Dịch COVID-19: Nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực

15:52' - 04/04/2020
BNEWS Chính phủ Nga mới đây đã thông qua đề xuất của Bộ Nông nghiệp nước này trong việc giới hạn lượng ngũ cốc xuất khẩu xuống 7 triệu tấn từ tháng Tư đến hết tháng Sáu.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hoặc đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và nông sản do sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hãng tin RIA mới đây dẫn lời Ủy ban Eurasian, kết hợp khu vực hải quan của Nga và Kazakhstan, cho biết đã quyết định hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng lương thực như hạt hướng dương, kiều mạch, gạo và lúa mạch đen cho đến ngày 30/6 do dịch COVID-19.

Liên minh hải quan này, còn bao gồm Belarus, Armenia và Kyrgyzstan, cũng sẽ không cung cấp đậu tương và nhiều loại rau củ như tỏi ra ngoài khối này đến ngày 30/6. Theo hãng tin Interfax, quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 12/4.

Chính phủ Nga mới đây đã thông qua đề xuất của Bộ Nông nghiệp nước này trong việc giới hạn lượng ngũ cốc xuất khẩu xuống 7 triệu tấn từ tháng Tư đến hết tháng Sáu. Bộ này cũng cho biết sẽ bán đến 1,5 triệu tấn ngũ cốc trong tổng số 1,8 triệu tấn dự trữ để góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ukraine cũng đã cấm xuất khẩu kiều mạch đến ngày 1/7 để bảo vệ thị trường trong nước trước nhu cầu tăng cao. Các công ty thương mại ngũ cốc lớn nhất Ukraine đầu tuần này đã nhất trí với một đề xuất của Bộ Kinh tế nước này trong việc giới hạn lượng lúa mỳ xuất khẩu còn 20,2 triệu tấn trong vụ mùa 2019-2020 để tránh làm tăng giá bánh mỳ trong nước.

Tương tự, Kazakhstan chỉ cho phép xuất khẩu 200.000 tấn lúa mỳ và 70.000 tấn bột mỳ trong tháng này. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, Kazakhstan sẽ áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng khác như kiều mạch, đường và một số loại rau củ nhất định như khoai tây và tỏi, thay vì cấm xuất khẩu như thông báo trước đó.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới đây cho hay sẽ cấm xuất khẩu một số mặt hàng gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tại Ấn Độ, các công ty thương mại gạo đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới, do thiếu nhân lực và những gián đoạn trong hoạt động hậu cần (logistics) vốn đang cản trở việc giao hàng cho những hợp đồng hiện tại. Ai Cập cũng sẽ ngừng xuất khẩu các loại đậu trong ba tháng để bảo toàn nguồn cung trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục