Đi Lý Sơn mùa nào đẹp?

08:03' - 04/04/2021
BNEWS Chắc hẳn nhiều người khi lên kế hoạch tới Lý Sơn sẽ có chút băn khoăn, nên đi đảo Lý Sơn vào tháng mấy, đi Lý Sơn mùa nào đẹp?

Đã chớm vào hè, mùa du lịch biển sắp đến. Được ví như “đảo tiên” giữa biển, Lý Sơn thực sự là một địa điểm du lịch nếu ai chưa đến thì nên đi, đã đi rồi vẫn mong quay trở lại để có thêm trải nghiệm vào hè này.
Chắc hẳn nhiều người khi lên kế hoạch tới Lý Sơn sẽ có chút băn khoăn, nên đi đảo Lý Sơn vào tháng mấy, đi Lý Sơn mùa nào đẹp?

Nên đến Lý Sơn vào tháng mấy?

Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi nên khí hậu ở đây cũng có nhiều nét đặc trưng của khí hậu miền Trung như nhiệt độ quanh năm luôn cao, trung bình từ 25 – 30 độ. Khí hậu thích hợp cho hoạt động du lịch.

Lý Sơn bốn mùa có bốn vẻ khác nhau. Mùa xuân, khí hậu mát, cây xanh tốt. Mùa hè, nắng gắt thì bù lại biển xanh, cát trắng, hải sản phong phú hơn. Mùa đông thì cảnh quan hùng vỹ, mờ ảo.

 

Nhưng rõ rệt nhất, một năm ở đây được chia thành hai mùa là mùa khô và mùa mưa.
Mùa khô bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch hàng năm. Vào mùa khô, ở Lý Sơn mưa khá ít, nếu có cũng chỉ là những cơn mưa rào nhanh tạnh. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch năm sau trong đó có khoảng thời gian mưa bão, thường xuyên có mưa lớn, biển động dữ dội, thường rơi vào tháng 10 đến trước Tết âm lịch hàng năm. Vào mùa mưa, Lý Sơn mưa rất nhiều nên sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại và vui chơi.

Lý Sơn lúc nào cũng đẹp nhưng thời gian để đi Lý Sơn đẹp nhất chính là mùa khô, thường vào tầm tháng 4 - tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, khách du lịch đổ về Lý Sơn rất đông. Tháng 6 là lúc biển êm ái nhất, bầu trời và biển Lý Sơn đẹp nhất.
Đến Lý Sơn vào mùa mưa sẽ vắng hơn. Nếu đi vào mùa mưa nhất định bạn phải xem thời tiết thật kỹ và tránh những ngày mưa bão. Nếu muốn đến Lý Sơn tham dự lễ khao thề lính Hoàng Sa, các bạn cần nhớ khoảng thời gian tháng 3.
Những điểm check in không thể bỏ qua

Huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 100km2 gồm Đảo lớn Lý Sơn còn gọi là Cù Lao Ré, cách cửa biển Sa Kỳ khoảng 15 hải lý và đảo Bé Lý Sơn.

Trải qua 11 triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào đầu tiên, thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn những thắng cảnh tuyệt đẹp, địa hình độc đáo. Hiện nay, trên đảo còn tồn tại 10 miệng núi lửa (7 trên bờ và 3 dưới nước) đã tắt, trong đó độc đáo nhất là hai miệng núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới cùng miệng núi lửa, trầm tích núi lửa, cổng đá và cả “nghĩa địa tàu cổ đắm dưới nước.

Nơi đây cũng là nơi hội tụ, giao thoa của các nền văn hóa lớn như Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt với hệ thống 4 di tích văn hóa cấp quốc gia, 17 di tích văn hóa cấp tỉnh và nhiều loại hình văn hóa phi vật thẻ đặc sắc khác mà tiêu biểu và độc đáo nhất là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lý Sơn còn được ví là bảo tàng sống động, nơi lưu  giữ tài liệu, tư liệu, bằng chứng quý giá khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Huyện đảo Lý Sơn còn được mệnh danh là “vương quốc” của hành tỏi ngon nổi tiếng cả nước.


Đảo Lớn Lý Sơn: Đến Đảo Lớn Lý Sơn, bạn sẽ có cơ hội tham quan những điểm du lịch đặc trưng như cổng Tò Vò, núi Thới Lới, Chùa Hang, Hang Câu, Nhà trưng bày Đội Hoàng SA kiêm quản Bắc Hải..

Cổng Tò Vò

Cổng Tò Vò là một địa danh nổi tiếng trên đảo lớn Lý Sơn – nơi mà bất cứ ai đặt chân đến Lý Sơn cũng nên đến thăm một lần.

Đây là một “vòm cổng” bằng đá cao khoảng 2,5m, có hình thù vòng cung như một vòm cổng được hình thành trong hoạt động phun trào của núi lửa. Quanh cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ nhấp nhô trên làn nước trong veo của đảo Lý Sơn.
Khung cảnh tuyệt vời khiến Cổng Tò Vò còn được gọi bằng một cái tên mỹ miều khác là Cổng Thiên Đường. Đây cũng là địa điểm chụp ảnh được ưa chuộng hàng đầu của giới trẻ khi đến Đảo Lý Sơn.

Núi Thới Lới – Đảo Lý Sơn là 1 trong những ngọn núi lửa độc đáo đã tắt từ lâu của huyện Đảo, cao gần 170m so với mặt nước biển. Đứng trên đỉnh Thới Lới có thể quan sát toàn cảnh của đảo với cánh đồng tỏi bạt ngàn và nhìn ra biển khơi ngoài xa.
Chùa Hang

Chùa Hang hay còn gọi là Thiên Khổng thạch tự do cư dân trên đảo tận dụng hang đá tự nhiên lập ra cách đây 400 năm. Chùa nằm ở Đông Bắc đảo Lý Sơn, dưới chân núi Thới Lới. Ven theo biển còn có các hang động như hang Dơi, hang Câu thuộc địa phận xã An Hải.

Hang Câu

Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi hình thành qua hàng ngàn năm từ nham thạch tạo nên một vẻ đẹp vô cùng kỳ vĩ. Đây cũng là điểm check in ấn tượng ở đảo Lớn, Lý Sơn. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi hình thành qua hàng ngàn năm từ nham thạch tạo nên một vẻ đẹp vô cùng kỳ vĩ. Nằm ở thôn Đông, xã An Hải dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu có một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa một bên là biển, một bên là núi.


Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là nơi lưu giữ các tài liệu quý giá và bằng chứng sống về hành trình khai khẩn, xác lập cột mốc và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông của những người lính từ ba, bốn thế kỷ trước.
Đảo Bé Lý Sơn đúng như tên gọi, bé bé xinh xinh nằm yên bình ở phía Tây Bắc của hòn Đảo Lớn. Từ bến cảng ở Đảo Lớn, du khách có thể đi cano khoảng 15 phút ra đảo Bé.

Vào những ngày nắng đẹp, nước biển ở đây trong xanh màu ngọc bích. Có diện tích chưa đầy 1km2 nhưng ở đây có những bãi cát trắng muốt trải dài. Quanh bãi biển có rất nhiều dãy đá đen sẫm trải dọc bờ, chính là những trầm tích của núi lửa để lại cách đây hàng triệu năm.

Quanh bãi biển có rất nhiều dãy đá đen sẫm trải dọc bờ, chính là những trầm tích của núi lửa để lại cách đây hàng triệu năm. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Xe máy hiện giờ là phương tiện để di chuyển, thăm thú tại Đảo Bé. Đến với Đảo Bé, du khách có thể thăm quan thắng cảnh bãi Sau được tạo nên từ vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, tạo hình vòng cung vươn ra biển, bơi lội trong làn nước biển trong xanh. Du khách còn có thể trải nghiệm dịch lặn ngắm san hô, lặn ngắm cổng đá trầm tích dưới nước.

Cấu tạo địa chất ở Đảo Bé không giống như Đảo Lớn thế nên khả năng là Đảo Bé không tách ra từ đảo Lớn mà có thể từ đất liền do tác động núi lửa đã hàng triệu năm.
Ẩm thực ở đảo Lý Sơn
Đến Lý Sơn, ngoài thăm thú những cảnh đẹp, du khách còn có thể thưởng thức những món ăn địa phương dân dã ngon tuyệt vời.
Gỏi tỏi

Gỏi tỏi là món đặc sản trên Đảo Lý Sơn được ăn với bánh tráng nướng dày, bùi, thơm, xúc một nhúm gỏi tỏi rồi chấm với nước mắm ớt.
Gỏi rong biển


 

Rong biển được thái nhỏ, trộn dầu ăn đã khử chín cùng các gia vị gồm mắm, chanh, đường, bột nê cùng các loại rau thơm, lạc rang xúc bánh tráng hay ăn cùng cơm.
Cua huỳnh đế

 

Cua huỳnh đế là một trong những đặc sản nổi tiếng ở Lý Sơn, nó được coi là vua của các loại cua. Trước đây, cua huỳnh đế là một trong những đặc sản tiến vua bởi thịt ngon và chất lượng. Cua huỳnh đế có hình dáng khá lạ và bắt mắt. Loài này có bộ áo giáp dày và cứng, màu đỏ hồng, nhiều gai nhọn li ti xuôi theo thân. Càng cua to, cạnh sắc.
Cá tà ma

Cá Tà Ma là món mà du khách nên thử khi đến Lý Sơn

Tùy theo mùa mà cá tà ma được chế biến thành món nướng, nấu canh hẹ, canh chua, nấu lẩu, cháo.

Ốc xà cừ

 

Ốc xà cừ ngon nhất khi xào sả. Thịt ốc cứ giòn sần sật, độ dai ngon, ngòn ngọt quyện lẫn vị sả cay thơm khiến ăn mãi vẫn thèm. Chẳng thế, ốc xà cừ vẫn luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của các du khách khi đến đây.
Phương tiện đi lại, lưu trú ở Lý Sơn
Hiện Lý Sơn có 14 khách sạn trong đó có 2 khách sạn 4 sao, 80 nhà nghỉ, 62 homestay có khả năng phục vụ 2.500 khách. Hiện có khoảng gần 30 xe 16 chỗ và 7 chỗ; 30 xe điện chở khách du lịch.


Từ đất liền, ra Đảo Lớn, khách đi tàu cao tốc mất 35 phút, còn khi biển động thì 45 phút. Hiện tại do ảnh hưởng dịch COVID-19, ít khách nên lịch chạy của tàu không không cố định còn ngày nhiều khách, thì liên tục có tàu cao tốc từ đất liền ra Đảo Lớn Lý Sơn vào các giờ  7h30, 9h, 11h, 13h và 15h. Những ngày nhiều khách du lịch, thường xuyên cứ 1 tiếng có tàu cao tốc ra Đảo Lớn.

Muốn chủ động đi theo thời gian riêng của mình thì việc thuê xe máy để khám phá Lý Sơn sẽ là phù hợp nhất. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Phương tiện di chuyển từ Đảo Lớn ra Đảo Bé bằng cano. Còn khi khám phá Đảo Bé, với những bạn đi một mình, cặp đôi hoặc đơn giản các bạn muốn chủ động đi theo thời gian riêng của mình thì việc thuê xe máy để khám phá Lý Sơn sẽ là phù hợp nhất và thường được chủ cơ sở lưu trú cho thuê ngay nên cũng khá tiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục