Đề xuất 350.000 tỷ đồng đầu tư chấn hưng, phát triển văn hóa chưa hợp lý

13:54' - 20/10/2023
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở, phương pháp xác định số tiền 350.000 tỷ đồng đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa.
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam diễn ra hằng năm vào ngày 16-18/8 âm lịch. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương - TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bổ sung hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035; trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định số tiền 350.000 tỷ đồng đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chưa thể hiện khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý để đảm bảo tập trung, có hiệu quả theo Luật Đầu tư công. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần bổ sung khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên.

Trước đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, tổng mức đầu tư cho chương trình được đưa ra là 350.000 tỷ đồng.

Trong công văn gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở, phương pháp xác định số tiền 350.000 tỷ đồng đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa.

Dự thảo mới nêu một số căn cứ xác định nhu cầu vốn ngân sách trung ương mà chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư của chương trình là 350.000 tỷ đồng trong 11 năm (2025-2035). Tổng vốn đầu tư của chương trình cũng chưa được tính toán dựa trên mục tiêu, quy mô chương trình.

Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn lực thực hiện chương trình như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất chưa thể hiện rõ cơ cấu từng nguồn vốn, chưa thống nhất giữa các tài liệu. Cơ quan soạn thảo cần rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư chương trình theo hướng chia từng nguồn và phân kỳ đầu tư theo giai đoạn.

Cơ quan soạn thảo ước tính đến năm 2030 sẽ cần 182.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương 110.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 82.500 tỷ, vốn sự nghiệp 27.500 tỷ đồng), vốn địa phương 36.000 tỷ đồng, nguồn khác 36.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại dành cho giai đoạn sau.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến thời điểm này chưa có cơ sở đề xuất nguồn lực cụ thể cả hai giai đoạn của chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Luật Đầu tư công, trước ngày 30/6 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước (tương đương ngày 30/6/2024), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Thủ tướng phê duyệt định hướng, tiêu chí phân bổ mức vốn đầu tư công trung hạn dự kiến cho các bộ ngành, địa phương. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu phương án cụ thể nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho chương trình để đảm bảo khả thi.

Nguồn vốn địa phương cũng mới chỉ dự kiến việc huy động, chưa nêu tỷ lệ vốn đối ứng và chưa thể hiện rõ nhu cầu của các địa phương. Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần làm rõ cơ sở huy động vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đồng thời, đề xuất cho các cơ quan chỉ đạo địa phương được trích 1,5% nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp chương trình và áp dụng mức khoán chung 3% vốn đầu tư xây dựng cơ bản, làm kinh phí hoạt động, cũng phải làm rõ cơ sở.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình dù đã lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan nhưng giải trình và thuyết minh còn sơ sài. Tên chương trình chưa bám sát các văn bản của Đảng, Quốc hội.

Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng Chương trình dành phần lớn kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng..., tuy nhiên đây là việc cần đánh giá một cách thận trọng. Đơn vị này cũng cho rằng, đầu tư hạ tầng là việc làm cần thiết nhưng thiếu cân đối vì việc tập trung quá nhiều kinh phí để xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa chưa đi đôi với việc làm thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa tương ứng.

Thực tế cho thấy, các công trình văn hóa "hiện đại" như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thư viện ở vùng nông thôn được đầu tư rất lớn từ các chương trình phát triển như chương trình nông thôn mới nhưng chưa được sử dụng đúng công năng và chưa thu hút được các hoạt động văn hóa của người dân địa phương. Các bảo tàng, nhà hát cũng không hoạt động thường xuyên do chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục