Đào tạo nhân lực phục vụ sân bay Long Thành

21:57' - 17/10/2023
BNEWS Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai làm việc với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Trường Lilama 2, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành.

Chiều 17/10, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai làm việc với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Trường Lilama 2, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực phục vụ sân bay Long Thành.

 

Theo ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu Trưởng Trường Lilama 2, việc đào tạo nhân lực phục vụ sân bay Long Thành là rất cấp thiết, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là con em các gia đình đã nhường đất để xây dựng sân bay.

Ông Nguyễn Khánh Cường cho biết: Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành cần khoảng 13.800 lao động, trình độ từ phổ thông đến trên đại học, trong đó nhiều nhất là đại học với khoảng 5.000 lao động, chiếm khoảng 40% tổng số lao động phục vụ dự án; số còn lại là lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Do đặc thù của ngành hàng không, người học phải có trình độ đầu vào nhất định và cơ sở giáo dục phải được cấp phép của cơ quan chuyên môn mới có thể đào tạo.

Để đảm bảo cho lao động đáp ứng các tiêu chuẩn, đủ điều kiện vào làm việc tại sân bay, vừa qua, Trường Lilama 2 đã ký kết hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO) và Học viện hàng không Vietjet để đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không, như: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.

Đồng thời, trường cũng hợp tác với các đơn vị đào tạo tiếng Anh TOEIC để học viên đạt được trình độ chuẩn đầu ra theo quy định.

Trường Lilama 2 kiến nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai "đặt hàng" với nhà trường đào tạo các chương trình chất lượng cao, nhằm cung cấp nguồn nhân lực liên quan đến điện tử, cơ khí, viễn thông, công nghiệp 4.0; có cơ chế tài chính hỗ trợ con em các gia đình trên địa bàn tỉnh khi theo học các ngành nghề trong lĩnh vực hàng không; làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư sân bay Long Thành) để có phương án đảm bảo việc làm cho người học.

Thời gian qua, Chính phủ các nước Đức và Pháp đầu tư nhiều nguồn lực cho Trường Lilama 2, trường mong muốn lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện để trường chuyển giao đào tạo nghề theo tiêu chuẩn Đức cho các trường nghề trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, hoạt động đào tạo nhân lực của Trường Lilama 2 phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, mong muốn trường mở rộng quy mô đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng của địa phương; đồng thời thể hiện sự ủng hộ các đề xuất đào tạo gắn với địa chỉ, đơn đặt hàng từ nhu cầu thực tế của sân bay Long Thành, trong đó chú ý hỗ trợ kinh phí học nghề cho bộ đội xuất ngũ, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn (theo mô hình tín dụng học nghề cho thanh niên).

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng lưu ý UBND tỉnh tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về học nghề cho thanh niên, cũng như  nhu cầu việc làm tại sân bay Long Thành. Trường Lilama 2 cần quan tâm phát triển Đảng cho người học, bởi Đồng Nai đặc thù là tỉnh công nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục