Đầu tàu kinh tế ASEAN dự kiến tăng trưởng cao trong năm nay

12:14' - 25/11/2023
BNEWS Ngày 24/11, phát biểu họp báo trực tuyến ở Jakarta, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati khẳng định nền kinh tế Indonesia được dự báo tăng trưởng 5% trong năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết nước này được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

 

Ngày 24/11, phát biểu họp báo trực tuyến ở Jakarta, bà Indrawati khẳng định nền kinh tế Indonesia được dự báo tăng trưởng 5% trong năm nay. Đây là một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN và G20.

Bà Indrawati cho hay một trong những yếu tố tạo nên xu hướng tích cực của nền kinh tế Indonesia là tăng trưởng lĩnh vực sản xuất, với chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất (PMI) đạt 51,5 trong tháng 10/2023.

Với kết quả này, Indonesia nằm trong số 30,4% các nước G20 và nhóm ASEAN-6 có chỉ số PMI sản xuất mở rộng, cùng với Philippines, Singapore, Ấn Độ, Mỹ, Mexicovà Nga.

Trong khi đó, 69,6% các nền kinh tế còn lại ghi nhận sự sụt giảm về PMI sản xuất, bao gồm Đức, Pháp, Anh, Italy, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Canada, Brazil, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia, do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đại dịch.

Bà Indrawati nhắc lại rằng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Indonesia do nhiều tổ chức quốc tế đưa ra là 5%, đưa quốc gia quần đảo này đứng thứ 3, với triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt nhất trong các nước ASEAN và G20, chỉ sau Ấn Độ (6,3%) và Philippines (5,3%).

Cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) này chỉ ra rằng dự báo trên cao hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 2,1% theo WB, và 3% theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tuy nhiên, bà Indrawati cũng lưu ý đến một số trở ngại trong tăng trưởng kinh tế của Indonesia, như lạm phát cao, kinh tế Trung Quốc suy yếu, biến động giá cả hàng hóa và căng thẳng toàn cầu leo thang do xung đột tại Trung Đông.

Các rủi ro khác đối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á còn có sự phân mảnh về địa kinh tế, những cú sốc do biến đổi khí hậu, không gian chính sách toàn cầu hạn chế, và nguy cơ gia tăng từ gánh nặng nợ nần.

Theo bà Indrawati, mặc dù lạm phát toàn cầu đã bắt đầu giảm song vẫn ở mức tương đối cao so với mức lịch sử trong thập kỷ qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục