Dịch COVID-19 đến sáng 4/4: Tốc độ lây lan chậm hơn nhờ giãn cách xã hội

06:07' - 04/04/2020
BNEWS Tốc độ lây lan của virus SAS-CoV-2 gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nhiều nước đã chậm hơn nhờ biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt.

Số liệu của worldometer.info cập nhật đến 5h45 sáng 4/4 theo giờ Việt Nam cho thấy, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày 3/4 qua của Italy, Tây Ban Nha, Đức đều thấp hơn so con số mắc mới của ngày 2/4.

Đây là tín hiệu khả quan cho thấy giãn cách xã hội là một trong những biện pháp quan trọng bên cạnh các biện pháp hữu hiệu khác như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh COVID-19. 

Số liệu của worldometer.info cập nhật đến 5h45 sáng 4/4 theo giờ Việt Nam cho thấy, thế giới đã có 228.171 bệnh nhân COVID-19 được chữa trị khỏi bệnh. Số bệnh nhân nguy kịch hiện là 39.407 người, chiếm 5% trong tổng số 808.242 bệnh nhân đang được điều trị.

Hãng Google cho biết sẽ công bố dữ liệu thông tin về vị trí của những người sử dụng dịch vụ của hãng này trên toàn cầu kể từ ngày 3/4 để hỗ trợ chính phủ các nước đánh giá hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo đó, những thông tin về việc đi lại của những người sử dụng dịch vụ của Google tại 131 quốc gia sẽ có sẵn trên một trang web đặc biệt của hãng và sẽ cho thấy dưới dạng biểu đồ xu hướng đi lại của những người này theo thời gian tại từng khu vực địa lý. 

*Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam

6h sáng 4/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 2 ca nhiễm nCoV, trong đó một người liên quan Bệnh viện Bạch Mai, một được cách ly ngay khi nhập cảnh. Tính đến giờ, số ca mắc COVID liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai là 45, trong số này có đến 28 bệnh nhân là nhân viên Công ty Trường Sinh.

Như vậy trong 24 giờ qua ghi nhận 6 ca mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam lên 239.

Bệnh nhân 238 (BN 238) - nữ, 17 tuổi, ở thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, là lao động tự do tại Thái Lan, trước đó có ở cùng bạn (BN210) tại Thái Lan, ngày 17/3 đi xe ô tô từ Bangkok về Việt Nam, ngày 18/3 nhập cảnh qua cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình, hiện đang được cách ly và điều trị tại BVĐK Cầu Treo, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân 239 (BN239) - nam, 71 tuổi, ở An Hoà, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 11/3 đi khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày, ngày 18/3 khám lại, ngày 19/3 quay lại Vĩnh Phúc, trong thời gian khám có mua đồ ăn ở căng tin, hiện đang được cách ly và điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Như vậy, diễn biến dịch đến 6h sáng ngày 4/4 như sau:

Tử vong:                              0

Số trường hợp mắc:              239

Trong đó, tổng số ca bình phục là 85:

- 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

-  69 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 3/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN20, BN22, BN23, BN24, BN25, BN27, BN29, BN22, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN51, BN53, BN54, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64,  BN66, BN67, BN69, BN70, BN71, BN73, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN99, BN100, BN107, BN110, BN112, BN113, BN121, BN129, BN130, BN131, BN132, BN138, BN140, 179, BN187, BN198

* Ngày 3/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Văn bản yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg. 

* Tối 3/4, Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn số 10 về thời gian, lịch trình di chuyển của bệnh nhân số 237. Bộ Y tế đề nghị tất cả những ai đi tới các địa điểm trong thông báo này cần liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.

Theo Bộ Y tế, bệnh nhân thứ 237 (nam, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển) đã di chuyển nhiều địa điểm ở nước ta.

Cụ thể, từ ngày 11- 21/3/2020, người đàn ông này ở tại Khách sạn Ngọc Anh, cơ sở 2 – 38 Lương Văn Tụy, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Sau đó, bệnh nhân đi xe X.E.Limousine từ Ninh Bình (9 giờ 30 ngày 21/3) lên Hà Nội.

Từ ngày 21 - 22/3/2020, ông này ở tại Khách sạn Canary Hanoi, số 4 Vũ Hữu Lợi, Hà Nội.

Từ ngày 22– 31/3/2020, ông tiếp tục di chuyển sang ở tại Khách sạn Sao (Star), số 2, ngõ 25, Lâm Du, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội.

Vào ngày 26/3/2020, người đàn ông này bị tai nạn, được xe cấp cứu 115 đưa vào Bệnh viện Việt – Pháp. Ngày 30/3/2020, bệnh nhân khám tại Bệnh viện này.

Vào ngày 1/4/2020, bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đức Giang, sau đó chuyển sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Tại đây, bệnh nhân đã được làm xét nghiệm, sau đó phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2…

* Chiều 3/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, trước việc phát hiện những bệnh nhân là người nước ngoài có yếu tố dịch tễ phức tạp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các quận, huyện rà soát tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn.

Nếu cơ sở nào có khách là người nước ngoài, yêu cầu họ ở trong nhà, không được đi ra ngoài trong những ngày thành phố thực hiện cách ly xã hội (giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp) để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ra cộng đồng.

Đồng thời, các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền để tất cả những người liên quan đến khu vực Bệnh viện Bạch Mai, những người đi từ vùng dịch về hoặc có yếu tố nước ngoài tự cách ly tại nhà, khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Tính đến 5h45 sáng 4/4 theo giờ Việt Nam, trên thế giới đã có 205 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với tổng số 1.095.653 người mắc COVID-19 và 58.809 ca tử vong.

Mỹ tiếp tục là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc bệnh, lên tới 275.493 người, trong đó có 7.081 người tử vong. Tiếp theo là Italy với 119.827 ca mắc nhưng số trường hợp tử vong lại cao nhất thế giới với 14.681 ca tử vong. Đứng ở vị trí thứ ba là Tây Ban Nha với 119.199 ca mắc, 11.198 ca tử vong. 

Đức, Trung Quốc, Pháp, Iran, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ nằm ở các vị trí tiếp theo trong danh sách 10 nước có ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.  Như vậy thứ tự trong danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới đã có sự hoán đổi vị trí giữa Thuỵ Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ so với 24 giờ qua.

Đến thời điểm này, hai nước có số ca tử vong đã vượt mốc trên 10.000 là Italy và Tây Ban Nha. Số ca tử vong tại Mỹ, Italy và Tây Ban Nha đều vượt xa Trung Quốc.

Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 80.588 ca mắc mới và 5.641 ca tử vong, trong đó Pháp tiếp tục là nước có số ca tử vong theo ngày lớn nhất thế giới với 1.120 người. 

1. MỸ

Theo số liệu cập nhật đến 5h45 sáng 4/4 theo giờ Việt Nam, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 275.493 người sau khi tăng thêm 30.616 người so với ngày trước đó.

Dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp nước Mỹ khi khoảng 40 bang đã yêu cầu người dân ở trong nhà và tránh ra ngoài nếu không cần thiết, trong đó có những bang chịu ảnh hưởng nặng nề như New York, New Jersey, Michigan, California và Louisiana. 

Tất cả các hình thức kinh doanh các mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu như rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng tập gym và các trung tâm thương mại đều đồng loạt đóng cửa, trong khi các nhà hàng và quán bar chỉ phục vụ yêu cầu giao hàng, khiến nền kinh tế bị tê liệt.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, cùng ngày, Thống đốc bang Louisiana John Bel Edwards thông báo lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà sẽ được kéo dài cho tới cuối tháng 4. 

Theo lệnh này, người dân được yêu cầu ở trong nhà ngoại trừ trường hợp thiết yếu, như đến cửa hàng tạp hóa và dược phẩm. Các nhà hàng vẫn sẽ được phép cung cấp dịch vụ giao hang

Theo phóng viên TTXVN tại New York, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 3/4 xác nhận tiểu bang New York của Mỹ đã có 2.935 ca tử vong vì virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và nhấn mạnh số người tử vong tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 ngày.

Ông Cuomo cho biết sẽ cho phép các bệnh viện khẩn cấp điều chuyển trang thiết bị y tế giữa các bệnh viện khác nhau để tập trung cho những nơi có nhu cầu cấp thiết nhất, kể cả máy thở và khẩu trang.

Trước đó, thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio kêu gọi chính quyền liên bang huy động các bác sĩ và nhân viên y tế trên khắp nước Mỹ tới hỗ trợ các vùng tâm dịch, mà New York là điểm đến đầu tiên.

Trong diễn biến liên quan, tỷ phú Bill Gates sẽ chi ra hàng tỷ USD nhằm nỗ lực đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin chống lại SARS-CoV-2. Trong một cuộc phỏng vấn của chương trình “The Daily Show”, tỷ phú Bill Gates nói rằng sẽ triển khai đồng thời 7 chương trình nghiên cứu vắc-xin khác nhau nhằm thúc đẩy nỗ lực này.

2. ITALY

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 3/4, nước này ghi nhận thêm 4.585 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 119.827 trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 tăng lên 14.681 trường hợp (tăng 766 ca). 

Số ca hồi phục tăng lên 19.758 ca (tăng 1.480 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.741 ca nhập viện, 4.068 ca phải điều trị tích cực và 52.579 ca cách ly tại nơi ở.

Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy Angelo Borrelli, tình trạng phong tỏa có thể sẽ kéo dài tới sau ngày 13/4, thời hạn kết thúc của Sắc lệnh được ký hôm 1/4, thậm chí người dân Iatly cũng sẽ phải ở nhà vào dịp lễ Quốc tế Lao động 1/5. Italy có thể bước vào giai đoạn 2 (sống chung với dịch bệnh) vào thời điểm giữa tháng 5. 

Tuy nhiên, ông Angelo Borrelli cũng cho biết, “thời điểm cụ thể sẽ phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ dựa trên số liệu và phân tích của các nhà khoa học về tình hình dịch bệnh trong những ngày tới”

Video 1: Cụ bà 101 tuổi đánh bại covid-19 trở thành biểu tượng hi vọng của Tây Ban Nha

3. TÂY BAN NHA

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h45 giờ sáng Việt Nam ngày 4/4, Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng số 119.199 ca mắc COVID-19 và 11.198 ca tử vong, tăng lần lượt 7.134 ca và 850 ca so với 24h trước đó.

Còn theo số liệu thống kê Chính phủ Tây Ban Nha công bố chiều 3/4 (theo giờ Hà Nội), nước này đã ghi nhận 932 trường hợp tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua. 

Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong thống kê theo ngày của quốc gia châu Âu này vượt mức 900 người, mặc dù số trường hợp mới mắc bệnh vẫn tiếp tục chiều hướng giảm.

Tây Ban Nha đang là quốc gia có số người tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Italy. 

Theo những số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế Tây Ban Nha, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi 10.935 sinh mạng ở nước này trong tổng số 117.710 người được xác định đã nhiễm bệnh COVID-19.

4.ĐỨC

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h 45 sáng 4/4 theo giờ Việt Nam, Đức có 91.159 ca mắc COVID-19 và 1.275 ca tử vong, tăng lần lượt 6.365 ca và 168 ca so với 24h trước đó. 

Bắt đầu từ ngày 2/4, người dân Đức sẽ phải nộp phạt lên tới 500 euro (540 USD) nếu đứng quá gần nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu trong giao tiếp xã hội. 

Đây là một phần trong chủ trương của giới chức xử lý nghiêm những người cố tình phớt lờ những quy định nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel  đã yêu cầu người dân ở trong nhà và chỉ ra ngoài nếu thật cần thiết như mua nhu yếu phẩm, tập thể dục hay khám bệnh. 

Việc tụ tập quá hai người trở lên đều bị cấm và mọi người phải luôn giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m với nhau. Các chính quyền địa phương có quyền phạt những người vi phạm và phiếu phạt có thể lên tới 500 euro. Những thông báo tương tự cũng đã được đưa ra trên khắp 16 bang của nước Đức.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, truyền thông Đức tối 3/4 (giờ Đức) đăng tải thông điệp bằng video của Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi tất cả công dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngay cả vào dịp Lễ Phục sinh.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Merkel nói rằng, đã có những dấu hiệu cho thấy hiệu quả từ các biện pháp hạn chế, sự lây lan virus SARS-CoV-2 đã chậm lại, nhưng bà chưa thể đưa ra thời hạn kết thúc đối với các hạn chế và cho rằng, điều này sẽ là vô trách nhiệm trong tình hình hiện tại. Bà nhấn mạnh “chắc chắn là quá sớm để nói về việc nới lỏng các quy tắc nghiêm ngặt”, virus đang tiếp tục lây lan “với tốc độ cao” ở Đức.

Theo số liệu của Viện Kiểm soát dịch bệnh Robert Koch (RKI) cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội đang phát huy hiệu quả khi tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 đã chậm hơn. RKI cũng cho rằng các quy định được áp đặt để kiểm soát dịch COVID-19 vẫn cần được duy trì và còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng.

Thủ tướng Merkel đã rời khỏi nhà sau hai tuần tự cách ly do tiếp xúc với một bác sĩ mắc COVID-19. Người phát ngôn Thủ tướng Steffen Seibert cho biết nhà lãnh đạo Đức đã quay lại văn phòng làm việc và sẽ điều hành đất nước qua các cuộc họp trực tuyến. 

Trong thời gian cách ly, Thủ tướng Merkel vẫn làm việc bình thường. Bà đã được xét nghiệm một vài lần và tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

5.TRUNG QUỐC

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h 45 giờ Việt Nam ngày 4/4, Trung Quốc có 81.620 ca mắc COVID-19 và 3.322 ca tử vong, tăng lần lượt 31 ca và 4 ca so với 24h trước đó.

Ngày 3/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đề nghị người dân cả nước tiếp tục các nỗ lực phòng bệnh trong các cộng đồng, nơi làm việc và hộ gia đình để đảm bảo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không tái bùng phát khi nước này đang đối mặt với nguy cơ gia tăng mạnh số ca nhiễm từ nước ngoài vào. 

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn NHC Mễ Phong cho biết: "Khi số ca nhiễm từ nước ngoài đang tăng, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nguy cơ từ các ca lây nhiễm thứ phát và thậm chí tái bùng phát dịch COVID-19 trong nước". 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khuyến cáo các nhà ngoại giao nước ngoài không đến Bắc Kinh sau khi nước này tạm cấm đa số công dân nước ngoài nhập cảnh nhằm tránh nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại tại đây. Theo bà Hoa Xuân Oánh, một số nhà ngoại giao người nước ngoài tại Trung Quốc đã mắc bệnh COVID-19.

Ngày 3/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã công bố một loạt quyết định nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này, đặc biệt hướng tới đối tượng là các ngân hàng vừa và nhỏ đang gặp khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo quyết định vừa công bố, Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ và vừa xuống còn 6%. 

Nước này hiện có khoảng 4.000 ngân hàng vừa và nhỏ và kế hoạch cắt giảm được thực hiện theo hai giai đoạn, từ 15/4 và từ 15/5.

6.PHÁP

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tính đến tối 3/4, Pháp xác nhận 6.507 ca tử vong liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 5.091 ca trong bệnh viện và 1.416 ca trong các trại dưỡng lão.

Số người nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 được xác nhận qua xét nghiệm là 64.338 bệnh nhân. Trong số 27.432 trường hợp đang nhập viện, 6.662 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt. Đến nay, 14.008 người đã khỏi bệnh và xuất viện.

Giới chức y tế nhấn mạnh rằng Pháp chưa chạm đến đỉnh dịch, tình hình còn quá phức tạp nên chưa thể tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại.

Trong khi đó, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng ngày, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer thông báo sẽ thay đổi hình thức kỳ thi lấy bằng Baccalauréat (thường gọi tắt là BAC) của học sinh phổ thông trung học để được xét tuyển vào các trường đại học.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Blanquer cho biết kỳ thi này sẽ được thay thế bằng các phương thức khác như các bài kiểm tra tiến độ học tập thường xuyên và Pháp sẽ tăng cường mở các lớp học để bù cho thời gian nghỉ do dịch.

Các trường học và đại học Pháp đã đóng cửa từ đầu tháng Ba. Bộ trưởng Blanquer cho biết việc cho học sinh trở lại trường vào đầu tháng Năm này mới chỉ là "giả định".

7. IRAN

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h45 sáng 4/4 (giờ Việt Nam) Iran đã ghi nhận tổng số 53.183 ca mắc COVID-19 và 3.294 ca tử vong, tăng lần lượt 2.715 ca và 134 ca so với 24h trước đó.

Iran là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 và đang nỗ lực kiềm chế dịch. Chính phủ nước này đã cấm mọi hoạt động đi lại giữa các thành phố ít nhất đến ngày 8/4, và liên tục kêu gọi người dân hãy ở nhà. Hiện chưa có lệnh phong tỏa chính thức bên trong các thành phố.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo dịch bệnh tại Iran có thể kéo dài và người dân phải sẵn sàng cho thêm một năm nữa chống chọi với COVID-19. 

Hiện tất cả các trường học ở Iran và 4 điểm hành hương quan trọng của người Hồi giáo dòng Shiite đều đã đóng cửa. Nước này cũng đã hủy buổi cầu nguyện thứ Sáu hằng tuần và quốc hội phải tạm thời ngừng hoạt động.     

8. ANH

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h45 sáng 4/4 (giờ Việt Nam), Anh đã ghi nhận tổng số 38.168 ca mắc COVID-19 và 3.605 ca tử vong, tăng lần lượt 4.450 ca và 684 ca so với 24h trước đó.

Ngày 3/4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo đỉnh dịch COVID-19 ở nước này có thể sẽ rơi vào ngày lễ Phục sinh 12/4 tới. 

Trước đó một ngày, hãng Reuters đưa tin tình huống xấu nhất mà Chính phủ Anh đưa ra là số trường hợp tử vong do COVID-19 có thể lên tới 50.000 người nếu người dân không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp tự cách ly. 

Và ngày tồi tệ có số người tử vong cao nhất sẽ là ngày 12/4 tới. 

Cùng ngày, một bệnh viện mới với gần 4.000 giường tại một trung tâm hội nghị ở phía Đông thủ đô London đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên được xây dựng ở Anh để điều trị các bệnh nhân COVID-19.

9. THỔ NHĨ KỲ

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h45 sáng 4/4, Thổ Nhĩ Kỳ có them 2.786  ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 69 ca tử vong so với 24h trước đó. Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tính đến nay là 20.921 ca trong đó 425 ca đã tử vong.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này đã áp đặt lệnh giới nghiêm đối với công dân dưới 20 tuổi kể từ đêm 3/4, như một phần trong những giải pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra quyết định bắt buộc sử dụng khẩu trang nơi công cộng và đóng cửa 31 thành phố trên toàn quốc đối với các phương tiện giao thông, ngoại trừ hoạt động vận chuyển các nguồn cung thiết yếu.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi người trên 65 tuổi và những người có tiền sử bệnh mãn tính ở nhà để tránh dịch bệnh. Trong vòng 24 giờ qua, quốc gia này đã tiến hành xét nghiệm thêm 16.160 trường hợp nhằm sàng lọc các nguy cơ lây nhiễm.

Chính quyền Ankara đã thông báo gói hỗ trợ trị giá 100 tỷ lira (15 tỷ USD) nhằm tiếp sức cho nền kinh tế cũng như triển khai chiến dịch quyên góp để huy động quỹ lên tới 847 triệu lira dành cho người nghèo và người dễ bị tổn thương trong xã hội.

10. THỤY SĨ

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h45 sáng 4/4 (giờ Việt Nam), Thuỵ Sỹ đã ghi nhận tổng số 19.606 ca mắc COVID-19 và 591 ca tử vong, tăng lần lượt 779 ca và 55 ca so với 24h trước đó.

Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định tăng gấp đôi gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp sau khi nhiều doanh nghiệp trong nước kiến nghị. Theo đó, gói cứu trợ hiện đã lên tới 40 tỷ franc Thụy Sĩ (40,94 tỷ USD). 

Ngoài 10 nước có số ca nhiễm virus cao nhất thế giới kể trên, tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia cũng đang diễn biến khá phức tạp.

HÀN QUỐC  

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h45 sáng 4/4 (giờ Việt Nam), Hàn Quốc đã ghi nhận tổng số 10.062 ca mắc COVID-19 và 174 ca tử vong, tăng lần lượt 86 ca và 5 ca so với 24h trước đó.

Ngày 3/4, Chính phủ Hàn Quốc công bố tiêu chí xác định hộ gia đình được hưởng hỗ trợ khẩn cấp nhằm giảm thiểu khó khăn sinh hoạt do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Dự kiến tổng ngân sách mà Hàn Quốc cần huy động để triển khai việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân đợt này là 9.100 tỷ won, trong đó chính phủ "gánh vác" 7.100 tỷ won bằng việc tái cơ cấu chi tiêu ngân sách hiện hành, chính quyền các tỉnh, thành phố đóng góp 2.000 tỷ won (1,64 tỷ USD).

Ngày 3/4, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết đã thực thi lệnh hành chính, theo đó lần đầu tiên hạn chế hoạt động đối với tất cả người nước ngoài do lo ngại sự lây lan đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Lệnh hạn chế bắt đầu áp dụng cho tất cả những người nước ngoài đã đến Hàn Quốc kể từ hôm 1/4 trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực hạn chế các ca bệnh COVID-19 nhập cảnh nước này. Đây là lần đầu tiên một lệnh giới hạn như thế được thực thi tại Hàn Quốc. Những người vi phạm có thể phải đối mặt với án tù tối đa 3 năm hoặc phạt tiền lên tới 20 triệu won (16.261 USD).

NHẬT BẢN

Tại Nhật Bản, Cơ quan Xuất Nhập Cảnh nước này cùng ngày 3/4 thông báo sẽ kéo dài hạn chót thêm 3 tháng để người nước ngoài gia hạn thời gian lưu trú tại nước này nhằm giảm tính trạng tắc nghẽn tại các quầy xuất nhập cảnh. Biện pháp này áp dụng đối với những người hết thời gian lưu trú tại Nhật Bản trong khoảng thời gian từ tháng 3-6 tới.

Hiện số người nước ngoài, trong đó có nhiều người lưu trú ngắn hạn, tập trung rất đông tại các quầy xuất nhập cảnh để xin gia hạn thời gian lưu trú tại Nhật Bản. Một số người không thể về nước do các chính phủ trên thế giới siết chặt việc kiểm soát biên giới. 

Trước đó, cơ quan trên đã gia hạn thêm 1 tháng cho những người nước ngoài hết thời gian lưu trú trong tháng 3 và 4/2020. Những người nước ngoài không thể về nước trong 90 ngày sau khi thị thực của họ hết hạn sẽ bị xem là lưu trú bất hợp pháp.

MALAYSIA

Trong khi đó, trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 217 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên thành 3.333 người, cao nhất tại Đông Nam Á.

Bộ Y tế Malaysia cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 3/4, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 53 người.

THÁI LAN

Tại Thái Lan, ngày 3/4, Công ty Đường sắt quốc gia (SRT) đã tạm ngừng vận hành 31 tuyến tàu đường dài và rút ngắn thời gian phục vụ của mọi chuyến tàu điện ở thủ đô Bangkok. Quyết định được đưa ra sau khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ban hành sắc lệnh khẩn cấp và lệnh giới nghiêm toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. 

Chính phủ Thái Lan đang xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế thứ ba, theo đó có khả năng sẽ bơm thêm 500 tỷ THB (15,15 tỷ USD) vào nền kinh tế nước này. Gói biện pháp cứu trợ kinh tế mới của Thái Lan nhằm giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ có trị giá tương đương khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Theo ông Somkid, gói cứu trợ này sẽ dành cho tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế Thái Lan trong ít nhất sáu tháng tới và có giá trị gần 10% GDP nước này, tương tự như gói cứu trợ mà nhiều quốc gia khác đưa ra nhằm giảm bớt những tổn thất kinh tế do dịch COVID-19.

Video 2: Tổng thống Nga quyết định ngày không làm việc đến 30/4

NGA 

Theo worldometers.info, tính đến 5h45 sáng 4/4 (giờ Việt Nam), Nga đã ghi nhận tổng cộng 4.149 bệnh nhân COVID-19, tăng thêm 601 người. 

Trong một ngày qua, Nga cũng có 46 người khỏi bệnh, đưa tổng số người được chữa khỏi lên thành 281 người. Đa số tất cả các trường hợp nhiễm mới đều ở Moskva (448 người), nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở thủ đô Nga lên 2.923 người.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cảnh báo dịch bệnh ở nước này có thể theo chiều hướng xấu nhất và thời điểm dịch lên đến đỉnh điểm vẫn ở phía trước.

Trong tuyên bố ngày 3/4, Thủ tướng Mishustin khẳng định dịch COVID-19 tại Nga vẫn chưa qua giai đoạn đỉnh điểm. Vì thế, giới chức không thể loại trừ kịch bản dịch bệnh diễn biến tồi tệ nhất.

Cũng trong ngày 3/4, nước Cộng hoà Chechnya trực thuộc đã trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên của LB Nga ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm. 

Theo đó, mọi hoạt động đi lại tại đây sẽ bị cấm từ 20h hôm trước đến 8h sáng hôm sau. Chính quyền Chechnya cũng thông báo lệnh phong tỏa từ ngày 5/4, đình chỉ mọi hoạt động giao thông vận tải đường sắt, đường bộ và đường hàng không với toàn bộ phần lãnh thổ còn lại của nước Nga./.

   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục