Thủ tướng: Doanh nghiệp cần có kịch bản hoạt động liên tục, không bị gián đoạn

15:54' - 12/03/2020
BNEWS Sáng 12/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không, lương thực, thực phẩm, công nghiệp….
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Cuộc họp nhằm huy động nguồn lực của thành phần kinh tế tư nhân tham gia hiến kế sáng tạo, chủ động đóng góp cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu.

* “Pháo đài” phòng, chống dịch

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch. Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, do đó lúc này các doanh nghiệp, tập đoàn là các “pháo đài” cùng cán bộ, công nhân lao động trong phòng, chống dịch.

Bày tỏ vui mừng khi trong khó khăn, một số tập đoàn có sự chuyển hướng, bước đi phù hợp, vẫn phát triển tốt, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia có hiệu quả vào việc bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực cho nhân dân, không để thiếu hàng, tăng giá; cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, cứu chữa bệnh nhân COVID-19, không để có người tử vong.

Cho biết, một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng phục hồi sản xuất rất nhanh, Thủ tướng đề nghị các Tập đoàn, doanh nghiệp cần "biến nguy cơ thành thời cơ” với tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.

* Thúc đẩy đầu tư công

Đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp có mặt tại buổi làm việc đều bày tỏ tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước; tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép kiểm soát dịch bệnh, đồng thời bảo đảm sự phát triển kinh tế.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet phát biểu. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho biết, trong thời gian qua, Hãng hàng không này đã phục vụ không ít chuyến bay,  đoàn khách miễn phí. Thậm chí là khởi động Ủy ban khẩn cấp phòng, chống dịch vào ngày 21/1/2020, góp phần vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Bà Phương đề xuất Chính phủ triển khai một số giải pháp hỗ trợ lĩnh vực hàng không - lĩnh vực thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó có việc miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay; miễn giảm từ 50% tới 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng.

Cùng với đó là thúc đẩy thu hút đầu tư hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không... , thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế tùy theo ngành nghề đầu tư.

Một số ý kiến của doanh nghiệp đề nghị các địa phương cũng cần tăng cường tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến về phòng, chống dịch; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.  Các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đề xuất sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước.

* Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản trị

Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các Tập đoàn, tổng công ty, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những khó khăn trở ngại mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt; đồng thời, đánh giá cao sự kiên cường, vượt khó vươn lên của các doanh nghiệp trong cả nước, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam, khắc phục khó khăn để tìm lối đi, cách làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp để hình thành những chính sách tốt hơn, phù hợp hơn, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chính là những "pháo đài phòng, chống dịch", "chống suy thoái xã hội", đặc biệt là giải quyết việc làm, đảm bảo kinh tế vĩ mô. Thủ tướng tán thành với các biện pháp của doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này, nhất là tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, hiệu quả hơn, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ trong phát triển, tăng cường hợp tác liên kết chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi nhuận.

Thủ tướng cho rằng, trong thời điểm này, Chính phủ cũng phải cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.

"Chính phủ cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện cho sự phát triển và có kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng gợi ý các doanh nghiệp cần tận dụng, đón bắt thời cơ của EVFTA, đồng thời chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân với nhu cầu lớn về nhu yếu phẩm chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là một yêu cầu rất lớn của Chính phủ đối với các doanh nghiệp.

Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương cần có những biện pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn giảm thuế, phí lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động nặng nề do COVID-19.

"Sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng", Thủ tướng nói và chỉ đạo xây dựng một chương trình toàn diện phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc; trong đó chú ý đến những ngành nghề thiệt hại nặng. Việc kích cầu có thể thông qua đầu tư và tiêu dùng, chính sách tiền tệ, tài khóa theo tinh thần "dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba".

Bày tỏ vui mừng vì các doanh nghiệp đều có chương trình hành động trong lúc khó khăn này, Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản để đảm bảo hoạt động doanh nghiệp liên tục không bị gián đoạn vì bất cứ tình huống nào. Đi đôi với đó là nâng cấp hoạt động quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bên cạnh việc phòng dịch đảm bảo chặt chẽ, cần linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam về thủ tục và những biện pháp cách ly phù hợp.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC phát biểu. Ảnh:Thống Nhất- TTXVN

Nhấn mạnh sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, Chính phủ sẽ có những biện pháp điều hành chính sách sát, hơn tốt hơn với thực tế để các mục tiêu kép được thực hiện thành công; xây dựng một số cơ chế phù hợp để hỗ trợ các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng do COVID-19, nhất là hàng không, du lịch, dịch vụ.

Nhân đây, Thủ tướng yêu cầu không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành mà tất cả các địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong cả nước cũng phải có những biện pháp tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp.

Nhắc đến câu nói: "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu", Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp phải có những biện pháp khẩn trương, phù hợp để vượt khó vươn lên kết hợp với điều kiện kinh doanh thuận lợi mà Chính phủ tạo ra để tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục