Đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ có 20% diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao

16:03' - 27/09/2017
BNEWS Nhờ mô hình công nghệ cao và sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người nông dân, doanh liên tục phát triển, các hộ nông dân cũng có thu nhập xứng đáng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Khu đồng cỏ rộng hàng chục hecta phục vụ nguồn thức ăn cho đàn bò. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Theo mục tiêu mà tỉnh Lâm Đồng đặt ra tại Nghị quyết số 05 về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, thì tới năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 20% diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao, đạt giá trị sản xuất 170 triệu đồng/ha/năm.

Đầu tư và đưa vào hoạt động 8 khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 2.100 ha; hình thành 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.000 ha và quy mô 31.000 - 32.000 con bò sữa.

Thời gian qua, Lâm Đồng đã thu hút được 77 doanh nghiệp FDI (Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư lên tới trên 266 triệu USD; trên 1.400 doanh nghiệp trong nước cũng đã tới đầu tư tại địa phương trong các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; tổng nguồn vốn huy động trong nước thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2011- 2016 đã lên tới gần 22.576 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2016, Lâm Đồng đã có 49.000 ha trong tổng số gần 279.000 ha đất canh tác được ứng dụng công nghệ cao; toàn tỉnh hiện có 8 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp này đã liên kết với nông dân mở rộng quy mô, sản xuất rau và hoa cao cấp.

Điển hình là Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, đầu tư tại huyện Đức Trọng. Bắt đầu hoạt động từ năm 2004, doanh nghiệp này đã liên kết với trên 50 hộ nông dân tại địa phương, đầu tư trồng các loại hoa lan Hồ Điệp, Vũ Nữ trong nhà kính.

Sau khi chuyển giao kỹ thuật sản xuất hoa cho các hộ nông dân, doanh nghiệp đã mời các chuyên gia nước ngoài về chuyển giao kỹ thuật sản xuất, đóng gói bảo quản, xây dựng xưởng đóng gói với công suất 7 triệu cành hoa mỗi năm và xuất khẩu đi Nhật, Nga, Australia, Singapore… và các đô thị lớn trong nước.

Nhờ mô hình công nghệ cao và sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người nông dân, doanh liên tục phát triển, các hộ nông dân cũng có thu nhập xứng đáng, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Hiện nay, công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng chủ yếu là sử dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, tưới nước tự động, thuỷ canh và bắt đầu ứng dụng khí canh.

Trong công nghệ giống mới, có tới 90% giống rau, hoa trên địa bàn được nhập khẩu từ 20 quốc gia trên thế giới. Công nghệ nhân giống in vitro đã tạo ra các loại cây giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng xuất, chất lượng.

Hiện có 47 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, hàng năm sản xuất trên 27 triệu cây giống gốc, cung cấp cho các vườn ươm để sản xuất ra trên 2 tỷ cây giống thương phẩm, cung cấp cho các nhà vườn. Ngoài ra, trên địa bàn còn ứng dụng công nghệ ghép, công nghệ giá thể, công nghệ cảm biến tự động… đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất.

Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có 19 nhãn hiệu chứng nhận gồm: Trà B’Lao, rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, cà phê Di Linh, sầu riêng Đạ Huoai, tơ lụa Bảo Lộc, lúa gạo Cát Tiên…

Tỉnh cũng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp như: Mô hình du lịch nông nghiệp hồ Xuân Hương với 5 hộ tham gia; Mô hình du lịch công nghệ cao Trại Mát; Mô hình nông nghiệp cho hiệu quả cao như Công ty cổ phần TNHH Sinh học rừng hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Đà Lạt rau thuỷ canh; Công ty TNHH Đà Lạt Gap…

Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu mỗi huyện, thành phố chưa có mô hình ứng dụng công nghệ cao, phải xây dựng ít nhất 1 mô hình ứng dụng đồng bộ nông nghiệp công nghệ cao có diện tích từ 0,5 - 1ha.

Trên cơ sở xác định cây trồng, vật nuôi lợi thế ở địa phương để quy hoạch 1 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ít nhất 50ha. Thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia đầu tư vào địa phương.

Hàng năm có chính sách hỗ trợ mở rộng liên kết sản xuất tiêu thụ thông qua đào tạo, tín dụng dựa trên số lượng và giá trị sản phẩm sản xuất. Các chính sách khác cần ưu tiên đầu tư hỗ trợ trước về giao thông nội đồng, tưới tiêu thoát nước, điện và quản lý tài nguyên, môi trường…cho đến khi được công nhận Vùng sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

>>> Cà Mau mời gọi đầu tư vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục