Để doanh nghiệp startup phát triển phải “nuôi dưỡng” và hỗ trợ đúng cách

14:30' - 03/09/2017
BNEWS Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hay còn gọi là các startup, trong 3 năm đầu, chỉ là để tồn tại. Ở Việt Nam, chưa có hành lang pháp lý tạo điều kiện phát triển dành riêng cho các doanh nghiệp này.
Các thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ tham quan, trao đổi về các mô hình kinh doanh khởi nghiệp. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

"Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hay còn gọi là các startup, trong 3 năm đầu, chỉ là để tồn tại. Ở Việt Nam, chưa có hành lang pháp lý tạo điều kiện phát triển dành riêng cho các doanh nghiệp này.

Những vướng mắc về đăng ký kinh doanh, cấp phép hoạt động và tiếp cận nguồn tài chính…luôn đẩy các doanh nghiệp startup vào ngõ cụt." - ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch, Nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo thuộc Diễn đàn kinh tế tư nhân đã kết luận như vậy khi được hỏi về triển vọng phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.

Nếu như năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp, tạo tiền đề vươn tới mục tiêu năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, thì bước sang năm 2017, phong trào này chưa tạo thành làn sóng và chưa mang lại hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực tới tâm lý cũng như ý chí khởi nghiệp ở tầng lớp thanh niên trẻ, cũng như toàn xã hội.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế và là thành viên Ban lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ thực tế, tỷ lệ thành công ở các doanh nghiệp khởi nghiệp rất thấp, có thể thấy rằng, những vướng mắc về thủ tục hành chính, các quy định về thuế, quy định trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là khó khăn trong tiếp cận vốn… là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp mới bắt tay vào khởi nghiệp.

Ông Thành phân tích, khởi nghiệp không hề đơn giản. Nhiều người nghĩ rằng, khởi nghiệp có thể bắt đầu ngay bằng việc sở hữu một ý tưởng, nhưng thực tế chỉ như vậy thì chưa đủ.

Để khởi nghiệp, cá nhân ấy cần phải hội tụ đủ một loạt yếu tố, bao gồm: công nghệ, đội ngũ, kế hoạch, nguồn vốn, cũng như những kiến thức về quản trị doanh nghiệp và quy định pháp luật về doanh nghiệp.

Bởi lẽ, nếu ý tưởng được phát triển một cách bài bản, ngẫu hứng mà không có kế hoạch cụ thể, theo lộ trình thì chắc chắn, dự án ấy sẽ thất bại hoặc không đạt được sự thành công như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, khởi nghiệp không phải lúc nào cũng đi theo đúng lộ trình như kỳ vọng, nên đòi hỏi người làm khởi nghiệp phải luôn chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nguồn lực để đối phó với các tình huống có thể xảy ra; tránh tình trạng “chết yểu” trước ngưỡng cửa thành công.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hàng năm, có hơn 1.000 doanh nghiệp startup ra đời tại Việt Nam.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp “tồn tại” sau khởi nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%.

"Vấn đề mấu chốt là do hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam chưa sự thay đổi đáng kể về chính sách để tạo được động lực thúc đẩy khu vực này phát triển", ông Thành nêu rõ.

Cùng chung quan điểm, ông Trịnh Minh Giang cho biết, đa phần các dự án khởi nghiệp thường có số vốn nhỏ nên xu hướng chung là các doanh nghiệp hay liên kết lại với nhau để khởi nghiệp, để tranh thủ khả năng huy động vốn đến từ nhiều nguồn.

Trong khi đó, các quỹ hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ thường chỉ chấp nhận mức độ rủi ro thấp, thậm chí là bằng 0%.

Hay như vốn huy động qua sàn chứng khoán cũng gặp không ít khó khăn...

Các kênh huy động vốn khác thì lại chưa thịnh hành ở Việt Nam, nên các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện đang trong tình trạng “chơi vơi” giữa dòng.

Để giúp các doanh nghiệp startup tồn tại và phát triển, ông Giang cho rằng, phải có cách “nuôi dưỡng” và hỗ trợ đúng cách và đủ liều lượng. Nguồn vốn tín dụng, chính là yếu tố quyết định sự sống còn của các startup.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm hay các mô hình tương tự cần phải sớm được triển khai để kịp thời "dìu đỡ" các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo ông Thành, có thể cân nhắc tới việc xây dựng một thị trường vốn chuyên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc xây dựng một thị trường chứng khoán tập trung cung cấp vốn cho các startup, tách bạch với thị trường niêm yết. Điều đó, sẽ đặc biệt có lợi đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Thị trường này sẽ cung cấp cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; giúp họ có thể tiếp cận các nguồn vốn với những tiêu chuẩn đặt ra ở mức thấp hơn.

Chẳng hạn như tiêu chuẩn công khai về đặc tính của sản phẩm; báo cáo đánh giá tác động của sản phẩm đến thị trường hay báo cáo triển vọng của sản phẩm…

Với ý tưởng một nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp (CEO) và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), ông Thành cho rằng, nên khuyến khích các nhà đầu tư thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam.

Đây có thể là biện pháp hỗ trợ tài chính để Nhà nước khuyến khích sự tham gia của kinh tế tư nhân vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo gợi ý của ông Thành, quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp cần được xây dựng theo mô hình hợp tác công – tư, nhằm mục đích kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ từ các thành phần xã hội, cho các dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tiềm năng.

Những quỹ này sẽ được đăng ký hoạt động theo mô hình Công ty đầu tư tài chính và ủy thác đầu tư.

Phần lợi nhuận tạo ra từ nguồn đầu tư của Nhà nước và các nhà tài trợ sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng.

Tại hội nghị giữa lãnh đạo Chính phủ với cộng đồng kinh tế tư nhân được tổ chức mới đây, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét và đồng ý cho địa phương triển khai thí điểm quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bà Phi nhấn mạnh, thực tế, khá nhiều nhà đầu tư quan tâm và sẵn sàng hợp tác để thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục hành chính và các quy định dành riêng cho khu vực kinh tế này vẫn còn thiếu và nhiều vướng mắc.

“Dẫn tới việc, pháp nhân muốn huy động vốn thì phải là quỹ; để làm quỹ lại không có luật, nên vẫn mãi loay hoay cho đến giờ”, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Bà Phi bày tỏ mong muốn, tiến trình xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ được đẩy nhanh hơn với những cam kết của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo chính quyền địa phương. Điều đó sẽ hứa hẹn những tín hiệu khởi sắc của hệ sinh thái khởi nghiệp trong thời gian tới./.

Xem thêm:

>>>Hà Nội xúc tiến đầu tư cho các dự án khởi nghiệp

>>>Khởi nghiệp bán lẻ 1 tỷ đồng cùng Saigon Co.op

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục