Đến năm 2025, VINACONEX đặt mục tiêu lợi nhuận 2.000 tỷ đồng

19:07' - 23/12/2020
BNEWS Mục tiêu của VINACONEX đến năm 2025 đạt doanh thu 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.000 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm tỷ trọng 70% doanh thu, lợi nhuận.

Chiều 23/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam VINACONEX (mã chứng khoán VCG) và Công ty cổ phần Chứng khoán SSI tổ chức roadshow “Kế thừa giá trị, vững bước vươn cao” nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VCG trước khi chuyển sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE). 

Từ cuối năm 2018, các cổ đông Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) và VIETTEL đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại VINACONEX và doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước. Trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, VINACONEX tập trung vào 3 trụ cột chính là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.

Tại sự kiện này, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT VINACONEX chia sẻ, trong 5 năm tới, VINACONEX phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng mỗi năm từ 15 - 25%, tỷ lệ cổ tức đạt từ 12 - 20%/năm.

Mục tiêu của VINACONEX đến năm 2025 đạt doanh thu 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.000 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm tỷ trọng 70% doanh thu, lợi nhuận.

Đồng thời, trở thành Top 3 nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam, Top 10 nhà đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam và phát triển quỹ đất dự án khoảng 5.000 ha. Việc chuyển niêm yết trên HoSE sẽ là bước đi trong hành trình nâng tầm vị thế và uy tín của Vinaconex – ông Thanh khẳng định.

Theo thông tin được công bố, khoảng 442 triệu cổ phiếu VCG sẽ giao dịch phiên đầu tiên tại HoSE vào ngày 29/12 với giá tham chiếu 41.800 đồng, tương ứng vốn hóa thị trường đạt gần 18.500 tỷ đồng.

Như vậy, VINACONEX sẽ bắt đầu chặng đường mới với nhiều kế hoạch và chiến lược phát triển nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trên thị trường; đồng thời, gia tăng cơ hội tiếp cận các nguồn huy động vốn quy mô lớn cho các dự án trong tương lai.

Đáng chú ý, thời gian qua, VINACONEX đã thực hiện hoạt động đầu tư tài chính vào các lĩnh vực mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định. Tổng công ty tiếp tục duy trì và nâng tỷ lệ sở hữu vốn đảm bảo quyền chi phối điều hành đối với các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, ổn định như: năng lượng, nước sạch, giáo dục, xuất khẩu lao động… và hình thành chuỗi công ty thành viên của VINACONEX trong lĩnh vực này.

Về phía đơn vị tư vấn, ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức đánh giá, VINACONEX có quá trình hơn 30 năm để xây dựng một thương hiệu tên tuổi tại Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Với dấu mốc chính thức chuyển đổi thành doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước từ 2018 và thực hiện quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ và hiệu quả, VINACONEX đang có những yếu tố thuận lợi để phát triển vững chắc trong thời gian tới.

Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của VINACONEX đạt 19.357 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 8.979 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước và bằng 177% kế hoạch được cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên đầu năm.

Thành lập năm 1988, tiền thân của VINACONEX là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài. Năm 2008, Vinaconex chính thức niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán VCG và nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất HNX.

Với vị thế TOP 10 nhà thầu xây lắp lớn nhất Việt Nam, VINACONEX đã thực hiện nhiều dự án xây dựng quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia thuộc lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, hạ tầng, giao thông như: Đại lộ Thăng Long, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 – Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt và Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Long Sơn….

Hiện tại, Tổng công ty VINACONEX đang triển khai các hợp đồng xây lắp có giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng. Giá trị các gói thầu trúng mới trong năm 2020 đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Một số công trình giao thông lớn VINACONEX tham gia như các gói thầu lớn nhất thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông như gói thầu 3 – XL (cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây), gói thầu XL – 04 (cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết)… với tổng giá trị 5.500 tỷ đồng; cầu Vĩnh Tuy – Hà Nội giai đoạn 2 và một số dự án giao thông quy mô lớn khác…

Cùng đó, hàng loạt công trình dân dụng cũng ghi danh thương hiệu VINACONEX như: Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Mikazuki Spa & Hotel Resort, Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội, Bệnh viện K Trung ương… cùng các công trình công nghiệp gồm: hạ tầng chính Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Gói G – Tổ hợp lọc hóa Dầu Long Sơn, Thủy điện Tân Mỹ, Thủy điện Dak ba, dự án BW Bàu Bàng, Foxxcon…

Xác định bứt phá từ lĩnh vực bất động sản để tạo vị thế mới, VINACONEX có danh mục đầu tư đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường gồm nhà ở, du lịch – nghỉ dưỡng…

Quỹ đất hiện tại VINACONEX sở hữu lên đến trên 1.500 ha tại nhiều địa phương có thị trường bất động sản sôi động của cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên…

Một số dự án đầu tư tiêu biểu VINACONEX đang triển khai có bất động sản nhà ở với dự án tiêu biểu tại 93 Láng Hạ, Hà Nội, góp phần định hình thương hiệu VINACONEX trong phân khúc bất động sản cao cấp, dự án Khu đô thị Đại lộ Hòa Bình (Móng Cái – Quảng Ninh)...

Trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, VINACONEX vừa khởi động dự án Cát Bà Amatina tại Hải Phòng với quy mô 172 ha. Ngoài ra, VINACONEX còn có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố biển như: dự án Tuy Hòa ở Phú Yên; dự án Tam Kỳ tại Quảng Nam...

Bất động sản khu công nghiệp cũng đánh dấu tên tuổi VINACONEX tại một số dự án tiêu biểu như: Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp – công nghệ cao 2 Hòa Lạc, Hà Nội; Cụm công nghiệp Sơn Đông, Hà Nội./.

>>Hơn 440 triệu cổ phiếu VCG hủy niêm yết trên HNX từ 22/12

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục