Đầu tư vào châu Phi - không đủ chỗ cho tất cả mọi người

15:31' - 12/04/2017
BNEWS Trung Quốc đã để mắt đến sự "cất cánh" của nền kinh tế châu Phi và đang đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng cần thiết để biến điều đó thành hiện thực.
Kỹ thuật viên Trung Quốc và công nhân châu Phi tại công trường xây dựng đường cao tốc ở Nairobi, Kenya. Ảnh: Xinhua

Trang tin Allafrica.com mới đây có bài phân tích với tựa đề “Đầu tư vào châu Phi - không đủ chỗ cho tất cả mọi người” của chuyên gia kinh tế Rosa Whitaker. Theo tác giả, Trung Quốc đang "di chuyển không ngừng trên khắp châu Phi". 

Ông Peter Navarro, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang "khóa các nguồn tài nguyên chiến lược, khóa các thị trường mới nổi và khóa chân Mỹ", nhưng thực tế lại khác. 

Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt để giành ảnh hưởng và thị phần ở châu Phi, nhưng trong quá trình cạnh tranh này, Bắc Kinh vẫn trao quyền cho các nước châu Phi để họ tự xây dựng lộ trình, chọn đối tác và tập trung vào các ưu tiên của họ.

Bắc Kinh đã nhận thấy hàng hóa và người tiêu dùng châu Phi là điều cần thiết để duy trì tính năng động lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc.

Để đảm bảo việc tiếp cận các hàng hóa này, đồng thời mở rộng thị trường châu Phi cho hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc, Bắc Kinh đang triển khai các doanh nghiệp nhà nước nhằm giành được các hợp đồng cơ sở hạ tầng ở châu lục này, đồng thời huy động các ngân hàng của họ tăng cường tài trợ cho các dự án này. 

Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey dự đoán đến năm 2025, tiêu dùng hộ gia đình ở châu Phi và chi tiêu kinh doanh sẽ đạt 5.600 tỷ USD. Con số này tương đương với gần 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.

Tháng 12/2015, tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) được tổ chức tại Nam Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ 60 tỷ USD cho các khoản vay mới, tín dụng xuất khẩu, quỹ đầu tư và trợ cấp cho lục địa Đen.

Các tính toán của Dự án Sáng kiến Nghiên cứu (SAIS) của Trung Quốc về châu Phi cho thấy trong giai đoạn 2000-2014, các nhà tài trợ Trung Quốc đã chuyển 86,3 tỷ USD cho các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước ở châu Phi. Con số này tương đương với tổng số vốn toàn cầu của Ngân hàng Xuất- Nhập khẩu của Mỹ trong năm 2016. 

Cũng không thể nói rằng Trung Quốc mong muốn “khóa chân” Mỹ và những quốc gia khác trong các cơ hội khai thác khoáng sản và thị trường châu Phi, phương pháp mà công ty Ấn Độ đã thực hiện tại chính nước mình vào thế kỷ 18 và 19.

Tuyến đường sắt đầu tiên của Trung Quốc tại Châu Phi, Tazara, được xây dựng trong những năm 1970. Ảnh: CNN

Nếu chủ nghĩa thương mại, sự thống trị kiểu thuộc địa thực sự là động cơ chính của Trung Quốc, thì chắc chắn hầu hết người châu Phi - những người vẫn lưu giữ hình ảnh về một quá khứ thuộc địa cay đắng - sẽ đứng lên chống lại Trung Quốc dữ dội. 

Tất nhiên, quy mô và sự bất cân đối về tài sản làm cho các quốc gia châu Phi gặp bất lợi khi thỏa thuận với các cường quốc lớn như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Ấn Độ. 

Các nền kinh tế châu Phi cần hỗ trợ, nhưng sự trợ giúp đi kèm với các lợi ích và tư tưởng của các nhà tài trợ. Đối với nhiều quốc gia ở châu Phi, Trung Quốc đã trở thành một đối tác phát triển mới, nhưng Bắc Kinh cũng mắc sai lầm ở châu Phi.

Vì vội vàng để có các dự án hoàn thành nhanh chóng và cạnh tranh, các nhà thầu Trung Quốc đã nhập khẩu lao động từ nước mình chứ không thuê và đào tạo lao động tại chỗ. 

Trong đấu thầu dự án, các công ty Trung Quốc thường gặp bất lợi vì đến nay nước này vẫn chưa giải quyết được vấn đề tham nhũng và “vận động hành lang”.

Mối quan tâm chính của nhiều nhà lãnh đạo châu Phi là tăng trưởng công bằng và toàn diện thông qua việc công nghiệp hóa thành công. Họ không quan tâm đến việc liệu mình có đang thế chấp tương lai của người dân cho các kế hoạch lớn không đem lại lợi ích nhiều cho người dân hay không vì thực tế họ không thể hiểu hết và không thực hiện được.

Phần lớn những gì cần phải bỏ ra để thực hiện các công việc của đất nước đã bị bỏ túi riêng, thay vào đó họ nhận được chỉ toàn tiền thưởng và phần thưởng.

Điều đó đồng nghĩa với việc trao chủ quyền cho các ngân hàng nước ngoài, chủ trái phiếu và các tổ chức tín dụng quốc tế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Những gì các chính phủ châu Phi mong muốn là các đối tác nước ngoài đang đầu tư trên châu lục này có thể tiếp tục đầu tư dài hạn và có thể mang lại lợi tức đầu tư tốt nhất cho đất nước họ. 

Theo tác giả Whitaker, điều quan trọng nhất là châu Phi giờ đây đã có vị trí tốt hơn bao giờ hết để thiết lập chương trình nghị sự của riêng mình. Thế giới đang thức tỉnh trước thực tế là với dân số trẻ và quá trình đô thị hóa nhanh, châu Phi đang là động lực lớn tiếp theo về nhu cầu và tăng trưởng toàn cầu.

Để đạt được điều này, châu Phi phải lấp đầy các khoảng trống lớn về phát triển cơ sở hạ tầng và đây cũng là những cơ hội to lớn. Quốc gia nào muốn “điền” vào chỗ trống đó và tuân theo những cam kết là tùy thuộc vào quyết định của họ.

Định kiến rằng Trung Quốc đang "khóa chân” Mỹ ở châu Phi là không có cơ sở, và Mỹ nên hoạt động tích cực hơn thay vì chống lại những nước đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào lục địa đầy tiềm năng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục