Dầu Brent và WTI kết thúc tuần giao dịch trong xu hướng trái ngược

12:30' - 24/08/2019
BNEWS Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 23/8 sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 75 tỷ USD của Mỹ, trong đó bao gồm cả dầu thô.

Tuy nhiên tính chung trên cả tuần, hai loại dầu chủ chốt trên thị trường thế giới lại diễn biến trái chiều nhau.

Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 58 xu, tương đương 1%, xuống chốt phiên ở mức 59,34 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi tới 1,18 USD (khoảng 2,1%) xuống còn 54,17 USD/thùng. Tuy cũng đi xuống trong phiên này, sau khi tính chung trên cả tuần, giá dầu WTI đã giảm 1,3% trong khi giá dầu Brent tăng 1,2%.

Sự lao dốc của giá hai loại dầu trên trong phiên 23/8 diễn ra sau khi Bộ thương mại Trung Quốc vào cùng ngày cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 5% hoặc 10% đối với tổng số 5.078 sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, trong đó có dầu thô, các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành và máy bay cỡ nhỏ.

Ngay sau đó, trong thông báo đăng trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích quyết định mới nhất của Bắc Kinh, đồng thời khẳng định Washington sẽ có hành động mạnh mẽ.

Theo Tổng thống Trump, Mỹ sẽ nâng thuế từ 25% lên 30% nhằm vào số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/10 tới. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ nâng mức thuế từ 10% lên 15% nhằm vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1/9.

Ông Marshall Steeves, nhà phân tích thị trường năng lượng tại công ty nghiên cứu IHS Markit cho biết động thái nâng thuế quan của Trung Quốc không quá bất ngờ khi cân nhắc đến tình trạng leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế cụ thể đối với mặt hàng dầu thô của Mỹ chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu WTI.

Còn theo ông Matt Smith, người đứng đầu mảng nghiên cứu thị trường hàng hóa tại công ty chuyên về lĩnh vực năng lượng ClipperData, sự tăng giảm nhanh chóng của giá năng lượng phản ánh mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tác động từ diễn biến này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Diễn biến này đã kéo dài  trong những tháng qua và dẫn đến tác động tiêu cực lên thị trường. Điều bất lợi là nhiều khả năng tình trạng căng thẳng và ảnh hưởng của chúng sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty tư vấn đầu tư OANDA cho biết rủi ro đối với triển vọng nhu cầu năng lượng là rất cao khi cuộc chiến thương mại vẫn còn tiếp tục “tăng nhiệt” và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã không thể tiến hành một chiến dịch nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ.

Trong một bài phát biểu tại một hội nghị tổ chức ở Jackson Hole, bang Utah, ông Powell đã phát đi những tín hiệu về khả năng Fed sẽ tiến hành các biện pháp kích thích cho nền kinh tế. Nhưng giới quan sát cho rằng chúng sẽ không xảy ra nhanh như dự kiến ban đầu của thị trường.

Chuyên gia Edward Monya cũng nói rằng giá dầu thô sẽ khá “chật vật” trong thời gian tới. Vì những rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu và việc Mỹ chậm tiến hành những biện pháp kích có thể sẽ khiến dự báo về nhu cầu năng lượng thế giới tiếp tục giảm xuống.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục