Đề xuất cơ chế tạo “luồng xanh” thu hút đầu tư

19:10' - 11/09/2024
BNEWS Các đại biểu đã tập trung thảo luận những bất cập xoay quanh chính sách về quy hoạch, thu hút đầu tư và đề xuất cơ chế tạo “luồng xanh” nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên.

Chiều 11/9, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Theo đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận những bất cập xoay quanh chính sách về quy hoạch, thu hút đầu tư và đề xuất cơ chế tạo “luồng xanh” nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư trong thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập, gây vướng mắc, khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương rà soát và trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phướng thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn trong hoạt động quy hoạch, đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Luật Quy hoạch theo hướng xác định quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; trong đó, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cũng là một loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Dự án luật mới cũng quy định quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, thứ bậc của hệ thống quy hoạch.

Sửa đổi Luật Quy hoạch theo hướng quy định việc sử dụng cả nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch liên quan tới quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm sự linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn kinh phí, phù hợp với đặc thù của từng trình tự, thủ tục, từ đó đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các quy hoạch.

Liên quan đến Luật Đầu tư, Cục Quản lý Đầu tư đề xuất đẩy mạnh phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh. Theo đó, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định mới tại Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, đồng bộ, hiệu quả để thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công, trừ các dự án thuộc trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Dự thảo luật mới cũng bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP và đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP.

Đối với Luật Đấu thầu, mặc dù mới có hiệu lực được 8 tháng nhưng cũng đã phát sinh nhiều bất cập trong thực thi. Do đó, Dự án luật mới được điều chỉnh theo hướng cho phép chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.

Bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gói thầu có yêu cầu đặc thù về lựa chọn nhà thầu mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác được quy định tại luật này.

Góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và  Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh nêu vấn đề: "Luật Quy hoạch hiện nay có những thuật ngữ như “thời kỳ quy hoạch”  và “tầm nhìn quy hoạch” cần được làm rõ về mặt khái niệm để có sự thống nhất khi thực hiện.

Thứ hai là về quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, cần có liệt kê rõ quy hoạch nào được xếp vào nhóm này để các địa phương thực hiện, tránh sự chồng chéo giữa các quy hoạch với nhau".

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, điều kiện để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư là phải tuân thủ các quy hoạch quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư. Các quy hoạch này bao gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị. Tuy nhiên việc áp dụng quy định này với một số dự án trong lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ không phù hợp.

Cụ thể, yêu cầu tất cả các dự án thương mại dịch vụ không có hoạt động xây dựng, không có hoạt động đầu tư xây dựng phải tuân thủ các quy hoạch về đô thị sẽ hạn chế  phát triển lĩnh vực dịch vụ thương mại cũng như và việc tiếp cận dịch vụ thương mại của người dân.

Để tháo gỡ vấn đề này, Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị luật mới không bắt buộc các dự án thương mại, dịch vụ mà không có hoạt động đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy hoạch đô thị. Ngoài ra, các quy định về điều chỉnh thời hạn với dự án đầu tư, thẩm định sơ bộ, thời điểm xác định giá đất là tài sản công,…trong Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư cũng cần được làm rõ để thống nhất cách hiểu, cách triển khai.

Trong khi đó, đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương nêu vấn đề: Việc bổ sung thủ tục thu hút đầu tư đặc biệt với cơ chế hậu kiểm sẽ tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án xanh, sạch.

Tuy nhiên, việc thiếu các yêu cầu cam kết tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam trong hồ sơ thẩm định dự án sẽ tạo “kẽ hở” để các nhà đầu tư lách luật hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệm thu, đưa dự án đi vào hoạt động.

Vì vậy, dù tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư nhưng các hồ sơ dự án phải được quy định chi tiết, cụ thể các yêu cầu mà nhà đầu tư phải đáp ứng để được hưởng cơ chế đầu tư đặc biệt. Việc này vừa giảm rủi ro cho đơn vị thẩm định dự án, vừa đảm bảo các lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư.

Tại hội thảo, nhiều địa phương cũng kiến nghị xem xét điều chỉnh hạn mức dự án bắt buộc phải tổ chức  đấu thầu. Theo quy định hiện hành, các sự án có hạn mức trên 100 triệu đồng phải đấu thầu và chi từ ngân sách đầu tư. Trong khi đó, tỷ lệ ngân sách chi đầu tư chỉ chiếm 30% tổng chi ngân sách địa phương, chi thường xuyên chiếm 70% khiến nhiều dự án phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương bị “đùn đẩy” giữa chi thường xuyên và đầu tư.

Ghi nhận ý kiến đóng góp, đề xuất từ các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc xây dựng một luật mới để điều chỉnh 4 luật đang thực thi là rất khó khăn bởi số lượng vấn đề, bất cập rất nhiều.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ xây dựng luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên chọn các nội dung mang tính cấp bách nhất, cần sửa đổi để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh khơi thông nguồn lực; các nội dung đã có đánh giá tác động rõ ràng, có tính kế thừa; đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế. Các nội dung, kiến nghị khác của địa phương sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu để đề xuất điều chỉnh trong thời điểm phù hợp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục