Để một đồng Nhà nước đầu tư phải sinh lợi gấp hai

17:44' - 21/11/2018
BNEWS Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp.

Phát biểu tại hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, diễn ra ngày 21/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quan điểm về doanh nghiệp Nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, các địa bàn quan trọng, liên quan tới quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực thiết yếu mà tư nhân không làm, không muốn làm và thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước đang làm ăn hiệu quả.

* Doanh nghiệp sau cổ phần hoá tăng trưởng ổn định

Đánh giá về kết quả cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, có nhiều kết quả tích cực khi giá trị thực hiện giai đoạn 2016 - 2018 gấp 2,5 lần thực hiện từ 2011- 2015. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục tăng lên. Tổng tài sản tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4%, nộp ngân sách Nhà nước là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016... Trong 8 tháng của năm 2018, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhà nước đều đạt trên 70% kế hoạch cả năm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến nay đã cổ phần hóa được 27/127 doanh nghiệp trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/QĐ-TTg (chiếm 21%). Những đơn vị thực hiện tích cực, đã hoàn thành kế hoạch đặt ra là tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Kạn và Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sau cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách Nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân người lao động của doanh nghiệp Nhà nước đều tăng. Các doanh nghiệp sau cổ phần hoá vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển; quản trị doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả nhất định.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, những đổi mới mạnh mẽ về chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật kinh doanh đã tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động, đồng thời tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đánh giá, doanh nghiệp Nhà nước đã, đang là lực lượng kinh tế chưa thể thay thế trong thời gian tới. Thời gian qua, Chính phủ đã cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo các tầng nấc.

Một là áp đặt doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo kinh tế thị trường; hai là đổi mới quản trị và ba là thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn. Theo ông Nguyễn Đình Cung, hiện nay chúng ta mới tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn vì hy vọng sau đó doanh nghiệp sẽ thay đổi quản trị và hoạt động theo thị trường.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn như việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh còn thiếu tính dự báo; thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung. Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp Nhà nước chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp, khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tương tự như vậy, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch...

* Gắn hiệu quả với trách nhiệm của người đứng đầu

Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp.

Theo đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt trong thực hiện.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Bộ Tài chính đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định. Theo đó, nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm; gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu.

Thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Cùng đó, thực hiện việc cổ phần hoá, thoái vốn theo đúng kế hoạch, đặc biệt là thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, nên tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng, cơ cấu lại danh mục đầu tư Nhà nước từ kém hiệu quả sang hiệu quả và hiệu quả hơn, để một đồng Nhà nước đầu tư phải sinh lợi gấp hai lần.

Về quản trị công ty, theo ông Nguyễn Đình Cung phải tập trung tháo bỏ ràng buộc với doanh nghiệp Nhà nước để tự chủ kinh doanh, chủ doanh nghiệp sẽ xác định ngành nghề kinh doanh, còn kinh doanh như thế nào để hội đồng thành viên quyết định.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), các bộ, ngành cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, không để doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh.

Chủ tịch SCIC đề xuất, Chính phủ, các bộ, địa phương kiên định lập trường chính sách của Đảng, Quốc hội về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hoá, thoái vốn, kể cả thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện hiệu quả để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, tạo “dư địa” phát triển khối kinh tế tư nhân.

Về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Chi cho hay, sau khi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời thì 19 doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện bàn giao đại diện chủ sở hữu từ các bộ về Uỷ ban rất nhanh.

Nhưng, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, địa phương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC thì có tới 35 bộ, địa phương chưa chuyển và 78 doanh nghiệp chưa thoái được vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg cũng chưa được chuyển về SCIC.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đề xuất, cần tiếp cận vấn đề hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước theo mục tiêu cuối cùng là hiệu quả chung sau một thời gian hoặc kỳ tài chính nhất định, thông lệ là 1 năm./.

Xem thêm:

>>Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức chậm trễ trong cổ phần hóa

>>Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Chậm thay đổi cả về lượng và chất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục