạnh đó, xóm còn hướng dẫn một số người thông thạo địa hình khi khách cần đi bộ, leo núi có thể dẫn đường. Mỗi người một việc đã tạo nên một không khí vui tươi, rộn ràng, người dân bước đầu đã có thu nhập tốt hơn để cải thiện đời sống. Đây là tín hiệu tích cực đối với một xóm nghèo nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng.

Chia sẻ về việc gia tăng thu nhập khi làm du lịch cộng đồng, anh Trần Công Hoạt ở xóm Bản Phường, xã Thành Công cho biết, người dân trong xóm luôn sống dựa vào rừng, trồng trúc sào để bán. Tuy nhiên, khi xây dựng thành điểm đến, người dân rất vui vì có thêm thu nhập từ việc đón khách đến thăm quan. Ở đây, đã thành lập Tổ quản lý rừng Trúc để quản lý, điều phối, hướng dẫn khi du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

* Mang hy vọng xóa đói giảm nghèo

Ông Hoàng Quốc Chấn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình cho biết, để xây dựng làng du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã vận động người dân trong xóm chỉnh trang nhà cửa, gìn giữ và tu sửa những nếp nhà bằng gỗ riêng biệt, mang đậm bản sắc dân tộc Dao.

Khi các hộ xây dựng homestay cũng có sự đồng nhất tạo dấu ấn riêng như nội thất trong mỗi homestay là những đồ dùng sinh hoạt của người Dao Tiền, mỗi dụng cụ sinh hoạt lại được người Dao trang trí cho ngôi nhà của mình, tạo nên sự khác biệt, đẹp mắt nhưng lại mang đậm nét văn hóa bản sắc.

Cùng với đó, ở trong xóm đã hình thành tổ đan lát; tổ vệ sinh môi trường; tổ làm thuốc; tổ in hoa văn sáp ong thổ cẩm… Theo ông Chấn, điều quan trọng nhất ở Hoài Khao là người dân đã thay đổi nhận thức về việc làm du lịch, chịu khó đầu tư, học hỏi cách làm du lịch từ các địa phương khác để làm sao thu hút, giữ chân du khách quay trở lại.

Ông Đào Nguyên Phong cho biết, chúng tôi xác định du lịch, dịch vụ và phát triển du lịch cộng đồng là trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội của huyện. Huyện xác định phương châm phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc xây dựng, quy hoạch tại Hoài Khao được quản lý sát sao để không phá vỡ cảnh quan, thiên nhiên, không để bê tông hóa.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, điểm khó nhất đối với việc phát triển du lịch cộng đồng ở vùng núi Cao Bằng là ý thức của người dân. Khi thực hiện, UBND và các cấp đã vận động và cầm tay chỉ việc, đồng hành với người dân để xây dựng 1 điểm đến như Hoài Khao hôm nay.

Hoài Khao hôm nay sẽ là sự khởi đầu cho những mô hình điểm đến khác trên địa bàn huyện, du khách đến với Nguyên Bình ngày một tăng sẽ giúp đời sống của bà con nơi đây đổi thay, từng bước thoát nghèo.

Về tiềm năng, giá trị của du lịch cộng đồng ở Nguyên Bình, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch VCTC cho biết, xây dựng và phát triển mô hình sinh kế cộng đồng sẽ giúp quá trình phát triển du lịch bền vững và lâu dài. Với tinh thần học hỏi, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đã giúp mô hình du lịch ở Hoài Khao có nhiều khởi sắc. Người dân địa phương đã xây dựng được 34 căn nhà mang giá trị văn hóa của đồng bào.

“Địa phương cũng đang tạo dựng cảnh quan, cơ sở vật chất để phát triển mô hình sinh kế bền vững trong tương lai. Đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai”, Chủ tịch Phạm Hải Quỳnh tin tưởng./.

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục