Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành hoa

20:47' - 29/04/2020
BNEWS Các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất hoa xuất khẩu tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có nhiều kiến nghị để phát triển ngành hoa, giải pháp giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.

Chiều 29/4, tại thành phố Đà Lạt, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Hiệp hội Hoa Đà Lạt, các doanh nghiệp, làng hoa sản xuất hoa về tình hình sản xuất tiêu thụ hoa; qua đó, nhằm giải quyết các khó khăn và đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hoa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất hoa xuất khẩu tại Đà Lạt đã có nhiều kiến nghị để phát triển ngành hoa, giải pháp giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.

Các doanh nghiệp đã nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoa trong những năm gần đây. Hiện nay, hầu như Đà Lạt - Lâm Đồng phải nhập khẩu giống để sản xuất bởi vì trong nước không chủ động nguồn giống mới và một số giống đã thoái hóa, bị nhiễm bệnh...

Trong khi đó, quy trình nhập khẩu giống mới rất phức tạp, tốn thời gian và kinh phí cao. Bên cạnh đó, một số giống mới có tiềm năng sản xuất nhưng chưa đưa vào danh sách được phép nhập khẩu.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã nêu đề nghị, tỉnh Lâm Đồng làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, để các chợ đầu mối ở các địa phương này cho xe chở hoa Đà Lạt vào chợ sớm; kiến nghị có các chính sách vay vốn, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghệ sinh học, thế mạnh của Đà Lạt.

Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, để nâng cao năng lực sản xuất của các đơn vị nuôi cấy mô đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, cần cơ chế hỗ trợ chuyển đổi đất nông nghiệp, chuyên dùng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất xây dựng để ổn định sản xuất, tăng cường xuất khẩu; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu, thử nhiệm giống mới; đối với những giống khảo nghiệm có tiềm năng, đề nghị làm việc với Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho phép nhập khẩu số lượng lớn.

Từ sau Tết Nguyên đán Canh tý đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoa Đà Lạt sản xuất ra có sản lượng cao nhưng không tiêu thụ được. Giai đoạn tháng 3 và tháng 4 năm 2020, các doanh nghiệp và nông dân chỉ tiêu thụ được khoảng 20% - 30% sản lượng, đặc biệt trong giai đoạn cách ly xã hội, 90% sản lượng hoa của Đà Lạt - Lâm Đồng không tiêu thụ được.

Một số hộ trồng hoa khác đã phải hủy sản phẩm sản xuất ra tại vườn vì lợi nhuận bán ra không đủ trả chi phí. Doanh thu giảm từ 50-80%. Các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công và điều chỉnh lại sản xuất theo tình hình chung.

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ngành hoa đã đóng góp đối với nông nghiệp địa phương rất lớn, tham gia vào thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, Đà Lạt có điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển ngành hoa. Việc ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên ngành hoa Đà Lạt đã ảnh hưởng rất lớn từ 40- 80% sản lượng, ảnh hưởng rất lớn đến người trồng hoa.

Trước thực trạng trên, thời gian tới cần cơ cấu lại ngành hoa, giảm dần hoa cắt cành (như hoa cúc), đẩy mạnh sản suất cây giống, vì Đà Lạt được đánh giá là nơi sản xuất cây giống trong nuôi cấy mô tiên tiến nhất Đông Nam Á; đặc biệt tái cơ cấu lại ngành hoa, quản lý giống nhập lậu.

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng tăng nhanh về diện tích và sản lượng trồng hoa, đến năm 2019 đã đạt trên 9.000 ha, sản lượng trên 3.500 triệu cành; trong đó, thành phố Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực của tỉnh, chiếm trên 66% diện tích. Giá trị sản xuất hoa công nghệ cao trên đơn vị diện tích cao gấp hơn 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh.

Hiện nay, hoa Đà Lạt có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa đã có từ lâu đời ở Đà Lạt hay xuất xứ từ châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan…. Từ châu Âu như các nước Pháp, Hà Lan, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc... về số lượng giống, nhiều nhất là hoa thuộc hai họ lan và cúc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục