Dịch COVID-19 sáng 1/4: Số ca tử vong tại Mỹ đã vượt Trung Quốc

06:14' - 01/04/2020
BNEWS Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với 185.270 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó số ca tử vong ở quốc gia này là 3.780 ca, vượt qua cả Trung Quốc.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 1/4, toàn thế giới có 199 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với 185.270 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó số ca tử vong ở quốc gia này là 3.780 ca, vượt qua cả Trung Quốc. Đứng thứ hai là Italy với số ca nhiễm là 105.792. Italy cũng là nước có số ca tử vong lớn nhất thế giới với 12.428 ca, lớn hơn 3,7 lần Trung Quốc, gần 3,3 lần Mỹ và gần 1,5 lần Tây Ban Nha

Đặc biệt, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ và Pháp đến thời điểm này đã vượt qua Trung Quốc. 

Theo thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/4 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 854.307 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 42.016 ca tử vong. Đáng chú ý, gần 3/4 số ca tử vong là ở châu Âu. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 176.906 người. Hiện thế giới có 635.385 bệnh nhân đang được điều trị; trong đó có 32.280 ca nguy kịch, chiếm 5%.

Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 69.569 ca mắc mới và 4.243  ca tử vong. 

*Diễn biến dịch COVID-19  tại Việt Nam đến sáng 1/4

Tính đến 6 giờ sáng nay (1/4), Việt Nam ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam lên 212 người. Trong 5 ca mắc mới, có 1 ca là nhân viên Công ty Trường Sinh, 1 ca bị nhiễm bệnh trong cộng đồng và 3 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 212 ca. 58 ca đã khỏi bệnh/xuất viện. 154 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế. Đa số trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Trong số này, dự kiến ngày hôm nay- ngày 01/4 sẽ có 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận được công bố khỏi bệnh, chuyển cơ sở khác theo dõi sức khoẻ, cách ly theo quy định (BN 61 và BN 67).

Hai nguồn ổ dịch lớn nhất được xác định là từ Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha. Cụ thể, đến nay đã có ít nhất 24 người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là nhân viên của công ty Trường Sinh, trong tổng số 34 người nhiễm bệnh được bộ Y tế công bố có liên quan đến ổ dịch bệnh viện Bạch Mai.

Tương tự với bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, quán bar Buddha ở Tp.Hồ Chí Minh cũng là ổ dịch được xác định tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan tại Việt Nam. Đến nay đã có ít nhất 15 người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam có liên quan đến quán bar Buddha.

Hiện tổng số ca bình phục là 58, trong đó:

- 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

-  42 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 31/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN22, BN23, BN24, BN27, BN29, BN22, BN33, BN35, BN39, BN46, BN47, BN49, BN51, BN53, BN54, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN62, BN64,  BN66, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187

* Hôm nay 1/4 là ngày chính thức thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Cách ly xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thông báo các hãng hàng không dừng vận chuyển khách đến Việt Nam kể từ 0 giờ ngày 1/4 đến hết ngày 15/4.  Theo đó, từ 0h ngày 1.4 đến hết ngày 15.4, tất cả cáchãng hàng không trong và ngoài nước phải tạm dừng vận chuyển hành khách đến Việt Nam.

Việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam không áp dụng với khách nhập cảnh có mục đích ngoại giao, công vụ, khách nước ngoài tham dự hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và các trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Covid-19.

*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Theo thống kê của trang worldometer.info cập nhật đến 6 giờ sáng ngày  1/4 theo giờ Việt Nam, trong 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới, Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách với hơn 184.487 ca. Tiếp theo là Italy với 105.792 ca. Bám sát Italy là Tây Ban Nha với 95.923 ca. Trung Quốc tiếp tục đứng ở vị trí thứ tư với 81.518 ca.

Kế tiếp là Đức, Pháp, Iran, Anh, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy trong 24 giờ qua, thứ tự các nước trong danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 lớn nhất thế giới đã có sự thay đổi khi Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua Bỉ trở thành nước đứng ở vị trí thứ mười.

Hai nước ở Đông Bắc Á là Hàn Quốc đã tụt tiếp 1 bậc, đứng ở vị trí thứ 14 và Nhật Bản tụt 2 bậc đứng ở vị trí 33 trong số 199 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19. 

1. MỸ: 

Theo trang worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng 1.4 giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận 185.270 ca mắc COVID-19 và 3.780 ca tử vong. Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại Mỹ đã tăng kỷ lục với 21.482 ca và số ca tử vong cũng tang 639 ca. Với số ca tử vong trong 24 giờ qua tại Mỹ tăng cao như vậy, Mỹ đã vượt lên Trung Quốc cả về số ca mắc và số ca tử vong. 

Giới chức y tế đã hối thúc người dân Mỹ tuân thủ các chỉ thị ở trong nhà và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng virus này.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 31/3 thông báo, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại New York đã tăng thêm 9.000 ca so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm tại bang này lên thành 75.795 người. Trong đó, số ca tử vong do COVID-19 tại bang này đã tăng 27% lên thành 1.550 người.

Khi số ca tử vong ở Mỹ vượt 3.000 người, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ đã tiến hành xét nghiệm cho 1 triệu người dân trên cả nước, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, "đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2". 

Các bang Maryland, Virginia và thủ đô Washington, cùng bang Arizona đã ban hành lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà ngoại trừ trường hợp thiết yếu. 

Trước đó, một số bang như California hay Michigan cũng ban hành lệnh trên nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cũng trong ngày 31/3, tàu bệnh viện quân sự USNS Comfort với 1.000 giường bệnh đã cập cảng Manhattan, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thành phố New York nói riêng và bang cùng tên nói chung đang gồng mình chống chọi với COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 31/3, các quan chức Mỹ cho biết đang thảo luận về khả năng đưa ra khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở những khu vực công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tuy nhiên cũng cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để thực hiện bước đi này.

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, việc đeo khẩu trang rộng rãi không chỉ ở môi trường chăm sóc sức khỏe đã mang lại một số thành công cho một số nước. Chính vì vậy, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng như nhóm chuyên trách của Nhà Trắng đang xem xét và thảo luận khả năng này.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Fauci cho rằng việc đưa ra khuyến cáo người dân đeo khẩu trang phải đảm bảo rằng không làm mất đi nguồn cung cấp khẩu trang y tế cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe bởi hiện nay họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị y tế trong khi điều trị cho bệnh nhân, như khẩu trang N95 và khẩu trang sử dụng trong phẫu thuật.

Ngày 31/3, Tổng thống Donald Trump cảnh báo người dân Mỹ sẽ phải đối mặt với hai tuần khó khăn sắp tới trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm hướng dẫn về giãn cách xã hội của liên bang cho tới hết tháng 4.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Điều cực kỳ quan trọng đối với người dân Mỹ là tuân theo các hướng dẫn trong 30 ngày tới. Đó là vấn đề của sự sống và cái chết".

Cũng trong cuộc họp báo, các cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Trump dẫn các mô hình cho thấy khoảng 100.000-240.000 người Mỹ sẽ tử vong vì dịch COVID-19 nếu nước này duy trì giãn cách xã hội. Nếu không thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, có thể khoảng từ 1,5 triệu đến 2,2 triệu người Mỹ sẽ tử vong

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan trên toàn nước Mỹ với số người nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như số ca tử vong ngày càng tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước đã phê chuẩn gói kích thích kinh tế có trị giá 2.000 tỷ USD sau khi văn kiện này được Thượng viện cũng như Hạ viện Mỹ thông qua. 

Đây là gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ nhằm hỗ trợ người dân Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với sự gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. 

2. ITALY

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 31/3, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho rằng dựa trên đường cong dịch bệnh, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy đã lên đến đỉnh điểm.

Phát biểu trước báo giới, ông Brusaferro khẳng định đó không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng, bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.

Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, nước này ghi nhận thêm 4.053 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 105.792 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 12.428 trường hợp (tăng 837 ca). Số bệnh nhân điều trị thành công là 15.729 trường hợp (tăng 1.109 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.192 ca nhập viện với các triệu chứng, 4.023 ca phải điều trị tích cực và 45.420 trường hợp phải cách ly tại nhà.

Tại vùng tâm dịch Lombardy, tổng số ca mắc COVID-19 là 43.208 trường hợp (tăng 1.047 ca), trong đó, số ca tử vong là 7.199 trường hợp (tăng 381 trường hợp). Ngoài ra, lần đầu tiên vùng Lombardy ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm trong 24h, với 1.330 ca (giảm 6 trường hợp).

Công ty công nghệ sinh học Takis đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm 5 loại vaccine chống SARS-CoV-2. Theo Giám đốc điều hành của Takis, Luigi Aurisicchio, các cuộc thử nghiệm ban đầu sẽ cho kết quả vào giữa tháng 5 và việc tiến hành thử nghiệm trên người có thể được bắt đầu vào mùa Thu năm nay.

 Các loại vaccine của Takis được nghiên cứu dựa trên sự khác nhau giữa các vùng của protein Spike, vũ khí chính mà virus tấn công các tế bào phổi của con người.

Italy cũng sẽ gia hạn lệnh phong tỏa ít nhất đến ngày 12/4 tới nhằm giúp kiềm chế sự lây nhiễm của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

3. TÂY BAN NHA

Theo cập nhật của worldometer.info, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 7.967 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc lên 95.923 trường hợp.

Trước đó một ngày, Tây Ban Nha đã ghi nhận số ca tử vong mới trong ngày giảm nhẹ, làm dấy lên hy vọng nước này đang tiến tới đỉnh dịch. 

Theo chuyên gia y tế Maria Jose Siera, tỷ lệ nhiễm mới hiện vào khoảng 12%/ngày, so với khoảng 20% được ghi nhận trước ngày 25/3 vừa qua.

4. TRUNG QUỐC

Số liệu từ worldometer cho thấy, đến 6 giờ sáng ngày 1/4 (giờ Việt Nam), Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 81.518 ca mắc COVID-19 và 3.305 ca tử vong. 

Bên ngoài Trung Quốc đại lục, chính quyền Hong Kong cho biết các bệnh viện công tại đây đang thiếu phòng cách ly áp lực âm nên 41 bệnh nhân được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được nhập viện. 

Giới chức y tế Hong Kong cho biết hiện tỷ lệ sử dụng giường bệnh cách ly tại các bệnh viện công là 62%, tỷ lệ sử dụng phòng bệnh cách ly cũng lên đến 77%.  Đến nay, tổng số các ca nhiễm bệnh ở Hong Kong là 682 người, bao gồm 4 ca tử vong.

5. ĐỨC

Theo số liệu của worldometer.info cập nhật đến 6 giờ sáng ngày 1/4, Đức ghi nhận 71.808 ca nhiễm và 775 ca tử vong. Như vậy, trong 24 giờ qua, Đức có thêm 4.923 ca mắc COVID-19 và 130 ca tử vong.

Ngày 31/3, Chủ tịch Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức – Lothar Wieler cho biết, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ tiếp tục kéo dài trong vài tuần, vài tháng tới. Do đó, chiến lược chống bệnh dịch của nước này vẫn được duy trì, trong đó tập trung ngăn chặn sự lây lan vẫn là ưu tiên hàng đầu, bảo vệ những người đặc biệt dễ bị tổn thương và tăng cường năng lực.

Người đứng đầu RKI một lần nữa lên tiếng kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng ngừa. Về cơ bản, ông Wieler lạc quan về hiệu quả của các biện pháp mà Đức đang thực hiện. Tỷ lệ tử vong ở Đức đang ở mức thấp 0,8%, tuy nhiên, ông Wieler cũng dự đoán về một tỷ lệ lớn hơn. 

RKI có thông tin đánh giá lâm sàng trên khoảng 41.000 bệnh nhân, trong đó, đánh giá đã chỉ ra rằng độ tuổi trung bình của người nhiễm bệnh là 47 tuổi, 52% là nam, 48% là nữ. Các triệu chứng phổ biến nhất là ho (43%) và sốt (41%). 

Cũng theo đánh giá của dữ liệu lâm sàng, tuổi trung bình các ca tử vong là 80 tuổi, 506/583 ca (chiếm 87%) ở độ tuổi từ 70 trở lên, 31 ca dưới 60 tuổi, ca tử vong trẻ nhất là 28 tuổi đã có các bệnh lý nền. 

Dựa trên các số liệu lây nhiễm do Viện nghiên cứu Robert Koch (RKI) của Đức cung cấp, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Hamburg và Đại học Johannes Gutenberg Mainz đã cùng hợp tác tạo ra một mô hình phép tính cho quá trình lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo mô hình tính toán này, cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 tại Đức sẽ đạt mức đỉnh điểm vào tháng 6 với khoảng 1,3 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và tiếp tục kéo dài đến tháng 9. Trong khoảng thời gian đó, các nhà khoa học ước tính khoảng 6% công dân Đức sẽ bị nhiễm bệnh.

Trước đó hôm 23/3, sau cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang, Thủ tướng Angela Merkel đã thông báo một loạt biện pháp cứng rắn, được thống nhất áp dụng trên toàn quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. 

Trong đó có việc cấm tụ tập từ 2 người trở lên, ngoại trừ các thành viên trong gia đình hoặc những người sống cùng trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m với người khác ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống, song vẫn được phép vận chuyển hoặc lấy đồ mang về... 

6. PHÁP

Theo số liệu của worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 1/4 (giờ Việt Nam), Pháp đã ghi nhận 52.128 ca mắc COVID-19, tăng 7.578  ca trong 24 giờ qua.

Giới chức y tế Pháp tối 31/3 thông báo số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên đến 499 người trong 24 giờ qua, cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, tổng số ca tử vong tại các bệnh viện là 3.523 người kể từ khi bùng phát dịch.

Số ca nhiễm virus được xác định qua xét nghiệm là 52.128 bệnh nhân. Trong số 22.757 người hiện đang nhập viện, có 5.565 trường hợp nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt ; 34% bệnh nhân nặng dưới 60 tuổi và 62% trong khoảng từ 60 đến 80 tuổi ; 9,444 người đã được chữa khỏi và ra viện.

Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố một khoản đầu tư lên đến 4 tỷ euro để mua khẩu trang y tế, máy thở và thuốc men. Hiện mỗi tuần, Pháp cần 40 triệu khẩu trang dành cho các nhân viên y tế, trong khi năng lực sản xuất dự kiến đạt 10 triệu chiếc vào cuối tháng 4. Pháp đã đặt mua 1 tỷ khẩu trang và đang nhận những chuyến hàng đầu tiên từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển những bệnh nhân nặng từ vùng đang bị quá tải sang những nơi khác được tăng cường. Trong ngày 31/3, trực thăng quân sự đã được điều động để chuyển 6 bệnh nhân nặng từ vùng Grand-Est, miền Đông nước Pháp, sang bệnh viện của Đức. Cho đến nay, 121 bệnh nhân ở Grand-Est đã được đưa sang chăm sóc tại Luxembourg, Thụy Sĩ và Đức. Dự kiến vào ngày 1/4, hai chuyến tàu cao tốc TGV sẽ chuyển 36 bệnh nhân nặng từ vùng Ile-de-France đến vùng Bretagne ở miền Tây

7. IRAN

Theo số liệu của worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 1/4 (giờ Việt Nam), Iran ghi nhận có 44.605 ca mắc COVID-19, tăng 3.110 ca và 2.898 ca tử vong, tăng 141 ca so với 24 giờ trước. Hiện Iran đứng thứ bảy trong danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 31/3, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur cho biết Ông Jahanpur nêu rõ: "Trong vòng 24 giờ qua, có 3.111 ca mắc COVID-19 mới ở Iran. Đáng tiếc là 3.703 ca nhiễm hiện đang trong tình trạng nguy kịch".

Bộ Ngoại giao Đức ngày 31/3 thông báo các nước châu Âu đã chuyển những trang thiết bị y tế tới Iran - vụ giao dịch đầu tiên theo cơ chế INSTEX, vốn được lập ra để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Tehran.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: "Pháp, Đức và Vương quốc Anh xác nhận INSTEX đã thực hiện thành công giao dịch đầu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất các trang thiết bị y tế từ châu Âu sang Iran. Những hàng hóa này hiện đang ở Iran".

8. ANH

Theo trang worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 1/4 (giờ Việt Nam), Anh ghi nhận 25.150  ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong là 1.789 ca. Như vậy trong 24 giờ qua, Anh đã có them 3.009 ca mới mắc COVID-19 và 381 ca tử vong. 

9. THỤY SỸ

Con số thống kê của worldometer.info cập nhật đến 6 giờ sáng ngày 1/4 theo giờ Việt Nam, Thuỵ Sỹ ghi nhận 16.605 ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong là  433 ca. 

10. THỔ NHĨ KỲ: Con số thống kê của worldometer.info cập nhật đến 6 giờ sáng ngày 1/4 theo giờ Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 13.531 ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong là  214 ca. 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phải đặt 39 khu vực dân cư tại 18 thành phố trong tình trạng cách ly nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. 

Trong những biện pháp mới nhất nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo tạm dừng hoạt động các chuyến tàu hỏa liên thành phố và hạn chế các chuyến bay nội địa từ hôm 28/3.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã quyết định kéo dài giai đoạn cách ly 14 ngày đối với những người trở về từ cuộc hành hương Umrah ở Saudi Arabia do một số người đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

TÌNH HÌNH TẠI MỘT SỐ NƯỚC và KHU VỰC KHÁC: 

HÀN QUỐC: Tính đến 6 giờ sáng 1/4 theo giờ Việt Nam, tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 9.786 ca và số ca tử vong là 162     trường hợp.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã yêu cầu các cơ quan chức năng của nước này thực hiện nghiêm các quy định xử lý những trường hợp cố tình vi phạm lệnh cách ly.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, mệnh lệnh này được Tổng thống Moon Jae-in đưa ra chỉ một ngày trước khi yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh, không có ngoại lệ, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 ra lây lan chính thức có hiệu lực thi hành kể từ 0h ngày 1/4.

Liên quan đến thời gian tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2020-2021, chính phủ đã quyết định sẽ tổ chức giảng dạy trực tuyến đối với tất cả các bậc học trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 9/4 tới.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Hàn Quốc cũng khẳng định không có kế hoạch áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ nước ngoài bất chấp tỷ lệ người nước ngoài nhập cảnh nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có chiều hướng ngày càng tăng cao trong những ngày gần đây.

NHẬT BẢN: 

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo trong ngày 31/3 đã ghi nhận thêm 78 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng kỷ lục trong một ngày kể từ trước tới nay. 

Theo đó, Tokyo tiếp tục dẫn đầu trên toàn quốc về số lượng người nhiễm bệnh với 521 người. Tính đến chiều 31/3, số ca nhiễm bệnh tại Nhật Bản đã tăng lên 2.093 người, trong đó có 59 ca tử vong. Cả hai số liệu này đều không bao gồm những trường hợp trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly hồi tháng trước.

Ngày 31/3, Nhật Bản đã nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 đối với khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo công dân không tới những nước này do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lan rộng.

Trong số những nước nằm trong diện bị cảnh báo này có 21 nước ở châu Âu, 9 nước ở Trung Đông và châu Phi, 7 nước ở Đông Nam Á và 6 nước ở Nam Mỹ.

Mức độ cảnh báo này vẫn thấp hơn so với mức độ cao nhất của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, theo đó hối thúc công dân "sơ tán ngay lập tức" khỏi các nước hoặc khu vực trong danh sách cảnh báo và tránh mọi hoạt động di chuyển, bất kể vì mục đích gì.

NGA: Theo worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 1/4 theo giờ Việt Nam, Nga đã có 2.337 ca mắc COVID-19 và 17 ca tử vong. 

Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp tại Nga khi Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 nước này cho biết tính đến trưa 31/3, nước này đã ghi nhận thêm 500 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 24 tỉnh, thành - mức cao kỷ lục trong ngày. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus mới được ghi nhận ở thủ đô Moskva - 387 trường hợp; 48 trường hợp ở thành phố St. Petersburg; 9 trường hợp được ghi nhận tại Dagestan và Sverdlovsk.

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, Trung tâm Thông tin tình hình lây nhiễm virus corona chủng mới của Nga cho biết 14 tỉnh thành của Nga, tiếp sau thủ đô Moskva và tỉnh Moskva, đã áp dụng chế độ tự cách ly bắt buộc, cấm người dân ra phố. Các tỉnh và thành phố này bao gồm: Yakutia, CH Tatarstan, Mari El và Adygea, Arkhangelsk, Vologda, Irkutsk, Kaliningrad, Murmansk, Novgorod, Lipetsk, Ryazan, Sverdlovsk và Ulyanovsk. Như vậy, tổng cộng đã có 16 tỉnh, thành của Nga áp đặt các hạn chế đi lại đối với công dân để chống virus SARS-CoV-2.

Trước đó, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã kêu gọi người đứng đầu các chủ thể của LB Nga áp dụng quy định tự cách ly, giống như ở thủ đô Moskva, trong khu vực của họ

Các Hạ nghị sĩ tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã bỏ phiếu thông qua 2 dự luật cho phép các nhà chức trách bỏ tù bất kỳ ai phớt lờ quy định kiểm dịch đồng thời trao quyền cho chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với đại dịch COVID-19.

Theo đó, bất kỳ người dân nào không tuân thủ quy định kiểm dịch của chính phủ sẽ phải nhận án tù với mức tối đa lên đến 7 năm cùng mức phạt tiền có thể lên tới 2 triệu ruble (tương đương 25.000 USD). Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng được trao quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu cần thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại nước này.

Hai dự luật trên sẽ chính thức thành luật và có hiệu lực nếu Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) thông qua và được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký.

Ngày 31/3, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu dịch tễ học trung ương trực thuộc Cơ quan giám sát và bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng LB Nga đã phát triển thành công bộ xét nghiệm mới có độ chính xác cao để chẩn đoán SARS-CoV-2. Bộ dụng cụ chẩn đoán đã vượt qua thử nghiệm lâm sàng và đã được đăng ký để sử dụng tại nước này vào ngày 25/3.

Thiết bị xét nghiệm mới này đã đáp ứng tất cả các yêu cầu hiện nay về độ nhạy, tính đặc hiệu và cho phép phát hiện không chỉ virus SARS-CoV-2 trong một nghiên cứu, mà còn phân biệt chúng với các virus có gốc SARS-CoV khác cũng như virus gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV).

Theo nguồn tin trên, việc tiến hành xét nghiệm rộng rãi sẽ giúp xác định sớm những người bị nhiễm ở giai đoạn đầu, cũng như những người mang mầm bệnh nhưng chưa có các triệu chứng, qua đó kịp thời cách ly họ.

Thời gian qua, Nga đã nghiên cứu, điều chế 3 loại thuốc có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời đang nghiên cứu phát triển 3 loại vaccine chống truyền nhiễm.

CÁC NƯỚC ASEAN:

Bộ Y tế Philipines ngày 31/3 thông báo thêm 10 ca tử vong do COVID-19, mức tăng cao nhất tính trong một ngày ở nước này. Hiện tổng số ca tử vong tăng lên 88 người. Số ca mắc mới tăng 538 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.084 người.

Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ triển khai một gói cứu trợ xã hội trị giá 200 tỷ peso (khoảng 3,94 tỷ USD) cho những hộ gia đình thu nhập thấp và hỗ trợ các lĩnh vực ngành nghề khác bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp cách ly nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo ông, đây là gói cứu trợ “bảo vệ xã hội lớn nhất và trên diện rộng nhất trong lịch sử Phillipines”. Những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nói trên sẽ được triển khai trong vòng 2 tháng và áp dụng đối với những cá nhân, đối tượng thu nhập thấp dựa trên mức lương tối thiểu khu vực.

Tổng thống Duterte đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực Luzon từ ngày 17/3 - 13/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Do lệnh phong tỏa, phần lớn trong tổng số khoảng 57 triệu người dân khu vực Luzon bắt buộc phải ở trong nhà, trong đó có nhiều người lao động tự do buộc phải dựa vào trợ cấp của chính phủ. 

Giới chức y tế Thái Lan ngày 31/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 127 ca nhiễm mới và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1.651 bệnh nhân và tổng số trường hợp tử vong lên 10 người.

Thái Lan đã đặt mục tiêu giảm 90% hoạt động đi lại của người dân nhằm kiềm chế dịch bệnh. Sau khi chính phủ thực hiện những biện pháp khuyến khích người dân hạn chế ra ngoài, hoạt động đi lại của người dân trong thời gian 1 tuần tính đến ngày 28/3 đã giảm 46% so với thời gian trước đó. Số lượng sử dụng xe ô tô cá nhân giảm 41%, trong khi số hành khách đi lại bằng tàu điện giảm 59%.

Ngoài ra, lượng hành khách sử dụng tàu hỏa liên thành phố giảm 65% và hành khách đi lại bằng đường thủy giảm 40%. 

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Indonesia, nước này đã xác nhận 114 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 1.528 người. Ngoài ra, thêm 14 ca tử vong, đưa tổng số người chết vì COVID-19 lên 136 trường hợp.

Ngày 31/3, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông báo chính phủ nước này quyết định cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với toàn bộ hành khách nước ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bộ Y tế Campuchia ngày 31/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm bệnh ở thành phố Siem Reap, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 109 người. Các ca nhiễm mới là 2 mẹ con người Campuchia, mẹ 39 tuổi và con trai 12 tuổi.

Trước đó, chồng của ca bệnh mới này cũng đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tham gia một sự kiện tôn giáo ở Malaysia hồi cuối tháng 2. Đến nay, tại Campuchia có 23 ca đã khỏi bệnh.

Myanma đã xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 và 14 ca mắc bệnh cho đến nay, chủ yếu là người từ nước ngoài trở về.

CHÂU ÂU: 

Giới chức y tế Bỉ cùng ngày thông báo một bé gái 12 tuổi đã qua đời do mắc COVID-19. Theo người phát ngôn chính phủ Emmanuel Andre, trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ "rất hiếm gặp" và việc cô bé qua đời đã "khiến chúng tôi bàng hoàng".

Đây là trường hợp tử vong đầu tiên ở trẻ em do COVID-19 được ghi nhận tại Bỉ. Theo thống kê chính thức mới nhất, quốc gia Tây Âu này đã ghi nhận tổng cộng 705 ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.

Giới chức Y tế Hà Lan ngày 31/3 cho biết số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 175 ca, nâng tổng số lên 1.039 người.

Viện Y tế quốc gia (RIVM) của Hà Lan cho hay số ca mắc COVID-19 tại nước này cũng tăng thêm 845 ca lên thành 12.595 ca.

Chính phủ Hà Lan ngày 31/3 đã quyết định kéo dài các lệnh cấm nhằm ngăn cặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan, đồng thời thông báo các trường học, nhà hàng và quán bar sẽ tiếp tục đóng cửa đến ít nhất ngày 28/4 tới.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố "quyết định mới của chính phủ là điều không có gì ngạc nhiên và mọi lệnh cấm được kéo dài đến ngày 28/4. Việc số ca nhiễm tăng nhanh tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt khiến chúng tôi không còn quyết định nào khác. Hiện Hà Lan vẫn còn hơn 4.700 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang được điều trị tại các bệnh viện.

 

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục