Đề xuất tăng vốn điều lệ cho Agribank đáp ứng nhu cầu về vốn phát triển nông nghiệp

15:18' - 23/05/2020
BNEWS Ngân hàng Nhà nước vừa trình Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kế hoạch tăng vốn cho Ngân hàng Agribank bằng ngân sách nhà nước với mức đề xuất tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Theo đó, theo Tờ trình số 196/TTr – CP trình Quốc hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có vị trí quan trọng trong việc đáp ứng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

Với thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%), đóng vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển ”Tam nông”, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank trong các năm qua luôn ở mức xấp xỉ 70% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này, chiếm 50% thị phần tín dụng của ngành ngân hàng cho lĩnh vực này tại Việt Nam. Hiện, Agribank đang là ngân hàng chủ lực triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, đến cuối năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,451 triệu tỷ đồng, tăng 169,8 nghìn tỷ đồng; tổng nguồn vốn đạt 1,351 triệu tỷ đồng, tăng 13,1% so với thời điểm cuối năm 2018… Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ.

Triển khai chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh theo phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở thực trạng vốn của ngân hàng, Agribank đã xây dựng phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2019 - 2021.

Theo đó, mức vốn tự có thiếu hụt của Agribank giai đoạn 2019 - 2021 để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II rất lớn. Do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên Agribank hiện đang được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.

Tuy nhiên, để đáp ứng quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, Agribank vẫn cần Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng ngay trong năm nay. Trong trường hợp được cấp bổ sung vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng trong quý III/2020, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt mức trên 34.000 tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2020, dư nợ tín dụng của Agribank dự kiến có thể tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng, tương ứng tổng tài sản tăng thêm 60.000 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận có thể tăng thêm 1.200 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách tăng thêm 500 tỷ đồng.

Năm 2021 và các năm tiếp theo, Agribank có điều kiện tăng quy mô trái phiếu phát hành để tăng vốn cấp 2 và nhờ đó tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay, doanh thu tăng thêm từ 4.500 - 5.000 tỷ đồng; tăng nộp ngân sách nhà nước tương ứng từ 900 - 1.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong cổ phần hóa; bảo đảm duy trì và phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn; tạo điều kiện cho hàng triệu nông dân có vốn sản xuất kinh doanh, hạn chế tín dụng đen…

Đại diện Ngân hàng Agribank cho biết, việc bổ sung vốn sẽ giúp tăng quy mô vốn điều lệ của Agribank, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; đồng thời, tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cùng đó, đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho hàng triệu hộ nông dân có vốn sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, hạn chế tín dụng đen, góp phần ổn định đời sống nông dân và ổn định xã hội.

Ngoài ra, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, đầu tư công nghệ, hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế đất nước; thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hình thành mặt bằng lãi suất phù hợp, ổn định trên thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã cho biết  sẽ thực hiện giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đối với Ngân hàng Nhà nước vào quý II/2020 mà cụ thể là hoạt động bổ sung vốn điều lệ cho Agribank./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục