Đến cuối năm 2021, Việt Nam có bao nhiêu liều vaccine ngừa COVID-19?

10:50' - 26/05/2021
BNEWS Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là huy động mọi nguồn lực trong xã hội giúp Việt Nam có thể tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất, đảm bảo tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vaccine.

Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Chủ trương nhất quán của Chính phủ là cần phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vaccine sớm nhất có thể để tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng.

Từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đều phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng dịch COVID-19.

Đã có bao nhiêu liều vaccine ngừa COVID-19 về tới Việt Nam?

Lô vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca thứ tư với số lượng 288.000 liều đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất đêm khuya ngày 25/5. Đây là lô vaccine thứ 2 do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC và lô vaccine AstraZeneca thứ tư về tới Việt Nam.

Như vậy, đến nay đã có 4 lô vaccine AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về ngày 24/2. Lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều. Lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều. Lô mới nhất là 288.000 liều.

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 1.034.072 liều cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Việt Nam chính thức triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 8/3. Tính đến 16 giờ ngày 25/5, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 1.034.072 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19;

Các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, 28.503 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết một trong những chủ trương căn bản, chiến lược của Việt Nam để phòng, chống dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường là mọi người dân đều được tiếp cận vaccine phòng COVID-19.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là huy động mọi nguồn lực trong xã hội giúp Việt Nam có thể tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất, đảm bảo tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vaccine, nhằm kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Để thực hiện những chiến lược tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất, rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là cần nguồn tài chính đảm bảo, do đó việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng góp tài chính cho Quỹ vaccine là rất cần thiết.

Bảo đảm có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Bộ Y tế chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện về việc mua vaccine phòng dịch. Bộ cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận, đàm phán nhanh chóng mua các loại vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, bảo đảm có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể;

Có lộ trình, kế hoạch cho từng tháng, quý còn lại của năm 2021 và thời gian tiếp theo thật cụ thể, chi tiết trong từng khâu, từng công đoạn (giao nhận, vận chuyển, bảo quản... kể cả về các yếu tố tài chính, kinh phí cho cả quy trình), theo tinh thần thần tốc hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.

Có chính sách, cơ chế khuyến khích, ưu đãi để huy động lực lượng khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; chủ động, tích cực tìm kiếm, nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine trong nước.

Có kế hoạch, lộ trình tiêm vaccine bài bản, khoa học, hiệu quả, trong đó ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp; tuyệt đối không để lãng phí nguồn vaccine có được. Rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine cho phù hợp với yêu cầu thực tế, chú ý cơ sở sản xuất lớn, khu dịch vụ có đông công nhân, người lao động.

Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính để nhanh chóng thành lập Quỹ vaccine phòng dịch COVID-19 nhằm kêu gọi các nguồn đóng góp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân theo tinh thần huy động sức mạnh toàn dân và công khai, minh bạch, khách quan trong quản lý, sử dụng Quỹ.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn ngay việc tiết kiệm chi thường xuyên, trước mắt trong năm tài chính 2021-2022 để có nguồn bổ sung cho hoạt động phòng, chống dịch, mua vaccine và các yêu cầu khẩn cấp khác.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vaccine. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vaccine cho toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.

Như vậy, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong số này có 38,9 triệu liều vaccine từ chương trình Covax; 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC; 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Tuy nhiên nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ./.

>>Hãng Moderna khẳng định độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19 đối với thanh thiếu niên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục