Đâu là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp thực phẩm đồ uống năm 2022?
Trước áp lực về chi phí nguyên vật liệu tăng cao, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống giảm mạnh. Nhưng giới phân tích vẫn đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của ngành này khi cho rằng, xu hướng tiêu dùng mới sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) trong năm 2022.
*Chi phí tăng cao “bào mòn” lợi nhuận
Giá lương thực toàn cầu đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đợt giảm mạnh vào tháng 4 năm 2020 do đại dịch COVID-19. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu bột mì cùng các sản phẩm trứng, sữa tăng mạnh đã góp phần khiến giá lương thực thế giới trong tháng 11/2021 tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, giá lương thực tăng cao thời gian qua do nguồn cung hàng hóa trên thế giới bị thiếu hụt, đặc biệt là ngô và đậu tương; nhu cầu về thực phẩm và đồ uống phục hồi ở các nước đã kiểm soát tốt tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19, cũng như nhu cầu về nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc tăng mạnh và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, trong bối cảnh đại dịch khiến chi phí logistics leo thang tạo áp lực lên chi phí đầu vào.
Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nhập khẩu sữa bột, ngũ cốc và dầu để sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống đã phải chịu áp lực về chi phí nguyên vật liệu tăng cao và biên lợi nhuận gộp thu hẹp trong 9 tháng năm 2021.
Đơn cử, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) công bố báo cáo hợp nhất quý III/2021 với doanh thu tăng 4% lên 16.194 tỷ đồng, nhưng vì giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 4,4% xuống 6.944 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 42,9%, đây là mức thấp nhất 4 năm qua. Vinamilk thường duy trì mức biên lợi nhuận gộp trên 45% trong nhiều năm, nhưng bắt đầu từ quý I năm 2021 đã giảm xuống vùng 43%.
Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk bị ảnh hưởng lớn bởi giá nguyên liệu đầu vào là bột sữa nguyên kem do nhu cầu nhập khẩu lớn đến chủ yếu từ Trung Quốc. Ngoài ra, giá đường tăng cao cũng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh nghiệp sữa đạt 45.100 tỷ đồng doanh thu, tương đương cùng kỳ năm trước; lãi ròng đạt 8.338 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Giới phân tích cho rằng, áp lực chi phí sẽ giảm bớt vào năm 2022 do giá lương thực toàn cầu được dự báo sẽ ổn định vào năm sau. Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá bột sữa sẽ hạ nhiệt vào năm 2022, nhờ nguồn cung phục hồi và nhu cầu sữa bột từ Trung Quốc giảm dần.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), sản lượng sữa được dự báo sẽ phục hồi nhờ vào năng suất sản xuất cao hơn trong năm 2022. Bên cạnh đó, Rabo Research thuộc ngân hàng Rabobank dự báo Trung Quốc sẽ hạ tỷ trọng mua và dự trữ bột sữa nguyên kem (WMP) và bột sữa tách béo (SMP) trong năm tới.
Do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất trên các thị trường sữa toàn cầu nên điều này sẽ làm hạ nhiệt giá bột sữa vào năm 2022 so với mức đỉnh tại quý II năm 2021.
Các chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, Vinamilk có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này, khi gần 60% nguyên liệu bột sữa cho các sản phẩm sữa bột (trẻ em và người lớn) và bột dinh dưỡng được nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.
* Động lực tăng trưởng mới
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng đang dịch chuyển sang các thực phẩm tươi sống và đóng gói.
Khảo sát do Deloitte thực hiện nhằm đo lường kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho thấy, có đến 84% và 70% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu dành cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói do nhu cầu tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam ước tính sẽ tăng lần lượt 8% và 10% so với cùng kỳ vào năm 2022 và 2023, được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh chi tiêu trong trạng thái “bình thường mới”, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm và đồ uống không cồn, nhà ở và tiện ích; trong đó, các hộ gia đình Việt Nam chủ yếu chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn. Do đó các chuyên gia cho rằng, xu hướng tiêu dùng mới này sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành F&B trong năm 2022.
Bên cạnh đó, nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp đang gia tăng. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 17 về dân số, với 100 triệu người và đang đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong ASEAN, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2018-2020 là 6,9%.
Theo Fitch Solutions, thu nhập khả dụng trên mỗi hộ gia đình của Việt Nam sẽ đạt 6.848 USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép là 8% trong giai đoạn 2020 - 2024.
Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng và thu nhập khả dụng tăng sẽ làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm cao cấp. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ổn định, đồng thời lạm phát và tỷ giá hối đoái được kiểm soát kịp thời sẽ giúp người dân tiếp cận gần hơn với các sản phẩm cao cấp. Họ trở nên hiểu biết hơn nhiều về những tiêu chuẩn cao cấp.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề sức khỏe, do đó làm tăng nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe.
Các kênh bán hàng hiện đại sẽ tạo động lực tăng trưởng mới. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo cơ hội cho các kênh phân phối hiện đại phát triển nhanh chóng khi người dân chọn mua sắm trực tuyến tại nhà và siêu thị với các sản phẩm đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc.
Năm 2020, các kênh bán lẻ hiện đại đã tăng trưởng ấn tượng, phủ khắp các thành phố lớn và dần phủ rộng ra các vùng nông thôn, trong khi kênh bán lẻ truyền thống vẫn được duy trì nhưng không còn phát triển mạnh mẽ.
Giới phân tích cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống với hệ thống phân phối hiện đại mạnh mẽ có thể hưởng lợi từ điều này và tăng trưởng trong dài hạn.
Các doanh nghiệp trong ngành đáng chú ý, đáp ứng tiêu chí trên có thể kể tới như: Vinnamilk, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (mã chứng khoán: MCH), hay Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC)
Đây là những công ty có vị thế đầu ngành, hệ thống phân phối rộng khắp và danh mục sản phẩm đa dạng, có thể nhanh chóng bắt kịp xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng.
Chẳng hạn Vinamilk có sẵn lợi thế để tận dụng xu hướng này nhờ danh mục sản phẩm phong phú và mạng lưới phân phối rộng lớn. Vinamilk có hơn 500 cửa hàng bán lẻ - "Giấc mơ Việt". Kết hợp với website và ứng dụng mua hàng sẵn có, các cửa hàng này đã và đang giúp trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng được xuyên suốt giữa các nền tảng.
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan thì có lợi thế bao gồm hệ thống siêu thị Vinmart, được thông qua việc hợp nhất với Vincommerce vào năm 2020. Doanh nghiệp đã có hai chuỗi bán lẻ hiện đại bao gồm: 123 siêu thị với thương hiệu VinMart và 2.231 cửa hàng tiện lợi với thương hiệu VinMart +.
Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, đây là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành dầu ăn và kem Việt Nam. Ngày 19/10, công ty chính thức ra mắt thương hiệu “KIDO's Bakery” chuyên cung cấp các sản phẩm bánh tới mạng lưới 450.000 điểm bán của mình.
Ngoài ra, công ty thành lập chuỗi cửa hàng cà phê và trà sữa Chuk Chuk với mục tiêu mở 200 trong năm 2023 và tăng lên1000 cửa hàng vào năm 2025.
Các chuyên gia phân tích tin rằng Chuk Chuk sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi phân phối theo mô hình B2C (các giao dịch thương mại trên Internet giữa doanh nghiệp với khách hàng cá nhân), nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng cho tập đoàn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, “KIDO’s Bakery” sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho công ty, do ngành bánh kẹo vốn là thế mạnh của doanh nghiệp từ khi thành lập.
Dù vậy các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh triển vọng tích cực vẫn có những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến ngành F&B như: dịch bệnh COVID-19 kéo dài hơn dự kiến, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, phân phối và vận chuyển hàng hóa; chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn dự kiến, gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất.
Xét trên bình diện chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành thực F&B có mức tăng không cao, thậm chí có mã còn giảm sâu. Tính từ cuối phiên giao dịch năm 2020 đến hết phiên 24/12, trong VN-Index tăng 33,8% thì VNM lại giảm 21%, MCH cũng chỉ tăng gần 22,4%. KDC là một trong những cổ phiếu có diễn biến tích cực nhất nhóm này khi tăng tới hơn 48%./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ hội cho ngành thực phẩm và đồ uống từ xuất khẩu trực tuyến
11:14' - 20/11/2021
Giao thương trong lĩnh vực F&B (thực phẩm và đồ uống) trên toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, chiếm 9% tổng giá trị giao dịch toàn cầu.
-
Kinh tế Việt Nam
Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2021
19:42' - 20/10/2021
Ngày 20/10 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2021.
-
Kinh tế Việt Nam
Kiến nghị cho phép một số lao động ngành thực phẩm tươi sống được lưu thông sau 18h
16:15' - 07/08/2021
Các doanh nghiệp cần tổ chức hệ thống theo hướng giảm bớt tiếp xúc, tăng cường biện pháp bảo vệ nhân viên trong khâu giao nhận hàng hóa.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.