Dệt may Việt Nam trước áp lực chuyển mạnh sang số hóa

09:00' - 03/05/2025
BNEWS Sự chuyển đổi của các công nghệ số và sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chuyển hướng, thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới công nghệ để phát triển bền vững.
Doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Từ một ngành thâm dụng lao động, dệt may Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa sống còn: hoặc chuyển đổi số, hoặc bị loại khỏi sân chơi toàn cầu. Áp lực từ chuỗi cung ứng khắt khe, tiêu chuẩn xanh ngày càng cao và bài toán tối ưu chi phí đang buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc mạnh mẽ – từ tự động hóa sản xuất đến làm chủ dữ liệu, công nghệ. Dù vẫn còn rào cản về tiềm lực, hạ tầng công nghệ, nhưng những "người đi trước" như Vinatex, Việt Tiến đang cho thấy dệt may Việt Nam có thể thực hiện số hóa bền vững.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp Hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may Việt Nam đối mặt thách thức trong quá trình chuyển đổi số và hướng đến sản xuất thông minh. Đây là xu hướng tất yếu nên các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng, bằng việc dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành từ đó làm tăng lợi thế cạnh tranh.

Để có thể tiếp tục tăng trưởng và đạt chinh phục mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD cho năm 2025, ngành dệt may Việt Nam cần có những giải pháp mang tính chất quyết định – đó là thực hiện việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất của mình. Sự chuyển đổi của các công nghệ số và sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chuyển hướng, thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới công nghệ nếu muốn đảm bảo lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững trên thị trường.

Do vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự thay đổi liên tục, lãnh đạo tiên phong trong sự sáng tạo đổi mới, kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng cho nhân lực doanh nghiệp.

Tiếp đến là cải tiến các quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, chuỗi cung ứng…

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp cho thấy hiệu quả đón đầu xu hướng mới trên thị trường tiêu dùng toàn cầu.

Trong thời gian qua, chuyển đổi số đã đem lại một số thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Mục tiêu của chuyển đổi số tại Vinatex là đảm bảo gia nhập và vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng khả năng phát triển bền vững.

Vinatex xác định quá trình chuyển đổi số cần song hành với quá trình chuyển đổi mô hình quản lý và phát triển nguồn nhân lực để mang lại hiệu quả cao nhất theo 4 khía cạnh: tổ chức nguồn lực; đào tạo và phát triển nhân lực; quản lý làm việc và chế độ đãi ngộ; mô hình vận hành và cung cấp các dịch vụ quản trị nguồn nhân lực.

Để thực hiện được việc chuyển đổi này, Vinatex từng bước thay đổi, định hướng chiến lược phát triển, xây dựng nền tảng quản trị vững chắc, phát triển và khẳng định thương hiệu trong sự vận hành hài hòa của công nghệ và con người.

 

Chia sẻ kinh nghiệm qua quá trình thực tế chuyển đổi số của doanh nghiệp, ông Ngô Thành Phát – Giám đốc điều hành Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (Việt Tiến) cho biết, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị là giải pháp thay đổi hoàn toàn cục diện và nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hiện Việt Tiến đang áp dụng thành công phần mềm quản lý số hóa cơ sở dữ liệu, quản lý sản phẩm, quản lý máy móc thiết bị, văn phòng nghiệp vụ, quản lý sản xuất tại nhà máy và áp dụng công nghệ 4.0, thiết bị tự động hóa tại nhà máy; trong đó, Việt Tiến đã áp dụng hoàn thiện khu vực cắt, trải vải cùng với phần mềm số hóa điều khiển tự động.

Việc ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả tốt trong hoạt động sản xuất của Việt Tiến như giảm được lao động, tại công việc được số hóa, người lao động tuyển vào không cần trình độ cao, có thể dễ dàng đào tạo. Nhờ vậy, Công ty giảm được các bước xử lý văn bản truyền thống, giấy tờ thủ tục duyệt, quản lý qua phần mềm chính xác và nhanh gọn hơn, đặc biệt là giảm thời gian thực hiện các công việc cơ bản truyền thống như ghi tay, vẽ tay, đếm tay...

Cơ sở dữ liệu được bảo mật theo cách phân quyền truy cập của phần mềm, phân nhiệm vụ công việc thực hiện chính xác và tốt hơn. Thiết bị tự động hóa 4.0 tạo ra sản phẩm đồng bộ, giảm sai sót, sản phẩm lỗi, tăng năng suất chất lượng cho sản phẩm.

Trong thời gian tới, Việt Tiến tiếp tục hoàn thiện và cải tiến các phần mềm nhằm tăng hiệu quả quản lý, sử dụng dễ dàng hơn. Đồng thời, áp dụng tự động hóa, công nghệ 4.0 vào sản xuất và liên kết chuyển đổi số quản lý hiệu quả, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc đưa công nghệ số vào áp dụng trong ngành dệt may vẫn còn khiêm tốn, số doanh nghiệp thành công tập trung một số doanh nghiệp lớn. Do đó, việc kết nối những nhà cung cấp có thế mạnh phát triển công nghệ, chuyên cung ứng giải pháp phần mềm đặc thù riêng cho ngành dệt may là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với doanh nghiệp dệt may. 

Ở góc độ nhà cung cấp ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số ngành dệt may, ông Jatin Paul - Giám đốc điều hành Công ty WFX chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang phổ biến sử dụng nhiều phần mềm riêng lẻ, nhưng cần có giải pháp toàn diện và có thể tích hợp với những phần mềm sẵn có tại doanh nghiệp dệt may để thực hiện chuyển đổi số hóa toàn diện trong chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra, gồm: hoạt động sản xuất từ sợi đến may mặc thành phẩm; phát triển sản phẩm, quản lý chuyền may, chất lượng, bán hàng, xuất nhập khẩu, tồn kho…

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn tồn tại và phát triển trên thị trường thì nhất thiết phải chuyển dịch phương thức sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có thể sử dụng và làm chủ công nghệ. Đồng thời, xây dựng giải pháp, công cụ tìm kiếm thông tin và tăng cường khả năng phân tích dữ liệu phù hợp với lĩnh vực đang hoạt động, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là một quá trình dài và liên tục nên mỗi doanh nghiệp đều phải tận dụng lợi thế, nắm bắt cơ hội phát triển để không tụt lại phía sau.

>>> Thuế quan Mỹ: Các nhà bán lẻ dệt may trì hoãn đơn hàng và ngừng tuyển lao động

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục