Dệt may Việt Nam hướng đến mục tiêu 48 tỷ USD năm 2025
Nỗ lực đa dạng hoá thị trường, đổi mới công nghệ, tận dụng tốt sự dịch chuyển đơn hàng giúp ngành dệt may cán đích mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng hơn 11% so với năm 2023 và sẵn sàng chinh phục mục tiêu 48 tỷ USD cho năm 2025 sắp tới.
Tận dụng cơ hội
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, xét tổng thể, năm 2024, sức tiêu dùng hàng dệt may trên toàn cầu không tăng, nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, sau một số biến động về địa chính trị, từ giữa năm 2024, chuỗi cung ứng dệt may có xu hướng dịch chuyển sang các địa điểm ổn định hơn. Nhờ năng lực sản xuất và điều kiện chính trị - xã hội ổn định, Việt Nam là một trong những nước được các nhà mua hàng dệt may lựa chọn trở thành nguồn cung ứng thay thế.
Theo ông Vũ Đức Giang, thời gian gần đây các đơn hàng dịch chuyển về số lượng nhưng hầu như không có sự gia tăng về giá. Để có thể đón nhận các đơn hàng đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị, thích ứng bằng cách đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tự động hóa để nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động; đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu giao hàng nhanh chóng hơn.
Ngoài các đơn hàng dịch chuyển theo chuỗi cung ứng, nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua cũng đã phát huy hiệu quả. Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 thị trường trên toàn cầu. Bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP và các nước Asean, sản phẩm dệt may Việt Nam cũng đã tiến vào các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…
Việc thực thị các FTA cũng là một lợi thế đặc biệt, mở ra thị trường rộng lớn cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam. Điều này đã được minh chứng qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA) kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Nga đã có bước nhảy vọt, từ con số rất nhỏ tăng lên gần 1 tỷ USD trong năm nay.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận lợi nhuận ròng quý III/2024 đạt 111 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023. Đơn đặt hàng từ Mỹ, EU cũng phục hồi rõ nét trong quý IV - mùa cao điểm mua sắm cuối năm, đến hiện tại công ty đã có đủ đơn hàng cho quý I/2025. Tương tự, lợi nhuận của Công ty May Sông Hồng cũng ghi nhận tăng trưởng 154% so với cùng kỳ năm trước, đạt 130 tỷ đồng; lợi nhuận Công ty Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công đạt 81 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo phân tích ngành dệt may mới đây, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc, nhờ chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc, mức thuế mà Mỹ áp dụng với hàng nhập khẩu Việt Nam thấp hơn hàng Trung Quốc. Việt Nam cũng có lợi thế về lao động có tay nghề cao hơn Ấn Độ và Bangladesh.
Theo các chuyên gia, với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các chính sách thương mại của nước này dự kiến sẽ thay đổi theo xu hướng tăng thuế suất để kiểm soát hàng hoá nhập khẩu. Do đó, các nhà phân phối có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ mua hàng từ nay đến nửa đầu năm 2025, trước khi có biến động về mức thuế. Số lượng đơn hàng của các công ty dệt may Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những tháng tới.
Thích ứng với bối cảnh mới
Theo Vitas, kết quả đạt được trong năm 2024 và những tín hiệu khá tích cực của thị trường là cơ sở để ngành dệt may Việt Nam mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao hơn trong năm 2025 ở mức 47 - 48 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng cho quý I/2025 và đang đàm phán cho quý II/2025.
Dù có lợi thế và dư địa tốt, song ngành dệt may cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết, một trong những thách thức rõ nhất đã, đang và sẽ tiếp diễn là các nhãn hàng thay đổi phương án mua hàng rất nhanh. Mặc dù đơn hàng đã đàm phán, nhưng chỉ cần sức mua chững lại 1-2 tuần, các nhãn hàng có thể sẽ yêu cầu doanh nghiệp ngưng sản xuất.
Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng không còn đặt đơn hàng số lượng lớn mà thường xuyên chia nhỏ đơn hàng, yêu cầu giao nhanh trong thời gian ngắn. Doanh nghiệp muốn có đơn hàng thường xuyên và giữ chân khách mua phải chấp nhận các yêu cầu ngày càng cao. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giảm hàng rào thuế quan nhưng cũng đưa ra đòi hỏi khắt khe hơn về xuất xứ sợi, vải, trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn xơ sợi, vải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Theo ông Phạm Văn Việt, nhiều năm qua, dệt may Việt Nam đã nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hoá nguyên, phụ liệu nhưng vẫn phải nhập khẩu khá nhiều. Riêng Việt Thắng Jean đang nhập khẩu 30-35% nguyên liệu từ Trung Quốc, điều này khiến một số sản phẩm đối diện nguy cơ bị Hoa Kỳ đánh thuế. Để thích nghi, doanh nghiệp phải tích cực tìm nguồn cung nguyên liệu thay thế từ các thị trường khác như Ấn Độ, Pakistan, Indonesia… cho đơn hàng đi Mỹ; chuyển đổi nguyên liệu Trung Quốc cho đơn hàng ở các thị trường khác.
“Dù phải cạnh tranh khốc liệt với hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Việt Thắng Jean vẫn kiên định giữ vững chất lượng nhằm đảm bảo uy tín của thương hiệu đối với khách hàng. Để cắt giảm chi phí, tăng doanh số, doanh nghiệp chủ động tối ưu hoá sản xuất, quản trị, lược bớt các khâu trung gian; nắm bắt xu hướng tiêu dùng và đẩy mạnh bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ thêm.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Vitas dự báo, năm 2025, ngành dệt may vẫn duy trì được mức tăng trưởng khoảng 10%, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47- 48 tỷ USD. Tuy nhiên, cuộc cách mạng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong sản xuất đang tạo ra áp lực kép, buộc doanh nghiệp phải thực hiện đồng thời cả hai hoặc bị đào thải.
Nhà mua hàng hiện nay không chỉ khuyến khích mà đã yêu cầu các nhà máy tham gia chuỗi cung ứng phải đạt tiêu chuẩn xanh. Điều này khiến doanh nghiệp phải đầu tư thay đổi máy móc, công nghệ, hệ thống quản trị với chi phí không hề nhỏ, trong khi giá bán sản phẩm lại không tăng, thậm chí giá xuất khẩu sang Mỹ còn đang giảm 5%. Do đó, để tăng trưởng 10%, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào cải tiến, tài chính, nhân lực và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phân tích sâu hơn về thị trường Mỹ, ông Trần Như Tùng thông tin, hiện Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc trong xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ. Khi Mỹ áp thuế cao hơn đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn. Việt Nam cũng là khách hàng lớn nhất của ngành bông Mỹ. Sau Brazil, Úc, bông Mỹ là một trong những ưu tiên của ngành dệt may Việt Nam để phục vụ cho các nhà máy kéo sợi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ dùng công cụ thuế để kiểm soát nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng quá nhanh cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro. Doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam cần cảnh giác, ngăn chặn tình trạng chuyển tải hàng hoá nhằm gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế. Đây là vấn đề mang tính vĩ mô, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ phía Chính phủ và các bộ ngành để bảo vệ ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của đất nước.
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Xuất khẩu dệt may cán đích 44 tỷ USD
20:05' - 14/12/2024
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cán đích 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%.
-
DN cần biết
Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD
10:36' - 19/11/2024
Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47- 48 tỷ USD - thông tin được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas đưa ra tại buổi họp báo về Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập VITAS.
Tin cùng chuyên mục
-
Hàng hoá
Thu giữ hơn 2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc tại TP Cẩm Phả
16:18' - 16/05/2025
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho lạnh của cơ sở này có trên 2,1 tấn thực phẩm gồm: mỡ lợn, mực ống, ruốc gà, vụn cá…không rõ nguồn gốc xuất xứ.
-
Hàng hoá
Giá dầu vẫn chịu áp lực do triển vọng nguồn cung gia tăng
14:54' - 16/05/2025
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 16/5 do áp lực nguồn cung gia tăng nhờ triển vọng về một thỏa thuận hạt nhân Iran.
-
Hàng hoá
Cảnh báo phát sinh chi phí không chính thức khi giao dịch mua bán ô tô
09:47' - 16/05/2025
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị người tiêu dùng nâng cao nhận thức pháp lý, cảnh giác với giao dịch không minh bạch và chủ động phản ánh hành vi vi phạm đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.
-
Hàng hoá
Tiến triển trong đàm phán Mỹ - Iran kéo giá dầu thế giới đi xuống
08:16' - 16/05/2025
Giá dầu thế giới giảm hơn 2% trong phiên giao dịch 15/5 do khả năng đạt được thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Iran làm dấy lên dự báo về nguồn cung dầu thô toàn cầu gia tăng.
-
Hàng hoá
Chặn đứng 40.000 gói rong biển trôi nổi chuẩn bị tuồn ra thị trường
15:47' - 15/05/2025
Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phát hiện 40.000 gói rong biển không rõ nguồn gốc chuẩn bị tuồn ra thị trường tiêu thụ. Vụ việc cho thấy tình trạng gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp.
-
Hàng hoá
Kỳ vọng về thỏa thuận Mỹ-Iran khiến dầu châu Á rớt giá
15:03' - 15/05/2025
Chiều 15/5, giá dầu tại thị trường châu Á giảm khoảng 2 USD giữa kỳ vọng về một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng giữa Mỹ và Iran.
-
Hàng hoá
Giá xăng dầu đảo chiều tăng trở lại từ 15h chiều nay 15/5
14:51' - 15/05/2025
Giá các loại nhiên liệu chủ yếu gồm xăng RON95, E5RON92, dầu điêzen, dầu hoả… đã đảo chiều tăng trở lại từ 15 giờ hôm nay 15/5 sau 2 kỳ điều hành liên tục giảm giá.
-
Hàng hoá
Xử lý gần 800 kg thịt lợn bẩn trước khi ra thị trường
14:42' - 15/05/2025
Lực lượng chức năng Vĩnh Phúc vừa kiểm tra đột xuất một nhà hàng tại TP Vĩnh Yên và phát hiện gần 800 kg thịt lợn bốc mùi, không có dấu kiểm soát giết mổ và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
-
Hàng hoá
Gạo Mỹ chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản
13:19' - 15/05/2025
Các nhà bán lẻ Nhật Bản đang chuyển sang gạo Calrose trồng tại California (Mỹ) để thay thế gạo Nhật Bản, loại gạo hiện rất đắt và khan hiếm.