Đề xuất Thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế

11:54' - 30/06/2017
BNEWS Sáng 30/6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Vượt qua các rào cản để thực hiện thực chất cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam.
Vượt qua các rào cản để thực hiện thực chất cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN
Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia đã đánh giá kết quả cơ cấu lại kinh tế Việt Nam hiện nay và đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế.

Tiến sỹ Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư (CIEM) cho biết, hiện nay nhà nước quản lý khối tài sản rất lớn với giá trị khoảng 600 tỷ USD; trong đó, doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản 300 tỷ USD; các thành phần khác gồm đất trồng lúa, hạ tầng giao thông, khoáng sản với giá trị từng yếu tố khoảng 100 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2015-2020, chính sách chưa đặt vấn đề giảm tài sản do nhà nước quản lý mà chỉ nhấn mạnh vào cơ cấu tài sản. Cụ thể, chuyển khối tài sản và dòng tài sản từ hoạt động kinh doanh, trợ cấp ngành sang đầu tư hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội; từng bước nâng cao hiệu quả và giá trị của khói tài sản do nhà nước quản lý như việc tăng tỷ suất lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp nhà nước…

Đại diện CIEM đưa ra nhiều kiến nghị cho giai đoạn 2016 - 2020 như: đề xuất thay đổi cách thức điều hành và quản lý kinh tế; trong đó chuyển trọng tâm điều hành hướng vào tăng năng suất để tăng trưởng thịnh vượng và phúc lợi xã hội.

Cơ quan quản lý chuyển dần việc ban hành nghị quyết theo hướng điều hành như hiện nay sang hướng ban hành nghị quyết mang tính chuyên đề, xác định các nhiệm vụ ưu tiên cải cách trong năm. Ở địa phương cần điều hành hướng vào cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chất lượng dịch vụ, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

“Trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ cần dành thời lượng để thảo luận các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế như tăng sức cạnh tranh của thị trường; cải thiện năng lực sản xuất, hạ tầng thông và đào tạo nguồn nhân lực. Cắt giảm chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, logistics, chi phí đất đai và từng bước giảm lãi suất ngân hàng. Nhà nước cần bãi bỏ cơ chế độc quyền, đặc quyền do thể chế tạo ra”, ông Thắng nêu kiến nghị.

Đặc biệt, CIEM kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ được Chính phủ sẽ phê duyệt chương trình hoạt động; có vị thế độc lập so với các bộ, ngành. Sứ mệnh của Ban Chỉ đạo tập trung thúc đẩy tái cơ cấu và năng suất tổng thể nền kinh tế; có ngân sách và nhân lực hoạt động chuyên trách. Nổi bật nhất, CIEM đề xuất các bộ, ngành phải có trách nhiệm giải trình với Ban Chỉ đạo Quốc gia về vấn đề tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, cấu trúc kinh tế của Việt Nam có vấn đề ở mọi lĩnh vực, từ phân phối lần đầu đến quá trình phân phối lại. Toàn bộ hệ thống có vấn đề nên không thể sửa chữa ở 1 khâu nào đó mà cần làm đồng thời ở tất cả các khâu.

“Hiện nay, tái cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam cần xử lý ngay không phải tăng trưởng bao nhiêu mà cần xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm. Sửa cấu trúc theo hướng đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường”, ông Trinh nêu ý kiến.

Đi vào lĩnh vực cụ thể, từ thực trạng đất đai phân tán, manh mún, thị trường đất nông nghiệp hoạt động yếu ớt, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nêu ra một số giải pháp tháo gỡ rào cản phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp như: mở rộng đối tượng giao dịch, hỗ trợ tín dụng và hạ tầng cho hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã.

Theo ông Tuấn, cần thúc đẩy thị trường thuê đất nông nghiệp cho doanh nghiệp như cho thuê trong thời gian dài hạn, mặt bằng cho khâu trước và sau sản xuất; đồng thời cần hình thành, tăng cường hoạt động của Quỹ phát triển đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng giải thể các hợp tác xã kiểu cũ, xây dựng chính sách ưu đãi về bảo lãnh tín dụng, thuê đất, thị trường.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục