Deutsche Bank gặp vận xui

07:29' - 24/10/2016
BNEWS Án phạt của Bộ Tư pháp Mỹ đã đẩy giá trị thị trường của Deutsche Bank lao dốc và khiến một số quỹ đầu tư đang tìm cách rút tài sản ra khỏi ngân hàng này.
Các án phạt đang "bủa vây" Deutsche Bank. Ảnh: Bloomberg

Tám năm sau thời điểm doanh nghiệp đầu tư tài chính Lehman Brothers Holdings Inc của Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD, ngành tài chính toàn cầu vừa chứng kiến một “cơn chấn động” mới khi Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu ngân hàng Deutsche Bank AG (Đức) nộp khoản tiền phạt lên tới 14 tỷ USD do liên quan đến hành vi bán chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn trong giai đoạn từ năm 2005-2007.

Thông tin trên đã đẩy giá trị thị trường của Deutsche Bank lao dốc và khiến một số quỹ đầu tư đang tìm cách rút tài sản ra khỏi ngân hàng này.

Khi “gã khổng lồ” lộ điểm yếu

Được thành lập vào năm 1870, Deutsche Bank là tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức. Với tổng tài sản đạt 1.501 tỷ euro và 100.000 nhân viên, Deutsche Bank cung cấp dịch vụ tài chính tại 72 quốc gia trên khắp thế giới. 

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bản báo cáo đưa ra hồi tháng Sáu năm nay, qua vài thập niên, “viên ngọc” của nền kinh tế Đức này đã trở thành một trong những tổ hợp tài chính nhiều rủi ro nhất thế giới.

Không chỉ có vậy, Deutsche Bank còn nắm giữ một bản quyết toán tài sản có độ rủi ro cao, liên quan đến sản phẩm tài chính phái sinh, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007. 

Tình trạng dễ bị bùng nổ này từ lâu không còn là một bí mật của Deutsche Bank trên thị trường tài chính thế giới và chắc chắn nó cũng đã được các nhà quản lý nhận diện cùng với nhiều vấn đề có tính chất cơ cấu khác của ngân hàng như cạnh tranh suy giảm trước các đối thủ Mỹ, tiền thưởng cao, mô hình hoạt động cần thay đổi...

Doanh thu của Deutsche Bank sụt giảm nghiêm trọng kể từ cuộc khủng hoảng 2008 và tới năm 2015, ngân hàng này đã chịu thua lỗ lần đầu tiên trong vòng bảy năm.

“Gót chân Achilles” của Deutsche Bank nằm ở thị trường bán lẻ Đức. Trên thực tế, Deutsche Bank có kế hoạch cắt giảm sự hiện diện ở Hauptstrasse bằng cách bán đi Postbank, một ngân hàng lớn do họ kiểm soát từ năm 2010.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Sigmar Gabriel nhấn mạnh những khó khăn hiện nay của Deutch Bank có thể bắt nguồn từ những sai lầm trong quá khứ của đội ngũ quản lý ngân hàng này và hậu quả của nó có thể sẽ đẩy hàng nghìn người lao động vào nguy cơ mất việc làm.   

Kịch bản “Lehman Brothers” có tái diễn?

Những ngày cuối tháng Chín vừa qua, Deutsche Bank đã trở thành tâm bão của thị trường tài chính thế giới sau khi Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu ngân hàng này nộp phạt khoản tiền lên tới 14 tỷ USD (12,5 tỷ euro). Nếu được thực thi, đây sẽ là mức tiền phạt cao nhất mà một ngân hàng nước ngoài phải nộp tại Mỹ. 

Lại một lần nữa châu Âu "run rẩy" vì các ngân hàng và sự ổn định tài chính của mình. Ảnh: Reuters

Lại một lần nữa châu Âu "run rẩy" vì các ngân hàng và sự ổn định tài chính của mình. Mối đe dọa từ khoản tiền phạt kỷ lục nói trên mà Mỹ áp đặt cho Deutsche Bank chỉ là một tia lửa trước một quả bom đặt sẵn. Tính thanh khoản của Deutsche Bank thậm chí bị đặt dấu hỏi khi lo ngại ngân hàng này không đủ khả năng xoay sở khoản phạt khổng lồ ngày càng gia tăng.

Chính phủ liên bang Đức cũng bị đặt vào tình thế buộc phải hành động để trấn an và khoanh vùng “đám cháy” đang đe dọa thị trường chứng khoán, khi mà hiệu ứng Deutsche Bank cũng khiến nhiều mã chứng khoán ngân hàng lớn ở châu Âu và Mỹ sụt giảm mạnh.

May mắn là sau một tuần biến động theo chiều hướng xấu, giá cổ phiếu của Deutsche Bank có dấu hiệu hồi phục nhẹ trong những phiên gần đây, bởi giới đầu tư đã bình tĩnh hơn. Trong khi đó, giới chuyên gia đã trấn an thị trường rằng sẽ không xảy ra vụ “Lehman Brothers thứ hai”.

Các quan chức của IMF đang tìm cách giảm nhẹ nguy cơ khủng hoảng đối với Deutsche Bank và tỏ ý tin tưởng vào nỗ lực phối hợp giữa giới chức Đức và châu Âu để ổn định tình hình của ngân hàng này.

Chính Deutsche Bank mới đây cũng khẳng định họ có đủ khả năng thanh khoản. Theo một nguồn tin từ Berlin, Chính phủ Đức đang tiến hành các cuộc đàm phán kín với giới chức Mỹ để giúp Deutsche Bank giàn xếp vụ phạt.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa thị trường tài chính thế giới thoát nguy. Trong ngành ngân hàng, uy tín còn quý hơn tiền. Deutsche Bank mất uy tín, nguy cơ thực sự sẽ là các nhà đầu tư bỏ chạy.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục