Dịch COVID-19: NHNN chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng

20:18' - 12/03/2020
BNEWS Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô nên Ngân hàng Nhà nước chưa đề cập đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và nỗ lực bảo đảm duy trì hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Tại cuộc họp chiều ngày 12/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, đến thời điểm này, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô nên Ngân hàng Nhà nước chưa đề cập đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và nỗ lực bảo đảm duy trì hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

* Sớm điều chỉnh lãi suất điều hành 

Phó Thống đốc cho biết, bên cạnh những giải pháp được đưa ra gần đây để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và sớm đưa ra quyết định về giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sớm có điều chỉnh lãi suất điều hành, áp dụng với ngân hàng thương mại, cụ thể là lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, OMO…

“Về thời điểm giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc, song mức giảm lãi suất lần này sẽ tương đối tích cực”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5- 1,5% để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

* Miễn giảm lãi vay cho hơn 34.000 khách hàng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ là 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay đối với 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các tổ chức tín dụng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho vay mới 5.493 khách hàng với tổng số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.

“Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tác động rất lớn tới tình hình trong nước như: hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, nông, lâm nghiệp, thủy sản, điện tử, gia dày, dệt may, thương mại nội địa, lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp FDI… Việc tạm hoãn các dự án đầu tư mới đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng và đồng nghĩa tác động tới tăng trưởng tín dụng ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, do tác động của dịch bệnh khiến mức tăng trưởng tín dụng rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến ngày 4/3, tốc độ tăng trưởng dư nợ chỉ đạt 0,1% so với cùng kỳ năm 2019 (0,85%). Qua báo cáo sơ bộ của 23 tổ chức tín dụng, có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều văn bản xin tháo gỡ khó khăn của các Hiệp hội trong lĩnh vực vận tải, da giày, sắn, cà phê, cơ sở giáo dục ngoài công lập… Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19; trong đó, tạm thời cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ trước khi ban hành Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 13/3 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến và tác động của dịch bệnh để có giải pháp triển khai trong thực tiễn, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; hỗ trợ khách hàng vay vốn nhằm tháo gỡ khó khăn và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh COVID-19./.

>>> Thủ tướng: Doanh nghiệp cần có kịch bản hoạt động liên tục, không bị gián đoạn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục