Dịch bệnh COVID-19 "nuôi dưỡng" chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tại Italy

17:09' - 24/04/2020
BNEWS Xu hướng hoài nghi châu Âu đang trỗi dậy tại Italy với nhiều người cho rằng sự thiếu đoàn kết trong nội bộ châu Âu kể từ cuộc khủng hoảng di cư đã trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19.
Một khu chợ ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Tờ báo Le Vif của Bỉ cho biết, theo các cuộc thăm dò khác nhau thực hiện vào tháng 4/2020 được công bố trên trang web của chính phủ, 71% người dân Italy cho rằng đại dịch COVID-19 đang phá hủy Liên minh châu Âu (EU) và khoảng 55% sẽ đồng ý với việc rời khỏi EU hoặc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). 

Những con số trên rất đáng chú ý bởi Italy là một quốc gia trụ cột của EU vốn trong lịch sử đã rất nhiệt thành ủng hộ liên minh. Rome đã trách cứ một số đối tác, đặc biệt là Đức và Hà Lan, khi các nước này từ chối phát hành nợ chung một lần, được biết đến là "trái phiếu Corona” nhằm ứng phó với những tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19. Đây cũng là vấn đề sống còn trong chính sách đối nội tại của Italy.

Nền kinh tế Italy đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng y tế mà theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của “đất nước hình chiếc ủng” được dự đoán sẽ giảm tới 9,1% trong năm nay. Sự phản đối của Đức và Hà Lan đối với trái phiếu Corona nhằm chống lại hậu quả của đại dịch đã mang đến cái cớ mới cho các đảng cực hữu luôn cổ xúy mạnh mẽ cho tư tưởng hoài nghi và chủ nghĩa chủ quyền.

Cuộc tranh cãi tại Italy chủ yếu liên quan đến cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần tới, dự kiến tập trung thảo luận về các biện pháp khả thi cho một phản ứng kinh tế chung của khối nhằm đối mặt với đại dịch COVID-19. Tâm điểm của các cuộc tranh luận là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ của Eurozone gợi lên những ký ức tồi tệ khi EU đưa ra các điều kiện và chính sách tài khóa nghiêm khắc đối với Hy Lạp mắc nợ quá mức. Đối với những người nhân danh chủ quyền, việc áp dụng các chính sách tương tự sẽ khiến đất nước Italy rơi vào một vị thế nhục nhã và buộc phải khuất phục.

Một mặt, phần lớn lực lượng hỗ trợ chính phủ của ông Giuseppe Conte muốn có thể sử dụng quỹ này mà không bị ràng buộc bởi các điều kiện; mặt khác, những người hoài nghi châu Âu cáo buộc Rome muốn bán chủ quyền quốc gia. Theo một quan điểm được trích dẫn bởi hãng tin AFP của Pháp, "đó là một cuộc xung đột giữa chủ nghĩa dân túy - trụ cột chống Âu", của Lega và FDI, và một phần của Phong trào 5 sao cầm quyền với những người mang "linh hồn thân châu Âu" chủ yếu của chính phủ.

Giovanni Orsina, Giáo sư tại Đại học Luiss ở Rome nhận định, nếu có nhận thức rằng Italy đã nhận được rất ít viện trợ hoặc thậm chí là chẳng có gì từ châu Âu, nếu giờ đây tiền không đến và người dân bắt đầu gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế thì sự tức giận chắc chắn sẽ bùng phát ở đất nước này.

Những người Italy chống đối ESM cho rằng các chính phủ Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha không nên chấp nhận các cải cách ESM với các điều kiện khó chấp nhận nhất đã được lược bỏ, ít nhất là đối với ngành y tế.

Osvaldo Napoli, một trong những người lãnh đạo của Forza Italia (FI), đảng cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, nhấn mạnh nếu Rome cứ tiếp tục hành động như vậy thì các quốc gia trên sẽ được hưởng lợi từ sự trợ giúp của ESM, trong khi Italy, nước đã tài trợ cho cơ chế này, sẽ tự mình tước đi cơ hội tiếp cận khoản trợ giúp lên tới 36-37 tỷ euro với những điều kiện ưu đãi cả về lãi suất và thời gian hoàn trả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục