Đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn để cho vay chương trình nhà ở xã hội

09:15' - 07/10/2021
BNEWS NHCSXH đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để cho vay chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội đã giúp nhiều đối tượng chính sách xã hội tạo lập được chỗ ở, “an cư, lạc nghiệp”, giúp nhiều người dân thu nhập thấp cùng gia đình có thể "chạm tay" tới ngôi nhà mơ ước.

Tuy vậy, nếu không được ngân sách nhà nước bố trí vốn từ năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) sẽ phải ngừng giải ngân chương trình và các đối tượng chính sách sẽ không tiếp tục được thụ hưởng chính sách vay vốn. Đặc biệt những khách hàng đang trong quá trình vay vốn của năm 2021 sẽ không được vay vốn tiếp theo tiến độ để hoàn thiện công trình trong năm 2022.

Đây là những chia sẻ của ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN.

Phóng viên: Thưa ông, chương trình cho vay nhà ở xã hội thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Xin ông cho biết tình hình triển khai chương trình tại NHCSXH tính đến thời điểm hiện nay?

Ông Dương Quyết Thắng: Cần phải khẳng định chương trình cho vay nhà ở xã hội là một chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Qua thực tế triển khai, chương trình đã giúp nhiều đối tượng chính sách xã hội tạo lập được chỗ ở, “an cư, lạc nghiệp”, giúp nhiều người dân thu nhập thấp cùng gia đình có thể chạm tay tới ngôi nhà mơ ước.

Tính từ khi triển khai chương trình năm 2018 đến ngày 30/9/2021, tổng doanh số cho vay nhà ở xã hội đạt khoảng 6.673 tỷ đồng, giúp gần 18.000 lượt khách hàng được vay vốn để có nhà ở. Nguồn vốn và dư nợ chương trình đến 30/9/2021 ước đạt 5.826 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp 50% đạt 2.913 tỷ đồng, nguồn vốn NHCSXH huy động 50% đạt 2.913 tỷ đồng, với 17.167 khách hàng còn dư nợ, bình quân một khách hàng được vay khoảng 345 triệu đồng.

Ước tính đến 31/12/2021, nguồn vốn và dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 6.326 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2020. Doanh số cho vay năm 2021 ước đạt 2.052 tỷ đồng, giúp khoảng 5.950 khách hàng được vay vốn. Doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình năm 2018 đến ngày 31/12/2021 ước đạt 7.316 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước bố trí nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 2.163 tỷ đồng, nguồn vốn NHCSXH huy động đạt 2.163 tỷ đồng. Đến 31/12/2020 dư nợ cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP nguồn vốn trung ương đạt là 4.311 tỷ đồng, với 13.023 hộ còn dư nợ. Doanh số cho vay đạt 4.861,9 tỷ đồng, giúp 13.465 lượt hộ gia đình được vay vốn để có nhà ở, ổn định an cư, lạc nghiệp, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Phóng viên: Với vai trò tương đối quan trọng như vậy, nhu cầu vay vốn đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội trong giai đoạn tới ra sao, thưa ông?

Ông Dương Quyết Thắng: Không chỉ góp phần an sinh, cho vay nhà ở xã hội thực sự đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, vùng nói riêng và quốc gia nói chung khi giúp giải bài toán ổn định về nhân lực qua việc đảm bảo chỗ ở cho công nhân. Từ đó, doanh nghiệp ở trong và ngoài khu công nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí đào tạo, nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh các chính sách của Nhà nước nhằm thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, không thể phủ nhận chương trình cho vay nhà ở xã hội đã góp phần kích cầu tiêu dùng cho phân khúc nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp nói riêng và thị trường bất động sản nói chung vốn đã ảm đạm từ lâu của Việt Nam.

Mặt khác, với hình thức giải ngân là chuyển khoản cho chủ đầu tư và khuyến khích người vay chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi được mở tại NHCSXH nơi cho vay, chương trình đã góp phần đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và góp phần thu hẹp nền kinh tế "ngầm" với những giao dịch tiền mặt không được báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, cùng với đó là góp phần mở rộng tài chính toàn diện đến khu vực người thu nhập thấp – những người thường sử dụng tiền mặt là chủ yếu, chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng.

Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vay vốn đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP theo số liệu tổng hợp báo cáo của các địa phương là 15.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, NHCSXH chỉ được bố trí vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP giai đoạn 2021-2025 là 1.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân trong năm 2021 tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Như vậy, từ năm 2022, ngân sách nhà nước không bố trí nguồn vốn để thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP.

Phóng viên: Xin ông chia sẻ rõ hơn về vướng mắc trên và đề xuất của ông nhằm cải thiện tình trạng này, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế giai đoạn tới?

Ông Dương Quyết Thắng: Năm 2021, NHCSXH được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công với tổng số là 2.789,6 tỷ đồng; trong đó, cấp vốn điều lệ là 789,6 tỷ đồng, cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi và phí quản lý là 1.000 tỷ đồng, cấp vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 1.000 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2021, NHCSXH được NSNN cấp tổng số 2.252/2.789,6 tỷ đồng, đạt 80,7% kế hoạch. Trong đó: cấp vốn điều lệ là 752/789,6 tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch; cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi và phí quản lý là 750/1.000 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch; cấp vốn cho vay nhà ở xã hội là 750/1.000 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch. Số chưa được cấp theo kế hoạch là 537,6 tỷ đồng. Dự kiến đến 31/12/2021 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch.

Tuy nhiên, căn cứ Quyết định số 2185/QĐ-TTg, NHCSXH mới được giao cấp vốn điều lệ còn thiếu của năm 2020, vốn điều lệ của năm 2021 NHCSXH chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Theo quy định, NHCSXH được bổ sung vốn điều lệ hàng năm tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2021, NHCSXH được giao kế hoạch tăng dư nợ tín dụng là 8% so với dư nợ thực hiện đến cuối năm 2020. Như vậy, vốn điều lệ năm 2021 chưa được giao trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 là 1.522 tỷ đồng.

Về vốn hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP bố trí còn thấp, hạn chế so với nhu cầu của địa phương.

Trường hợp chương trình không được ngân sách nhà nước bố trí vốn từ năm 2022, NHCSXH sẽ phải ngừng giải ngân chương trình và các đối tượng chính sách sẽ không tiếp tục được thụ hưởng chính sách vay vốn (đặc biệt những khách hàng đang trong quá trình vay vốn của năm 2021 sẽ không được vay vốn tiếp theo tiến độ để hoàn thiện công trình trong năm 2022).

Điều này có nghĩa là chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ sẽ không đạt được mục tiêu, định hướng theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 “Tập trung giải quyết cơ bản mục tiêu nhà ở cho người dân, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội".

Do đó, để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 để cấp vốn điều lệ còn thiếu năm 2021 cho NHCSXH là 1.522 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để cho vay chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

>>>Khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội thương mại giá rẻ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục