Đề xuất sửa đổi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

16:38' - 28/05/2021
BNEWS Xuất phát từ hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có đề xuất cần sửa đổi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Ngày 28/5, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo góp ý xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các đại biểu đã thảo luận chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận bảo hiểm xã hội một lần còn bất cập.

Chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.

Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu…

Xuất phát từ những hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các đại biểu đề xuất cần sửa đổi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội nhân dân; hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trước khi đi chưa tham gia bảo hiểm xã hội); sửa đổi quy định về trần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Luật cũng cần sửa đổi nội dung các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với mức lương cơ sở như mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội (đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia trước năm 2016); trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng; sửa đổi, bổ sung một số quy định của các chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất)…

Ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc tổ chức hội thảo góp ý xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm huy động trí tuệ của đội ngũ cán bộ Công đoàn và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm xã hội; sự tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh góp ý vào hồ sơ đề nghị xây dựng hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Sau khi tiếp thu các ý kiến, Liên đoàn Lao động Thanh Hóa sẽ tập hợp đầy đủ, hệ thống hóa... trước khi gửi về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam góp thêm tiếng nói xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) một cách khoa học, đầy đủ và thiết thực.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục