Dịch COVID-19: Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

16:15' - 02/04/2020
BNEWS Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi các chủ tàu, tổ chức thuyền viên, hiệp hội chủ tàu liên quan đến việc giải quyết vướng mắc về chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên trong mùa dịch COVID-19.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu; trong đó có hoạt động vận tải biển.
Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, khó khăn nhất mà chủ tàu đang gặp phải là việc thay thế, bổ sung thuyền viên cho tàu biển do chính sách đóng cửa biên giới, phong tỏa, cách ly phòng chống dịch bệnh của hầu hết các nước trên thế giới.

Điều này khiến thuyền viên đang làm việc trên tàu biển hết hạn chứng chỉ chuyên môn, nhưng chủ tàu không thể thay thế hoặc bàn giao chứng chỉ chuyên môn đã được gia hạn mới cho thuyền viên.
Căn cứ hướng dẫn của các tổ chức hàng hải quốc tế về nội dung liên quan đến chứng chỉ của thuyền viên trong mùa dịch và các chỉ đạo liên quan của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định kể từ 0h00 ngày 31/3, các loại chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy công nhận, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy xác nhận việc cấp giấy chứng nhận của thuyền viên do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho thuyền viên đang đảm nhiệm chức danh trên tàu biển bị hết hạn sẽ được gia hạn sử dụng tiếp 3 tháng tính từ ngày chứng chỉ thuyền viên đó hết hạn. Thời gian gia hạn tối đa đến hết ngày 31/7/2020.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, quy định này không áp dụng đối với chứng chỉ thuyền viên bị cơ quan có thẩm quyền thực hiện thu hồi do vi phạm các quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề nghị cấp mới, cấp lại chứng chỉ thuyền viên vẫn thực hiện bình thường theo quy định hiện hành.
Liên quan đến việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam cũng vừa có văn bản đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cắt giảm thủ tục chấp thuận tiến hành tháo bỏ niêm phong hoặc việc bơm thải các chất thải, nước bẩn qua những van hoặc thiết bị của tàu vì hoạt động này chỉ cần người làm thủ tục thông báo bằng văn bản cho cảng vụ trước khoảng thời gian nhất định để phục vụ công tác quản lý nhà nước tại cảng biển.
Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất cắt giảm thành phần hồ sơ đối với các thủ tục tàu biển hoạt động tuyến nội địa có chở hàng nhập khẩu, hàng quá cảnh hoặc có hành khách, thuyền viên mang quốc tịch nước ngoài vào, rời cảng. Thủ tục này thực tế không có sự tham gia chia sẻ thông tin với cơ quan hải quan. Việc quản lý hàng hóa chuyển cảng trên phương tiện vận tải đã được cơ quan hải quan kiểm soát thông qua hệ thống nghiệp vụ riêng của hải quan.
Đối với thủ tục cho phương tiện thủy nội địa rời cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bỏ bớt điều kiện “không bốc, dỡ hàng hóa, không đón, trả hành khách” trong trường hợp phương tiện thủy nội địa vào cảng biển và lưu lại trong khoảng thời gian không quá 72 giờ bởi thực tế không có trường hợp nào đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ, bên cạnh việc đề xuất cắt giảm, đơn vị cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải.
“Hiện nay, khi thực hiện hoạt động thi công nạo vét trong vùng nước cảng biển, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư phải lập hai phương án bảo đảm an toàn hàng hải và an toàn giao thông. Nội dung phương án và hồ sơ đề nghị phê duyệt hai phương án tương đối giống nhau nên Cục đã nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định loại trừ trường hợp không phải lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải trong trường hợp thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển”, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục