Đào tạo lại nguồn nhân lực chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở nên cấp bách

19:44' - 30/10/2017
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo nên nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế khi máy móc tự động hóa thay thế con người nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí nhân công và thủ tục hành chính.
Hyundai Thành Công đưa dây chuyền công nghệ hiện đại chuyển giao trực tiếp từ Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc vào sản xuất, lắp ráp xe ô tô. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Tuy nhiên, thách thức mà cuộc cách mạng này đặt ra cũng không hề nhỏ, cụ thể là những ngành nghề sử dụng lao động ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn với nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.

*Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng

Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành này.

Trong số đó có 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động của Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa của ngành.

Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ và sâu rộng của cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp nhiều doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất.

Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã dùng 1.000 tay máy để thay thế cho người lao động, Công ty Adidas Việt Nam đã sản xuất 500 sản phẩm hoàn toàn bằng công nghệ tự động hóa.

Hoặc như tính toán của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nếu sử dụng máy móc, họ chỉ tiêu tốn chi phí 18 tỷ đồng/năm, còn sử dụng người lao động họ sẽ phải mất 20 tỷ đồng/năm cho những công đoạn đó…

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động đào tạo giản đơn nên sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong 3 lĩnh vực chính của ngành dệt may gồm sợi, nhuộm và may mặc, thì trong thời gian qua, ngành sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí về nhân công.

So với 10 năm trước, 10 nghìn cọc sợi phải cần đến trên 110 lao động thì giờ những doanh nghiệp tiên tiến nhất chỉ cần 25-30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước đây.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những cơ hội mới cho ngành, nếu được áp dụng sâu rộng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ được cải thiện rất nhanh.

Trước đây, trung bình 5 năm ngành may mới có một loạt công nghệ mới, có khoảng cách về năng suất, chất lượng so với công nghệ cũ, ngành sợi là 10 năm và dệt nhuộm khoảng 15 năm.

Nay với cách mạng công nghiệp 4.0, khoảng cách này sẽ ngắn lại.

Các công nghệ mới sẽ xuất hiện liên tục với ứng dụng của xử lý công nghệ qua big data, internet và robot hóa trong các bước của quá trình sản xuất.

Do đó, trong giai đoạn tới, ngoài việc luôn cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.

Không chỉ ngành dệt may, ngành công nghiệp da giày và túi xách Việt Nam cũng đang thay đổi rất nhanh trước cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần, do đó, doanh nghiệp cần phải thay đổi về tầm nhìn và quá trình đầu tư.

Mặc dù đầu tư này đòi hỏi nhiều vốn nhưng cần thiết vì giúp thay thế được một phần lao động, năng cao chất lượng sản phẩm và kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm; tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm, nâng cao trong cả chuỗi giá trị toàn ngành.

Hiệp hội sẽ làm tốt vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin thị trường, kinh nghiệm đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, là cầu nối giữa doanh nghiệp với thị trường và với Nhà nước, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Thực tế các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày đã đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rất nhiều, thay đổi quy trình sản xuất và có xu hướng tập trung tự động hóa những khâu cần nhiều lao động như: đưa hàng hóa ra trung tâm phân phối, khâu xì cắt, 1 máy có thể thay thế cho 4 lao động...

Tốc độ thay đổi năng suất lao động của các doanh nghiệp này cũng rất lớn, gấp đôi thậm chí gấp ba các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Đơn cử như doanh nghiệp lớn của Việt Nam là Thái Bình Shoes năng suất lao động cũng chỉ mới 18.000-20.000 USD/người lao động/năm; trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đã lên đến 25.000-30.000 USD/người lao động/năm, thì các doanh nghiệp trong nước làm sao cạnh tranh được.

Do đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là cơ hội để thay đổi phương thức quản lý. Ví dụ như dây chuyền mà các doanh nghiệp hiện hữu tạo ra các sản phẩm nên đi theo mô hình của doanh nghiệp vừa và nhỏ Italia.

Tuy họ ít doanh nghiệp và sử dụng ít lao động nhưng lại là nước xuất khẩu giày lớn thứ ba trên thế giới.

*Chủ động đào tạo nguồn nhân lực

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời.

Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Số lượng công nhân bị ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không hẳn đã thất nghiệp mà họ sẽ chuyển sang quá trình học cách vận hành các loại máy móc tinh vi, hiện đại, để không đứng ngoài thị trường lao động trong tương lai.

Do đó, nhu cầu đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện nay trở nên vô cùng cấp bách.

Đại diện trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ngành giáo dục trước nhiều thách thức lớn.

Cụ thể như các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.

Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhận xét, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh giá rẻ không còn là lợi thế đối với những ngành sử dụng lao động trình độ thấp.

Do đó, nếu không có định hướng về nghề nghiệp cho người lao động để đào tạo kiến thức, chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0, thời cơ vàng của cơ cấu dân số trẻ có thể bị bỏ lỡ, bị tụt hậu trong cách mạng 4.0.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhưng Việt Nam vẫn chưa định hình được những việc làm mới nên khó khăn cho đào tạo nghề đối với người lao động.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp, khuyến khích tư duy sáng tạo và khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học công nghệ…, Nhà nước cần có chính sách ngành để khuyến khích và thu hút doanh nghiệp, người lao động tham gia.

Nếu chính sách ngành hiện nay là tập trung vào khâu kỹ năng thấp, việc làm giản đơn, giá trị gia tăng thấp trong các ngành dệt may, da giày, điện tử… sẽ bị nguy cơ thay thế bằng robot cao.

Do đó, cần đa dạng hóa ngành nghề, khuyến khích đầu tư và phát triển các ngành kỹ năng cao, giá trị gia tăng cao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Công đoàn các cấp cũng cần nâng cao nhận thức cho người lao động về thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với người lao động, tham gia với Chính phủ trong việc xây dựng chính sách ngành và định hướng cho người lao động và nghề nghiệp trong tương lai…/.

Xem thêm:

>>>Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội gì cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

>>>Áp dụng tin học vào quản lý: Con đường ngắn nhất nâng cao năng lực cạnh tranh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục