Đề xuất 4 giải pháp đẩy lùi buôn lậu, ổn định thị trường

18:02' - 02/08/2018
BNEWS Trước tình trạng hàng giả tràn lan, Cục Quản lý thị trường đã tham mưu lãnh đạo Bộ và trực tiếp Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thành lập tổ công tác 334 xử lý để hành động.
Đề xuất 4 giải pháp đẩy lùi buôn lậu, ổn định thị trường. Ảnh: TTXVN
Dự báo tình hình kinh tế-xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của lực lượng quản lý thị trường tổ chức chiều 2/8 tại Hà Nội, các đại biểu đã thống nhất kiến nghị 4 giải pháp nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường đã tham mưu triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương một cách nghiêm túc, kịp thời. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nổi cộm về buôn lậu, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm.

Đáng lưu ý, việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được lực lượng Quản lý thị trường triển khai sâu rộng, đồng bộ trong toàn lực lượng.

Đặc biệt, các Chi cục Quản lý thị trường đã luôn tạo điều kiện và cử công chức tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; động viên công chức tích cực tự học tập, nghiên cứu, cập nhật chính sách, văn bản pháp luật để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, việc phối hợp đồng bộ đã tạo được sự gắn kết giữa các lực lượng chức năng và lực lượng quản lý thị trường góp phần nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, do kinh phí hoạt động thiếu thốn, nhất là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn khiến nhiều Chi cục, Đội Quản lý thị trường không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý vi phạm.

Không những thế, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại các địa phương có địa bàn kênh rạch nhiều, hoạt động buôn bán chủ yếu diễn ra trên sông nước nhưng lực lượng quản lý thị trường không có xuồng máy, ca nô để kiểm tra, kiểm soát nên không đảm bảo cơ động kịp thời, đặc biệt ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hơn nữa, do biên chế mỏng, nhiều Đội quản lý thị trường không đảm bảo lực lượng ứng trực khi phát sinh những vấn đề phức tạp về hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn.

Một nguyên nhân nữa cũng được ông Trịnh Văn Ngọc chia sẻ tại Hội nghị là năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức quản lý thị trường chưa đồng đều nên đã ảnh hưởng đến việc tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Vì vậy, vẫn còn nhiều công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xử lý. Đặc biệt là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, chậm sửa đổi, bổ sung.

Theo ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, trước tình trạng hàng giả tràn lan, Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ và trực tiếp Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thành lập tổ công tác 334 xử lý để hành động luôn.

Ông Trần Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra một số vụ lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện đầy đủ dấu hiệu hình sự, phải xử lý đúng người đúng tội như vụ Thuận Phong hay như vụ thuốc giả VN PHARMA. Tới đây, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo triển khai xuyên suốt ngành dọc từ Trung ương xuống đến địa phương, tránh tình trạng trên "nóng" dưới "lạnh".

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng quản lý thị trường kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm bổ sung biên chế, kinh phí, trang thiết bị, trụ sở làm việc nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý vi phạm hành chính.

Không những thế, Bộ Tư pháp cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành tổng kết Luật Xử lý vi phạm hành chính và đề xuất sửa đổi, bổ sung khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đặc biệt, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tại các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục