Dịch COVID-19: Các nước hỗ trợ tài chính vực dậy kinh tế

09:33' - 18/03/2020
BNEWS Nhiều nước trên thế giới đã có các quyết định hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2.

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 lên nền kinh tế, đặc biệt là lên các doanh nghiệp và người lao động, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã cân nhắc triển khaicác gói tài chính hỗ trợ.

*Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chính phủ nước này sẽ hỗ trợ tài chính cho tập đoàn Boeing, nhà chế tạo máy bay lớn nhất thế giới, trong bối cảnh toàn bộ ngành hàng không của Mỹ nói riêng và của các nước trên thế giới nói chung đang đối mặt với bất ổn về kinh tế do sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19

Tại một cuộc họp báo, Tổng thống Trump cho biết “Boeing đang bị ảnh hưởng nặng nề theo nhiều cách khác nhau”, đồng thời khẳng định ông đang xem xét hỗ trợ cho các hãng sản xuất máy bay của Mỹ. 

Trước đó, Boeing cho biết đại diện của hãng này đã có cuộc thảo luận với các quan chức cấp cao của Mỹ về sự hỗ trợ ngắn hạn của chính phủ đối với tập đoàn này cũng như toàn bộ ngành hàng không.

Ngoài việc phải đối mặt với các tác động do dịch COVID-19 gây ra, Boeing cũng đang phải nỗ lực để đưa dòng máy bay 737MAX của hãng này hoạt động trở lại sau 2 vụ tai nạn thảm khốc. 

Hôm 16/3, một loạt hãng hàng không của Mỹ đã kêu gọi chính quyền Washington hỗ trợ tài chính 50 tỷ USD nhằm chống chọi với các tác động của dịch COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra. 

Airlines for America - cơ quan đại diện của các hãng hàng không American Airlines, United Airlines, Delta Airlines và Southwest Airlines và nhiều hãng bay khác - cho biết ngành hàng không Mỹ cần hỗ trợ tài chính 25 tỷ USD, kèm theo gói cho vay và giảm thuế 25 tỷ USD từ chính phủ để "sống sót". 

Cơ quan trên cũng khẳng định ngành hàng không cần gói giảm thuế lên đến hàng chục tỷ USD cho tới hết năm 2021. Trong khi đó, các hãng vận tải hàng hóa đường không muốn được hỗ trợ 8 tỷ USD

*Ngày 17/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết nước này sẽ hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và nghiên cứu triển khai các biện pháp khẩn cấp để làm chậm lại đà lây lan của đại dịch này.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, một trong những biện pháp tài chính mà Thủ tướng Trudeau đưa ra là chính phủ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho những người không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ một khoản tiền để các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên ngay cả khi các nhân viên phải ở nhà vì dịch bệnh. Chi tiết của các biện pháp tài chính này sẽ được công bố trong ngày 18/3 theo giờ địa phương. 

Các biện pháp khác có thể sẽ được chính phủ cân nhắc như tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn nhiều hơn, giúp đỡ những người gặp khó khăn khi vay thế chấp, tăng phúc lợi chăm sóc trẻ em và hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập thấp. Mọi người dân cũng sẽ được gia hạn thời gian để khai thu nhập đóng thuế.

Cũng theo Thủ tướng Trudeau, chính phủ Canada đang xem xét kỹ lưỡng việc áp dụng Đạo luật khẩn cấp 1988 trong tình hình hiện nay. Đạo luật này hiếm khi được sử dụng, cho phép chính phủ liên bang bỏ qua các quy định của tỉnh bang và hạn chế sự đi lại của người dân và sự dịch chuyển của luồng hàng hóa.

Phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng Chrystia Freeland cho biết việc sử dụng Đạo luật khẩn cấp là "phương sách cuối cùng", khẳng định chính phủ liên bang sẽ tham khảo một cách kỹ lưỡng ý kiến của các tỉnh bang trước khi áp dụng biện pháp này.

*Ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunack cũng đã công bố gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp Anh vay trị giá 330 tỷ bảng nhằm thúc đẩy kinh tế Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng ở nước này. 

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại London, phát biểu tại buổi họp báo chiều 17/3, Bộ trưởng Sunack cho biết chưa bao giờ trong thời bình nước Anh lại phải đối mặt với cuộc chiến kinh tế như hiện nay.

Ông khẳng định, nếu cần thiết, chính phủ sẽ bổ sung và cam kết làm "bất cứ điều gì" để giúp các công ty và người dân có đủ khả năng tài chính duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất của mình, chi trả lương cho nhân viên... 

Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết chính phủ sẽ cung cấp gói hỗ trợ thuế và các biện pháp khác trị giá 20 tỷ bảng nhằm bảo vệ doanh nghiệp và hộ gia đình đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Thuế đối với bất động sản cho kinh doanh thương mại được miễn trong năm nay cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, vui chơi giải trí và du lịch.

Các cửa hàng, quán xá, nhà hát, nhà hàng ăn sẽ không phải trả lãi suất vay ngân hàng trong 12 tháng, hay những người đang gặp tài chính khó khăn do COVID-19 được miễn trả lãi suất của khoản vay trả góp trong 3 tháng.

Ngoài ra, gói hỗ trợ bằng tiền mặt trị giá 25.000 bảng cho các công ty trong thời kỳ kinh doanh sản xuất gián đoạn khó khăn cũng được đưa ra. 

Cũng theo Bộ trưởng Sunack, ông sẽ đưa ra những bước cụ thể thêm trong những ngày tới và gặp gỡ với các tổ chức doanh nghiệp và nghiệp đoàn để đưa ra hình thức giúp đỡ nhằm bảo vệ việc làm và thu nhập cho người lao động. 

* Tối 17/3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định "nếu cần thiết" phải quốc hữu hóa các doanh nghiệp trọng điểm của đất nước, thì chính phủ sẽ làm điều đó để "bảo toàn năng lực sản xuất", trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu tác động tiêu cực lên nền kinh tế đầu tầu của châu Âu. 

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Paris, Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 2, Thủ tướng Philippe xác nhận khoản tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp lên đến 45 tỷ euro. Mục tiêu nhằm giữ cho các doanh nghiệp tồn tại và vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. 

*Ngày 17/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói biện pháp trị giá 200 tỷ euro (tương đương 219 tỷ USD), trong đó bao gồm các khoản vay, đảm bảo tín dụng, viện trợ trực tiếp nhằm giảm nhẹ tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Thủ tướng Sanchez cho biết số tiền trên chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, trong đó chính phủ sẽ huy động 117 tỷ euro (128 tỷ USD) và số còn lại sẽ đến từ các công ty tư nhân.

Các biện pháp này bao gồm 100 tỷ euro (109,7 tỷ USD) để đảm bảo tín dụng và duy trì thanh khoản không giới hạn cho các công ty./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục