Dịch COVID-19: Agribank cùng doanh nghiệp vượt khó

21:16' - 28/03/2020
BNEWS Trước những ảnh hưởng từ COVID-19, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp.

Trước những ảnh hưởng và tác động trực tiếp của dịch COVID-19, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp nhằm giúp họ vượt qua khó khăn.

Tháng 11/2019, anh Vũ Ngọc Tuấn ở thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái vay 2 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bắc Yên Bái để đầu tư kinh doanh vận tải theo tuyến cố định Yên Bái - Mỹ Đình - Gia Lâm.

Trước đây, khi chưa xảy ra dịch COVID-19, mỗi ngày anh duy trì 2 chuyến xe chở khách. Từ khi xảy ra dịch bệnh, lượng khách giảm sâu nên anh phải bù lỗ trên 1 triệu đồng/ngày để duy trì xe hoạt động. Trước tình hình đó, Agribank chi nhánh Bắc Yên Bái đã hướng dẫn anh Tuấn làm hồ sơ để hỗ trợ giảm lãi suất.

Anh Vũ Ngọc Tuấn chia sẻ, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh doanh của gia đình và các doanh nghiệp khác. Nếu ngân hàng không hỗ trợ giảm lãi suất thì anh cũng không biết lấy tiền đâu ra  trả lãi theo quy định.

Cũng như anh Tuấn, chị Vũ Thị Hoa ở tổ 3, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái nhận thấy ngành nghề kinh doanh nhà hàng ăn uống, lưu trú, tổ chức sự kiện phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Năm 2018, chị quyết định đầu tư loại hình du lịch cộng đồng Mộc An Viên homstay rộng gần 1 ha tại tổ 3 phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái với  số vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng. Để có nguồn  kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở, chị được Agribank chi nhánh tỉnh Yên Bái cho vay vốn với lãi suất dài hạn là 9,5%/năm.

Từ khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi tháng chị thu được 200 triệu đồng, có tháng đông khách thu được 400 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 đến nay, lượng khách đến cơ sở homstay của chị sụt giảm đáng kể; doanh thu không có. Cùng với đó, cơ sở còn bị ảnh hưởng của trận lốc kèm theo mưa đá vào đầu tháng 3/2020,  thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng.

Trước những khó khăn và tác động của dịch bệnh, thiên tai, chị Hoa đã được Agribank chi nhánh tỉnh Yên Bái hỗ trợ điều chỉnh hạ lãi suất và cơ cấu lại nhóm nợ.

Chị Vũ Thị Hoa tâm sự, Agribank đã giúp giảm lãi suất để xây dựng lại cơ sở hạ tầng, khắc phục thiên tai và sớm ổn định kinh doanh. Đây là sự hỗ trợ cần thiết trong thời điểm này bởi nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì không biết lấy tiền đâu để trải lãi ngân hàng.

Để kịp thời hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19, Agribank chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các phòng, chi nhánh trực thuộc thường xuyên theo dõi, rà soát nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn; đặc biệt là khách hàng ở những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như: du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu và các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái cho biết: Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, ngân hàng đã trực tiếp làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm xác định mức độ thiệt hại.

Qua đó kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho vay mới theo quy định của pháp luật hiện hành nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.

Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tác động trực tiếp đến nền kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có gần 50 khách hàng là pháp nhân và cá nhân có dư nợ trên 228 tỷ đồng được hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay. Đồng thời, các ngân hàng cho vay mới gần 55 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất có vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh trong lúc khó khăn.

Ông Bùi Trung Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là khách hàng đang vay vốn của ngân hàng. Đến nay, ngân hàng có gói hỗ trợ lãi suất cho vay 250 nghìn tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5 - 1% cho khách hàng vay vốn.

"Đặc biệt, ngày 13/3/2020 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất, cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn để khắc phục khó khăn", ông Bùi Trung Thu cho biết.

Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, bên cạnh sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng cần chủ động xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh, có hình thức chuyển đổi sản xuất phù hợp để tránh những thiệt hại do dịch bệnh gây ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục