Đào tạo nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam

10:17' - 29/04/2024
BNEWS Nguồn nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam khá trẻ và có khả năng tiếp nhận công nghệ mới nhanh nhạy, có thể khởi nghiệp trên môi trường số...

Đây là những yếu tố rất thuận lợi cho hoạt động đào tạo nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam.

 

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử năm 2024 trên địa bàn; trong đó, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thương mại điện tử là một trong những nội dung quan trọng, được địa phương ưu tiên hàng đầu.

Đơn cử, đầu tháng 4 vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Theo Kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước về thương mại điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp nội dung thông tin trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và mạng Internet cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn thành phố.

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thương nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp Sở Công Thương tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước về thương mại điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp nội dung thông tin trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và mạng Internet cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn.

Năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 2.000 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Cùng đó, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiêu dùng… qua các kênh thương mại điện tử.

Ngoài ra, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

Theo Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử của Thủ đô, 2 trong tổng số 16 nhiệm vụ trọng tâm và cũng là 2 nhiệm vụ đầu tiên được Sở Công Thương Hà Nội tập trung triển khai liên quan đến nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực. 

Cụ thể, tập trung uyên truyền các chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển thương mại điện tử của trung ương và thành phố đến các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Cùng đó, giới thiệu, phổ biến những mô hình thương mại điện tử mới, tiên tiến; tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp, cá nhân về thương mại điện tử trên địa bàn thành phố theo các lĩnh vực kinh doanh.

Mục tiêu của Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2024 nhằm triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tuyên truyền về nhận thức, thúc đẩy tạo điều kiện doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán và trong mua sắm tiêu dùng của người dân; đồng thời nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước.

Tỉnh Bình Phước sẽ tập trung đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử cho cán bộ, công chức của tỉnh, đặc biệt là nghiệp vụ kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật thương mại điện tử trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử.

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn nhằm kết nối, đẩy mạnh giao dịch hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Để góp phần tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2024. 

Đáng lưu ý, đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, Kế hoạch sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phát triển sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử.

Đặc biệt, triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực của tỉnh; nghiên cứu thị trường, thống kê, khảo sát, thu thập số liệu về hoạt động thương mại điện tử…

Xác định đào tạo, tập huấn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển thương mại điện tử, Kế hoạch đã được Sở Công Thương Bình Thuận ban hành cuối tháng 2/2024 tập trung vào 4 nội dung chính gồm tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, triển khai dịch vụ hành chính công; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật thương mại điện tử trên địa bàn; nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại điện tử.

Nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cập nhật những chính sách mới về thương mại điện tử cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (EcomViet) (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) phối hợp với các sở, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba triển khai hàng loạt chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các chương trình này đã thu hút được số lượng lớn đại biểu (Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các cơ sở đào tạo…) tham dự và được đánh giá tích cực về nội dung, đa dạng về hình thức...

Thời gian tới, EcomViet sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong cả nước; Biên soạn, số hóa bài giảng, duy trì,vận hành hệ thống Eclass.vn.

Bên cạnh đó, triển khai nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho các nhóm đối tượng về thương mại điện tử cả nước; tiếp tục tổ chức Hội thảo tập huấn về thương mại điện tử cho giảng viên các trường cao đẳng, đại học trên cả nước...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục