Dịch COVID-19: Interpol cảnh báo "làn sóng" dược phẩm giả trên toàn cầu

22:15' - 11/05/2020
BNEWS Tổng Thư ký Tổ chức Interpol ngày 11/5 cảnh báo các tổ chức tội phạm có thể lợi dụng việc phát triển thuốc điều trị virus SARS-CoV-2 để tạo ra một "làn sóng" dược phẩm giả quy mô toàn cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Tổng Thư ký Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Jürgen Stock ngày 11/5 cảnh báo các tổ chức tội phạm có thể lợi dụng việc phát triển thuốc điều trị virus SARS-CoV-2 để tạo ra một "làn sóng" dược phẩm giả trên quy mô toàn cầu.

  Phát biểu với hãng tin Đức DPA, ông Stock cho rằng việc buôn bán bất hợp pháp dược phẩm giả sẽ tăng lên khi một loại thuốc cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị hoặc làm giảm tình trạng bệnh.

Điều này cũng tương tự như đối với các vật tư y tế giả, trong đó có khẩu trang hoặc chất khử trùng. Tổng Thư ký Interpol cảnh báo nguy cơ tiếp tục có làn sóng lớn trên quy mô toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất vaccine.

Theo ông Stock, tội phạm nhanh chóng thích nghi với diễn biến của dịch COVID-19, trong đó chúng lợi dụng sự lo lắng, sợ hãi và khó khăn của mọi người để lần ra các hoạt động tội phạm, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Các tổ chức tội phạm có tổ chức ở châu Á hiện đang cố gắng thâm nhập thị trường này. Chúng tự hạ thấp giá cả, không tuân thủ các quy định liên quan và tìm mọi cách để thâm nhập vào nền kinh tế hợp pháp. Theo Interpol, nguy cơ này cũng có thể trở thành vấn đề lớn đối với các khu vực khác trên thế giới.

Liên quan tiến trình phát triển vaccine ở Đức, Bộ trưởng Nghiên cứu liên bang Đức Anja Karliczek cùng ngày nhấn mạnh vaccine chống virus SARS-CoV-2 chỉ có thể được hoàn thiện vào giữa năm 2021.

Bà Karliczek cũng cho biết Chính phủ liên bang đã thông qua chương trình đặc biệt để phát triển và sản xuất vaccine với tổng đầu tư lên tới 750 triệu euro. Chương trình này dựa trên hai trụ cột chính là mở rộng năng lực nghiên cứu để phát triển một loại vaccine hiệu quả và đảm bảo cho việc sản xuất ở Đức.

Trong khi đó, theo các chuyên gia ở thành phố Marburg thuộc Đức, việc phát triển vaccine cần một khoảng thời gian nhất định do phải tuân theo từng giai đoạn và không thể rút ngắn một cách tùy tiện.

Hiện Công ty Biontech đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine và đây là công ty đầu tiên của Đức được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng với vaccine tiềm năng này.

Theo chuyên gia Hertmut Hengel thuộc Bệnh viện Đại học Freiburg, việc phát triển vaccine khó khăn hơn nhiều so với bào chế thuốc men bởi vaccine có thể dẫn đến những phản ứng miễn dịch nghiêm trọng và phải đảm bảo có càng ít tác dụng phụ càng tốt. Ông cho rằng việc hoàn thiện một vaccine chỉ có thể thực hiện được sau năm 2022./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục