Để Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp "không bị thất nghiệp"

16:13' - 28/10/2021
BNEWS Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, đảm bảo quyền lợi được hưởng; phát huy tính ưu việt khi tham gia BHXH, BHYT.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, đảm bảo quyền lợi được hưởng; phát huy tính ưu việt khi tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 hiện nay, khi thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020.

Để Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp "không bị thất nghiệp"

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (tỉnh Hải Dương), bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là trụ cột an sinh xã hội của đất nước, là lưới an sinh cơ bản trong đảm bảo quyền công dân.

Theo báo cáo, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng gần 16,2 triệu người, chiếm khoảng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2020. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành Bảo hiểm xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm (năm 2020 chỉ đạt 93,8% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 31% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong khi đó, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững của bảo hiểm xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu thực tế của người lao động khi đời sống thu nhập khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, như là "một của để dành" được Nhà nước bảo hộ, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho họ khi hết tuổi lao động, giảm áp lực lên xã hội và gia đình.

Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội và thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân; sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; điều chỉnh cách tính lương hưu, bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ bảo hiểm xã hội…

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bao gồm lao động việc làm theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm.
Cho rằng việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng và chưa vững chắc, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị phải có biện pháp mạnh hơn, nghiêm khắc hơn trong việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền để người sử dụng lao động phải chấp hành quy định của pháp luật, để người lao động phải thấy được quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh đề xuất nghiên cứu gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng phù hợp, nhất là đối với công nhân lao động.

"Trong thực tế, công nhân lao động thường làm việc trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng 5-10 năm, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như về quê, chuyển đổi ngành nghề hoặc gặp khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, dẫn đến tình trạng bán sổ bảo hiểm xã hội như những năm qua và việc này cũng hạn chế việc gia tăng tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần", đại biểu Nguyễn Duy Minh giải thích.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, cần có hướng dẫn để giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam về quê trong thời gian qua; khi người lao động quay lại làm việc, phải xác định thời gian tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội và có thông tin tuyên truyền cụ thể; hạn chế tối đa các thủ tục để người tham gia bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng quyền lợi, tránh nguy cơ bị lôi kéo, kích động.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, đại dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. Đáng chú ý, số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp liên tiếp tăng và ở mức cao, hiện đã lên tới gần 90.000 tỷ đồng. Mặc dù chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 tăng 49,3% so với 2019 song vẫn kết dư 3.600 tỷ đồng.

Đây là con số hết sức đáng băn khoăn bởi trong bối cảnh người lao động lẫn doanh nghiệp đang gặp khó khăn, ngân sách phải gồng gánh chi cho công tác phòng, chống dịch thì nhiều quỹ tài chính độc lập, trong đó có Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lại có số kết dư lớn. Trong khi đó, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn để giải quyết kịp thời một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ họ học nghề, duy trì việc làm và tìm việc làm mới.
Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, khi Luật Việc làm chưa thể sửa được ngay, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh xã hội dùng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động theo hướng: Giảm mức đóng từ 1% xuống 0,5% theo quy định của Luật Việc làm; dành một phần nguồn lực hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động đã tham gia đóng quỹ. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ tính riêng bảo hiểm thất nghiệp nếu giảm mức đóng xuống còn 0,5%, mỗi năm doanh nghiệp và người lao động có khoảng 10.000 tỷ đồng để dành cho sản xuất, kinh doanh cũng như chăm lo đời sống của người lao động.
Song song đó, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét tạm dừng hoặc miễn đóng đoàn phí công đoàn, trước mắt, từ nay đến cuối năm 2021 đối với các doanh nghiệp có 15% tổng số lao động trở lên tạm thời nghỉ việc thay vì 50% như quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

"Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm để Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không bị thất nghiệp", đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị.

Đảm bảo quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế

Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy (tỉnh Ninh Thuận), hiện nay, Quỹ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội giữ và thực hiện việc giao dự toán kinh phí khám, chữa bệnh hằng năm cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Điều này sẽ dẫn đến thực tế là các cơ sở khám, chữa bệnh vừa phải khám, chữa bệnh vừa phải tính xem có bị vượt dự toán hay không nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến chất lượng khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các khoản chi phí khám, chữa bệnh trong thực tế nhiều hơn mức được giao dự toán hằng năm.

Phần vượt này muốn thanh toán bổ sung, phải được Bảo hiểm xã hội thẩm định, thời gian thanh toán bổ sung kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh vì thiếu nguồn tài chính chi trả cho các loại thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám, chữa bệnh và điều trị bệnh cho người dân.
Để khắc phục tình trạng này, các cơ sở khám, chữa bệnh và ngành Y tế các địa phương đã kiến nghị cần phải thành lập một Hội đồng thẩm định độc lập, gồm Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh.

Hội đồng này sẽ hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định các thanh toán khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo việc thanh toán chi đúng theo thực tế khám, chữa bệnh và đảm bảo tránh được tình trạng lợi dụng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế.
"Đây là một giải pháp rất hay, vừa thiết thực, vừa hiệu quả. Song, kiến nghị này đã được nghiên cứu và xem xét rất lâu nhưng đến nay chưa được thực hiện để giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện", đại biểu Chamaléa Thị Thủy băn khoăn.

Tương tự, từ thực tiễn địa phương và những hạn chế trong thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được đề cập trong các báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị Quốc hội tiếp tục ban hành nghị quyết về phát triển bảo hiểm y tế cho giai đoạn mới theo hướng đẩy mạnh cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phát huy tính ưu việt của công cụ quan trọng này đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính minh bạch trong đảm bảo chính sách an sinh xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh), báo cáo của Chính phủ về chi bảo hiểm y tế ở trạm y tế là 2% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cho thấy việc chưa khai thác hết hiệu quả của trạm y tế xã. Đặc biệt, theo Nghị quyết 68, một trong ba chỉ tiêu Chính phủ không đạt được là nâng cấp cơ sở vật chất của trạm y tế xã.

Trong dịch COVID-19 vừa qua, vai trò y tế cơ sở rất quan trọng, đặc biệt trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tập trung chỉ đạo để phát triển cơ sở vật chất của trạm y tế xã.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thông qua đề án luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện về hỗ trợ cho trạm y tế xã và luân chuyển cán bộ ở trạm y tế xã lên các tuyến trên để học tập, nâng cao trình độ, sau đó quay trở lại phục vụ sức khỏe đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị mở rộng danh mục thuốc ở trạm y tế xã để đảm bảo được công tác chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao hiệu quả của trạm y tế xã.

Trong bối cảnh người lao động chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Chính phủ có quy định về đóng bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ về mặt chính sách để tạo tính liên tục cho việc mua bảo hiểm y tế đối với lực lượng công nhân lao động có sự gián đoạn trong việc mua bảo hiểm y tế do doanh nghiệp, công ty đóng cửa hoặc giải thể… đảm bảo quyền lợi của công nhân và người lao động.

"Nếu như công nhân chẳng may bị bệnh trong giai đoạn gián đoạn bảo hiểm y tế sẽ rất khó khăn trong việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong khi nguồn thu cũng giảm vì dịch COVID-19. Theo quy định của bảo hiểm y tế, nếu gián đoạn 3 tháng không mua bảo hiểm, sau đó mua lại thì sẽ tính lại giá trị ngay từ đầu, việc này ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế của công nhân, người lao động", đại biểu Nguyễn Tri Thức nêu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục