ĐBQH đề nghị cân nhắc quy định quảng cáo, tiếp thị rượu bia

15:35' - 23/05/2019
BNEWS Thảo luận tại hội trường ngày 23/5, vấn đề quy định quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

* Cần quan tâm tới tác động từ quảng cáo rượu, bia đối với trẻ em

 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho thấy, một số ý kiến không nhất trí với việc quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên và đề nghị xem xét các quy định về quảng cáo, khuyến mại để đảm bảo thống nhất với các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Thương mại. Cũng có ý kiến cho rằng, quy định cho phép quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn nhưng cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên là bất công, không hợp lý.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định không được quảng cáo rượu, bia trong tất cả các chương trình dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người lớn và trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; không thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia trước và sau các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; nâng khoảng cách không được quảng cáo tính từ các cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em lên 500 m.

Thảo luận tại hội trường, vấn đề quy định quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Dẫn chứng từ các vụ việc nhức nhối như bạo lực gia đình, xâm hại tình dục... do tác hại của rượu, bia gây ra, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhận định, nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát được tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí trở thành tội phạm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

“Thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Tổ chức Y tế thế giới từng nhận định, bia hiện là loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam khi lượng tiêu thụ bia lên tới hàng tỷ lít/năm”, dẫn chứng những con số này, bà Hiền bày tỏ lo ngại trong điều kiện bia được tiếp thị, quảng cáo rộng rãi như hiện nay, sẽ là lựa chọn chính với giới trẻ khi bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.

Nhấn mạnh sự cần thiết bảo vệ nhóm yếu thế - trong đó có trẻ em trước tác hại của rượu, bia, đại biểu bày tỏ băn khoăn trước độ vững chắc của các nhóm giải pháp mang tính ngăn ngừa hiện nay.

“Trước hết, đối với quy định về quảng cáo, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh, thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu, bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng”, đại biểu đề xuất.

Cũng theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, một số quảng cáo đồ uống có cồn hiện nay đang tự do đánh tráo khái niệm, cung cấp thông tin không chính xác khi giới thiệu sản phẩm là nước ép trái cây có ga, nước hoa quả lên men...

Đại biểu cho rằng, điều này có phần trái với việc nghiêm cấm “cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe” được quy định tại Điều 5 của Luật này. Mặt khác, lý do “đồ uống có cồn” đã không được đưa vào dự luật chỉ vì đây là “cụm từ chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội” như báo cáo giải trình, theo đại biểu, là căn cứ khá yếu về mặt pháp lý.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đồng tình với quan điểm cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề quảng cáo, tiếp thị rượu bia, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng một số điều luật được cho là "xương sống" của dự thảo luật lần trước như cấm quảng cáo, cấm bán rượu, bia trên internet… đã bị "đẩy ra ngoài luật" cho thấy những vấn đề đặt ra tại kỳ họp trước không được giải trình thỏa đáng.

“Dự thảo đã chế định bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử, trong đó Điều 16 quy định kiểm soát độ tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm... Nội dung kiểm soát độ tuổi cũng được chế định tại Khoản 5 Điều 2 về quản lý quảng cáo rượu bia...

Trong thực tế, nếu làm được điều này, tôi đề nghị Chính phủ phải làm ngay để kiểm soát, ngăn chặn việc truy cập hàng ngày, hàng giờ các trang web với những thông tin phản động, xuyên tạc, đồi trụy, phản văn hóa, điều mà Luật An ninh mạng quy định rất chặt chẽ, khắt khe nhưng đến nay vẫn chưa thể làm được”, đại biểu Nhân nêu ý kiến về tính khả thi của một số nội dung trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu, với xu thế phát triển của internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa hiện nay, việc bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên 15 độ cồn trên internet là "vẽ đường cho hươu chạy". Đại biểu Phạm Trọng Nhân đánh giá, khi đề cập, cân nhắc các quy định nhằm giảm thiểu rào cản đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, cần đồng thời đánh giá những nguy cơ, tác hại đối với trẻ em – một đối tượng yếu thế trong xã hội.

* Tăng cường kiểm soát rượu thủ công, rượu không có nguồn gốc

Góp ý vào vấn đề kiểm soát rượu, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị nghiên cứu chính sách phát triển các làng nghề sản xuất rượu thủ công truyền thống và đưa vào dự thảo Luật để chuyên môn hóa, tăng cường chất lượng, uy tín của rượu thủ công cũng như thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước. Tranh luận với đại biểu Nguyễn Văn Tuyết về đề xuất này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng không nên khuyến khích xây dựng các làng nghề rượu thủ công.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Tuyết phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ: "Tại hội nghị toàn cầu về phòng chống tác hại rượu, bia, các tổ chức quốc tế đưa chúng tôi đi thăm một làng không rượu, bia tại Thái Lan. Người dân trong làng sản xuất rất nhiều mặt hàng, riêng rượu, bia không có. Cuộc sống trong làng rất trật tự, thanh bình và du khách tìm đến rất đông… Tôi mong muốn ở đất nước chúng ta có những ngôi làng như vậy. Dù không dễ nhưng nếu người dân tâm huyết và cùng chính quyền địa phương nỗ lực thì có thể xây dựng làng không rượu".

Nêu rõ rượu thủ công và rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ mặc dù đang chiếm khoảng 70% thị trường rượu nhưng chưa được quản lý và là nguyên nhân gây ngộ độc thời gian qua, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định điều khoản cụ thể, chặt chẽ về biện pháp quản lý các loại rượu này.

Để tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe, các ý kiến đề nghị cần có các biện pháp quản lý đơn giản, khả thi để có thể bao quát cả với cá nhân, hộ gia đình nấu rượu với mục đích thương mại.

Đại biểu Phạm Văn Tân (Thái Bình) nhấn mạnh: “Sản phẩm này là nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, chiếm trên dưới 70% lượng rượu tiêu thụ trên thị trường. Mặt khác, hàng năm ngân sách nhà nước cũng thất thu, nguồn thu từ rượu không kiểm soát được. Nếu quản lý tốt rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngân sách có thể có nguồn thu bổ sung kinh phí góp phần thực hiện tốt các nội dung để thực hiện các quy định của luật này”.

Về quan điểm chung đối với dự thảo Luật, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), dự thảo Luật còn có nhiều ý kiến khác nhau, xuất phát từ những cách tiếp cận khác nhau trong việc xử lý xung đột giữa lợi ích vì sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội với lợi ích của nhà sản xuất, kinh doanh rượu bia.

Đại biểu cho rằng, yêu cầu giải quyết bài toán chung hài hòa giữa hai cách tiếp cận này là một thách thức không nhỏ. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội: dù muốn dung hòa giữa hai lợi ích này, trên tất thảy vẫn đề cao quan điểm xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vì sức khỏe cộng đồng.

Phản ánh tình trạng kinh doanh rượu, bia hiện nay đang đưa Việt Nam đứng trong tốp hàng đầu thế giới và khu vực về mức tiêu thụ rượu, bia, gây ra hệ lụy rất lớn, đại biểu nhấn mạnh, mục đích xây dựng Luật lần này là tác động để thay đổi tình trạng trên theo hướng tích cực. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị giữ tên gọi Luật như dự thảo đã trình, là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại cách giải thích về khái niệm tác hại của rượu, bia, làm rõ khái niệm này.

Về chính sách của Nhà nước trong phòng chống tác hại của rượu, bia, liên quan đến vấn đề rượu thủ công truyền thống, theo đại biểu, cần có những quy định quản lý chất lượng đầu ra của rượu thủ công truyền thống; đồng thời, không nên tạo sự phân biệt giữa rượu thủ công truyền thống với rượu công nghiệp.

Từ góc độ tiếp cận này, đại biểu đồng tình với các ý kiến của một số đại biểu đã phân tích trước đó về việc cần nghiên cứu, bổ sung một số quy định tăng cường quản lý kinh doanh rượu thủ công, có chính sách hỗ trợ việc sản xuất kinh doanh rượu thủ công theo hướng đảm bảo chất lượng, vì sức khỏe cộng đồng.

Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung còn  ý kiến khác nhau về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia…/.

>>> Tăng nặng hình phạt với lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục