Đề xuất Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh phấn đấu cao hơn cho mục tiêu tăng trưởng

17:23' - 07/10/2024
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 địa bàn trọng điểm là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, là đầu tàu cả nước phấn đấu cao hơn để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 7% của cả nước.

Liên quan kết quả đánh giá thiệt hại bão và hoàn lưu bão số 3 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước làm giảm 0,15 điểm phần trăm GDP cả năm nhưng quý III vẫn bảo đảm tăng trưởng 7,4% và 9 tháng đạt 6,82%, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là đánh giá sơ bộ, nhanh cho Thủ tướng Chính phủ để kịp thời chỉ đạo và nếu không có cơn bão này thì con số có thể cao hơn nữa.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, con số này là có cở sở, không phải nghi ngờ vì sao ảnh hưởng bão lớn nhưng tăng trưởng vẫn cao như vậy.

Theo kịch bản xây dựng trên cơ sở kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo với Thủ tướng Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu 7% của cả năm, thậm chí nếu có điều kiện tốt hơn có thể cao hơn 7%.

Về giải pháp, với sự phục hồi nhanh của ngành công nghiệp, trong bối cảnh ngành nông nghiệp và du lịch bị ảnh hưởng hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ thúc đẩy sự chia sẻ, nỗ lực từ các địa phương không bị ảnh hưởng nặng, các địa phương có tiềm năng tăng trưởng để bù đắp lại cho những địa phương bị thiệt hại nặng hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 địa bàn trọng điểm là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, là đầu tàu cả nước phấn đấu cao hơn, điều này sẽ tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế cả nước đến cuối năm cũng như bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 7%.  

Tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thành nghị quyết thường kỳ để sớm triển khai các giải pháp liên quan đến tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, đánh giá về tác động của bão và hoàn lưu bão số 3, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, đây là cơn bão mạnh chưa từng có, gây thiệt hại rất lớn. Mặc dù cả hệ thống chính trị vào cuộc, đã có nhiều nỗ lực, khẩn trương phòng chống, chuẩn bị từ sớm xa, trước trong và sau bão những tác động của bão và hoàn lưu bão rất lớn, về cả người, tài sản cũng như các công tình hạ tầng công cộng, trọng yếu của các địa phương lớn như vụ sập cầu Phong Châu tại Phú Thọ. Nhiều nơi mất điện nước thông tin liên lạc, trường học bị ảnh hưởng…

Trên tinh thần đánh giá nhanh tác động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá sơ bộ ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão số 3 làm giảm 0,15 điểm phần trăm.

Về các giải pháp triển khai hỗ trợ sau bão, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành có báo cáo giải pháp ngay; trong đó, Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Các giải pháp cũng đặt ra thứ tự ưu tiên khắc phục bão và hoàn lưu bảo, đầy tiên về tính mạng con người, an toàn sức khoẻ nhân dân; sau đó mới là khôi phục sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các đối tượng khác.

Các giải pháp về tài khoá và tiền tệ cũng được ngành tài chính, ngân hàng nhanh chóng triển khai trong thẩm quyền. Theo đó, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay để ổn định sản xuất, kinh doanh. Các biện pháp về tài chính như giãn, hoãn thuế phí, tạo dòng tiền cho các đối tượng phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng được triển khai nhanh chóng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các công ty bảo hiểm nhanh chóng rà soát, đánh giá thiệt hại và đền bù đối với doanh nghiệp và hộ gia đình.

“Những chính sách này đã có tác động kịp thời đối với việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Khảo sát tại Hải Phòng, các doanh nghiệp quay lại phục hồi rất nhanh, có doanh nghiệp chỉ trong 1 tuần”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin thêm, ngành công nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi, trong khi ngành nông nghiệp và du lịch phục hồi lâu hơn, giống cây con, chăn nuôi tính bằng tháng và quý. Hay du lịch sử dụng tài sản vốn lớn như tàu để phục hồi mất thời gian đóng tàu… Các chính sách cần quan tâm hơn đối với hai ngành này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục