Dịch COVID-19: Nhiều nước châu Âu có gói hỗ trợ kinh tế

12:21' - 25/03/2020
BNEWS Slovenia, Séc, Ireland đã thông báo các gói hỗ trợ kinh tế trước tác động bất lợi của dịch COVID-19.

Chính phủ Slovenia ngày 24/3 thông báo một gói biện pháp kích thích kinh tế trị giá khoảng 2 tỷ euro để giảm thiểu các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các biện pháp trên bao gồm bảo lãnh vay dành cho doanh nghiệp, mua lại tài sản và nợ của doanh nghiệp, đồng tài trợ cho các đóng góp xã hội, hỗ trợ thu nhập cơ bản tạm thời cho các cơ sở tự doanh và trợ cấp cho người về hưu.

Thủ tướng Janez Jansa cho biết các biện pháp trên nhằm bảo vệ việc làm và duy trì xã hội vận hành bình thường trong thời kỳ khủng hoảng.

Thủ tướng Jansa cũng thông báo các doanh nghiệp tư nhân sẽ được miễn các khoản đóng góp và nhân viên sẽ nhận thu nhập cơ bản hằng tháng tương đương 70% lương tối thiểu.

Để được hưởng các trợ cấp này, họ chỉ cần trình các số liệu cho thấy doanh nghiệp của mình đang bị ảnh hưởng của khủng hoảng.

Các biện pháp trên sẽ được thực thi cho đến ngày 31/5, và có thể được gia hạn nếu cần.

Cùng ngày, Slovenia đã phát hành 850 triệu euro trái phiếu 3 năm và tăng 250 triệu euro lượng phát hành trái phiếu 10 hiện nay, đáo hạn ngày 14/3/2029.

Slovenia đã ghi nhận 38 ca nhiễm mới trong ngày 24/3, nâng tổng số ca nhiễm lên 480 ca, trong đó có 4 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, cùng ngày, Chính phủ Slovenia cho biết sẽ lập các trạm kiểm tra y tế tại khu vực biên giới giáp với Áo, một biện pháp cũng đang được áp dụng tại khu vực biên giới với Italy trong nỗ lực khống chế sự lây lan nhanh của dịch COVID-19.

Trước đó, Chính phủ Slovenia đã đóng cửa tất cả trường học, quán bar, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thể thao và tạm dừng hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng.

Ngoài ra, Slovenia cũng áp đặt lệnh cấm đối với mọi hoạt động, tụ tập ngoài trời tại những nơi công cộng. 

* Cùng ngày, Quốc hội CH Séc đã phê chuẩn gói hỗ trợ khẩn cấp trong đợt dịch, đồng thời thông qua đề xuất của Bộ Tài chính nâng mức thâm hụt dự kiến năm nay lên 200 tỷ crown.

Gói hỗ trợ trên bao gồm giảm thuế tạm thời cho các doanh nghiệp tự chủ, cho phép nghỉ 6 tháng vẫn được trả lương trong hệ thống y tế và xã hội quốc gia. Các biện pháp này sẽ được trình Thượng viện trước khi gửi lên Tổng thống ký ban hành.

Tuần trước, Thủ tướng Andrej Babis đã cam kết cung cấp 100 tỷ crown hỗ trợ trực tiếp và 900 tỷ crown cho vay đảm bảo dành cho các doanh nghiệp.

Chính phủ cũng khởi động một "kurzarbeit" tức là một hệ thống giờ làm ngắn, trong đó nhà nước hỗ trợ chi trả tiền lương cho nhân viên tại các doanh nghiệp buộc phải nghỉ làm hoặc hạn chế sản xuất nhằm tránh cắt giảm lao động.

Trong một diễn biến khác, quân đội Séc đã quyết định rút 30 binh sĩ của mình trong các phái bộ tại Iraq về nước do lo ngại an ninh và sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng cho biết các binh sĩ trên thuộc phái Bộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Iraq và thuộc lực lượng huấn luyện hóa học và cảnh sát quân sự.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, trong bài phát biểu tối 23/4, Thủ tướng Babis ca ngợi người dân đã thể hiện tình đoàn kết trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 mà ông gọi là cuộc khủng hoảng “không một quốc gia nào ở châu Âu được chuẩn bị”. 

Đặc biệt, Thủ tướng Babis biểu dương nỗ lực không mệt mỏi của những người ở tuyến đầu, nhất là các lực lượng y tế, cảnh sát, cứu hỏa và binh sỹ.

Ông cũng ca ngợi tấm lòng và sự giúp đỡ của những người tình nguyện, nhất là thông qua việc may khẩu trang tại nhà để bù đắp cho tình trạng thiếu khẩu trang.

Trong khi đó, Ireland cũng thông báo khoản hỗ trợ tài chính chưa từng thấy, trị giá 3,7 tỷ euro trong 12 tuần. Bên cạnh đó, Thủ tướng Leo Varadkar ra lệnh tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ phải đóng cửa từ đêm 24/3.

Thủ tướng Varadkar cho biết quyết định trên không áp dụng với các nhà máy hoặc công trình xây dựng, nhưng chính quyền sẽ giúp thực hiện "dãn cách xã hội" khi có thể.

Trước đó, đầu tháng, trường học các cấp, các cơ sở chăm sóc trẻ em và câu lạc bộ trên toàn quốc đã phải ngừng hoạt động và sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 19/4. 

Đến nay, nước này đã ghi nhận 1.329 ca nhiễm và 7 ca tử vong trên cả nước. Thủ tướng Varadkar dự báo con số này có thể tăng lên 15.000 ca nhiễm vào cuối tháng này và cuộc khủng hoảng có thể kéo dài đến những tháng Hè.

Tại Hà Lan, giới chức ngành giáo dục ngày 24/3 thông báo sẽ bỏ các bài kiểm tra quan trọng cuối năm nay cho các học sinh sắp tốt nghiệp.

Trước đó, các trường học ở nước này đã phải đóng cửa từ ngày 16/3. Bộ Giáo dục cho biết việc đỗ hay trượt giờ sẽ chỉ được quyết định dựa trên điểm mà học sinh đã nhận được trong năm học.

Trong diễn biến khác, Chính phủ Nga đã yêu cầu các vùng đóng cửa rạp chiếu phim, hộp đêm nhằm giảm sự lây lan của dịch.

Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan chức năng chuẩn bị danh sách các công dân Nga tại nước ngoài sẵn sàng hồi hương do dịch.

Chính phủ Phần Lan cùng ngày đã thúc đẩy dự luật đóng cửa mọi nhà hàng, quán cafe, quán bar cho đến hết tháng 5, đồng thời cân nhắc khả năng phong tỏa vùng thủ đô Helsinki nhằm kiềm chế sự lây lan của virus.

Quốc hội Phần Lan tối 24/3 đã bắt đầu họp để thảo luận dự luật trên. Thủ đô Helsinki hiện là tâm dịch ở Phần Lan với 792 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 1 ca tử vong./.

       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục