Dĩ An liên kết vùng: Bước chạy đà cho đô thị tương lai

21:32' - 22/04/2025
BNEWS Theo quy hoạch vừa được công bố, thành phố Dĩ An gồm 7 phường trên diện tích 6.010 ha, được chia thành 3 phân vùng phát triển và 5 khu đô thị trọng điểm.

Ngày 22/4, thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) chính thức công bố quy hoạch chung đô thị và xúc tiến thu hút đầu tư. Với vị trí chiến lược nằm kề thành phố Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và các đô thị năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Dĩ An đang mở ra tầm nhìn phát triển liên kết vùng, tạo đà phát triển đô thị hiện đại.

 

Theo quy hoạch vừa được công bố, thành phố Dĩ An gồm 7 phường trên diện tích 6.010 ha, được chia thành 3 phân vùng phát triển và 5 khu đô thị trọng điểm; trong đó, vùng đô thị phía đông đường sắt Bắc - Nam được xác định là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội và thương mại, với hạt nhân là trung tâm đô thị và đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh - yếu tố gắn kết vùng đặc biệt với thành phố Thủ Đức.

Vùng phía Tây đường sắt Bắc - Nam tận dụng thế mạnh hạ tầng giao thông, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lấy ga An Bình làm hạt nhân liên kết vùng.

Vùng phía Bắc tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh hướng đến mô hình đô thị TOD (Transit Oriented Development), phát triển theo định hướng giao thông công cộng dọc tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn.

Toàn thành phố dự kiến kêu gọi đầu tư phát triển 32 khu vực đến năm 2045; trong đó, khoảng 10 điểm theo mô hình TOD kết nối trực tiếp với tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên – Dĩ An – TP Mới Bình Dương).

Năm khu đô thị được định hướng rõ ràng, từ trung tâm hành chính, giáo dục – đào tạo đến khu đô thị cửa ngõ du lịch và công nghệ cao. Đặc biệt, quy hoạch xác định rõ chuyển đổi công năng các khu công nghiệp như Bình Đường, Sóng Thần 1 và 2, Tân Đông Hiệp A, B, và Bình An, từng bước hình thành các khu công nghiệp công nghệ số và công nghệ cao. Đây là hướng đi quan trọng nhằm thu hút đầu tư bền vững, giảm áp lực môi trường và mở rộng không gian đô thị thông minh.

Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Dĩ An sở hữu vị trí liên kết vùng vô cùng thuận lợi, là cửa ngõ kết nối trực tiếp TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ. Việc định hướng phát triển đô thị theo khung giao thông hiện đại, đặc biệt là kết nối Metro số 1, sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho kinh tế – xã hội, mở rộng không gian sống và cơ hội việc làm cho cư dân vùng giáp ranh TP. Hồ Chí Minh.”

Đồng thời, ông Thạnh cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của tư duy đổi mới, tính sáng tạo và quyết tâm chính trị trong việc hiện thực hóa quy hoạch, xây dựng Dĩ An trở thành hình mẫu của một đô thị hiện đại, năng động, đáng sống.

Với tinh thần “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia”, Dĩ An cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục, tài chính và hạ tầng giao thông.

Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang mở rộng kết nối vùng, Dĩ An đóng vai trò như một “cánh cửa” phía Đông của thành phố mang tên Bác. Sự gắn kết chặt chẽ về hạ tầng giữa Dĩ An với thành phố Thủ Đức – trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thông qua các tuyến đường huyết mạch như Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1K, đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đường sắt đô thị và tuyến metro số 1… là những đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế - xã hội giữa hai địa phương.

Không chỉ là cửa ngõ giao thương, Dĩ An còn định vị mình là đô thị học thuật và công nghệ cao với trọng tâm là khu vực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh – nơi quy tụ hàng chục nghìn sinh viên, giảng viên và chuyên gia. Việc quy hoạch khu đô thị số 5 làm trung tâm giáo dục - đào tạo và nghiên cứu, cùng định hướng phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao cho thấy sự quyết tâm của Dĩ An trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và mô hình đô thị thông minh.

Tầm nhìn đến năm 2045, Dĩ An sẽ không chỉ là đô thị loại I mà còn là đô thị vệ tinh hiện đại của TP. Hồ Chí Minh, đóng vai trò đầu mối giao thông – logistics trọng điểm, trung tâm sáng tạo và giáo dục cấp vùng.

Ông Thạnh nhấn mạnh 6 nội dung trọng tâm trong công cuộc phát triển sắp tới. Theo đó, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên kiểm tra, giám sát; đổi mới tư duy phát triển, phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác công tư, ưu tiên đầu tư vào hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông – đô thị; tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả các vùng động lực; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, di dời doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư, khai thác hiệu quả quỹ đất sau di dời.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án mời gọi nhà đầu tư lớn; tăng cường phổ biến quy hoạch sâu rộng trong nhân dân, tạo sự đồng thuận và giám sát.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục