Dịch COVID-19 cuốn trôi 17 triệu việc làm tại Mỹ chỉ trong ba tuần

11:10' - 10/04/2020
BNEWS Số liệu được công bố ngày 9/4 cho thấy 17 triệu người Mỹ đã mất việc làm kể từ giữa tháng Ba, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại nước này.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang gia tăng với tốc độ chóng mặt, khi số liệu được công bố ngày 9/4 cho thấy 17 triệu người Mỹ đã mất việc làm kể từ giữa tháng Ba, giữa lúc giới chức nước này đang áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng ngày đã ban hành một loạt chương trình cho vay mới nhằm “bơm” 2.300 tỷ USD vào nền kinh tế.

Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế “thật sự hiếm thấy”, và tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng ở mức “báo động”, nhưng Fed cam kết sẽ dùng các công cụ cho vay khẩn cấp của mình một khi cuộc khủng hoảng này còn chưa chấm dứt.

Động thái mới nhất của Fed được đưa ra cùng thời điểm khi báo cáo hàng tuần mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy 6,6 triệu người đã nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, sau các con số 6,9 triệu người và 3,3 triệu người trong hai tuần trước đó.

Đây là sự đảo chiều đáng kinh ngạc với nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi tỷ lệ thất nghiệp ở gần các mức thấp lịch sử trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Giới chuyên gia dự đoán dịch bệnh sẽ kéo dài nhiều tháng nữa, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức hai con số trong tháng Tư, trong khi Tổng thống Donald Trump lại đang xem xét mở cửa trở lại nền kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin còn đưa ra một lộ trình cụ thể hơn khi cho biết các doanh nghiệp Mỹ có thể hoạt động trở lại vào tháng Năm. Oxford Economics dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng lên 14% trong tháng Tư và 16% trong tháng Năm.

Số liệu thất nghiệp nói trên cho thấy dịch COVID-19 sẽ làm lu mờ số việc làm bị cuốn trôi do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 9/4 cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp toàn cầu tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái.

Thậm chí trong trường hợp khả quan nhất, IMF dự đoán nền kinh tế chỉ “phục hồi một phần” vào năm sau, nếu tình hình dịch bệnh hạ nhiệt và các hoạt động kinh tế được nối lại trong năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục