Dịch COVID-19 sáng 6/4: Thế giới có hơn 261.000 người được chữa khỏi

06:09' - 06/04/2020
BNEWS Tính đến sáng 6/4, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 261.200 người. Tại châu Âu, Italy và Đức đang cho thấy tín hiệu khả quan khi số ca mắc mới đã giảm nhiều ngày liên tiếp.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h30 sáng 6/4 (theo giờ Hà Nội), trên thế giới có 1.268.855 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 69.330 trường hợp tử vong. Như vậy, thế giới có thêm 67.372 người nhiễm mới và 4.640 người tử vong so với 24h trước.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 261.200 người. Trên thế giới có tới 45.532 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng đang được điều trị.

Cho đến nay Mỹ vẫn dẫn đầu về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. Thậm chí trong 24h qua, số ca tử vong mới tại nước này cũng cao nhất thế giới.

Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp và Trung Quốc lần lượt xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê các nước có ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới

Tuy vậy, trong ngày 5/4, Italy đã ghi nhận số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thấp nhất trong 2 tuần qua và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ 2 liên tiếp. Số ca nhiễm mới tại Đức cũng ghi nhận giảm 3 ngày liên tiếp

*Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam

Đến 6h sáng 6/4, Việt Nam có 241 ca mắc COVID-19 (150 từ nước ngoài chiếm 62,2%; 91 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa). Trong đó tổng số ca bình phục là 91.

- 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 

-  75 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 5/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN19, BN22, BN23, BN24, BN25, BN27,BN29, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN51, BN53, BN 54, BN55, BN56, BN57, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64, BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN73, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN80, BN81, BN82, BN83, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN99, BN100, BN107, BN110, BN112, BN113, BN121, BN129, BN130, BN 131, BN132, BN138, BN140, BN179, BN187, BN198

 

*Số ca mắc mới ngày 6/4: 0 ca (tính đến 6h00)

Số ca âm tính lần 1: 29 ca.

Số ca âm tính lần 2: 23 ca.

Thông tin chi tiết về 1 ca mắc mới trong ngày 5/4 (241)

Ca bệnh 241 (BN241): Bệnh nhân nam, quốc tịch Việt Nam, 20 tuổi, có địa chỉ tại phường Thảo Điền, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh, là du học sinh tại Anh.

Ngày 21/3, bệnh nhân từ London (Vương quốc Anh) lên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN0050, số ghế 5A, về tới Sân bay Cần Thơ ngày 22/3. Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có dấu hiệu triệu chứng bệnh và được chuyển tới khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu.

Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 25/3 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/3, bệnh nhân có triệu chứng sốt kèm đau họng. Ngày 01/4, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu để cách ly, điều trị và lấy mẫu bệnh phẩm. Xét nghiệm tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho kết quả dương tính với SARS-COV2.

Những người ở cùng phòng với bệnh nhân tại khu cách ly tập trung chưa ghi nhận triệu chứng bệnh, được cách ly riêng để theo dõi trong 14 ngày tiếp theo.

* Chiều 5/4, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã tổ chức cho bệnh nhân thứ 57 mắc COVID-19 xuất viện sau 21 ngày nhập viện cách ly và điều trị.

Ông Đinh Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, trong suốt quá trình cách ly và điều trị cho bệnh nhân 57 mắc COVID-19, bệnh viện thực hiện đúng phác đồ của Bộ Y tế và của ngành Y tế Quảng Nam.

Sau 2 lần xét nghiệm liên tiếp vào các ngày 28/3 và 1/4, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 57 đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

 Trong quá trình điều trị bệnh nhân hợp tác tốt với nhân viên y tế. Hiện, sức khỏe của bệnh nhân 57 đã ổn định và đủ điều kiện để xuất viện theo quy định của Bộ Y tế.

Bệnh nhân sau khi được xuất viện sẽ được di chuyển ra thành phố Hội An cách 14 ngày theo quy định. 

Bệnh nhân 57 là một khách du lịch người Anh (nam, 66 tuổi), hành khách trên chuyến bay VN0054 từ Anh đến Hà Nội ngày 9/3. Cùng với 15 du khách khác, bệnh nhân tới thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thì được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó, bệnh nhân 57 đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam để cách ly và điều trị vào ngày 16/3. 


Đến ngày 5/4, Quảng Nam ghi nhận 3 trường hợp mắc COVID-19, đều là khách du lịch nước ngoài. Trước đó, 2 khách du lịch người Anh là bệnh nhân thứ 33 và 34 đã được tỉnh Quảng Nam đưa tới Bệnh viện Trung ương Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế để theo dõi, điều trị. 

Như vậy, với việc điều trị theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế, lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam điều trị thành công cho một bệnh nhân mắc COVID-19.

* Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam đã trao quyết định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam kết thúc thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 151 cho 85 công dân đã hoàn thành thời gian 14 ngày cách ly, giám sát dịch bệnh COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Các công dân được khuyến cáo khi trở về nơi cư trú tiếp tục tự cách ly, theo dõi sức khỏe thêm trong vòng 7 ngày tại gia đình. 

Đây là các công dân Việt Nam thuộc 28 tỉnh, thành phố trên cả nước, học tập, lao động tại Nhật Bản về nước ngày 22/3, thực hiện cách ly tập trung tại Trung đoàn 151, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam.

Khi công dân về tới nơi, các lực lượng tiếp nhận đã nhanh chóng làm thủ tục, khai báo y tế, lấy mẫu máu xét nghiệm, đồng thời ổn định nơi ăn ở cho bà con. 

Trong thời gian công dân thực hiện cách ly y tế, hằng ngày, lực lượng Quân y Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam phối hợp với cán bộ chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm tiến hành đo kiểm tra thân nhiệt công dân 2 lần, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe công dân...

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn khu vực cách ly, lực lượng công an, quân đội phối hợp tuần tra canh gác 24/24 giờ khu vực trong và ngoài doanh trại, tuyệt đối không để công dân trong khu cách ly rời khỏi đơn vị trong suốt thời gian cách ly.Hầu hết các công dân đã chấp hành tốt nội quy và hoàn thành việc cách ly theo đúng quy định. Tất cả các mẫu máu của công dân gửi xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. 


Trước đó, ngày 17/3 và 19/3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam đã bàn giao 95 công dân hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung để phòng, chống dịch COVID-19. Đây là những công dân Việt Nam học tập, lao động tại Hàn Quốc trở về nước được thực hiện cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Hà Nam.

Biểu đồ COVID-19 thế giới tiếp tục tăng theo phương thẳng đứng. Nguồn: VNEWS/TTXVN

*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

1. MỸ

Số liệu cập nhật từ worldometers.info, tính đến 5h30 sáng 6/4 (theo giờ Hà Nội), Mỹ đã có thêm 22.988 ca nhiễm mới và 1.107 ca tử vong vì COVID-19 chỉ trong 24h, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 334.345 ca, trong đó 9.558 ca đã tử vong.

New York là bang có số người tử vong cao nhất ở Mỹ, với 4.159 ca. Trong số các bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 ở Mỹ còn có New Jersey với 846 người tử vong, Michigan (540) và California (324).

Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo ngày 5/4 cho biết số ca tử vong trong 24h qua lần đầu tiên giảm từ khi dịch bùng phát đến nay, với 594 ca được ghi nhận, ít hơn 36 ca so với ngày hôm trước.

Thống đốc Andrew Cuomo cảnh báo diễn biến dịch COVID-19 tại New York những ngày tới sẽ rất khó đoán định bởi số ca nhiễm mới hiện vẫn tăng nhiều, với tổng số ca nhiễm tại tiểu bang là 122.031 ca, trong đó số ca nhiễm ở thành phố New York là 67.551. Số người đang được điều trị tại viện là 16.479 người.

Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 5/4, ông Cuomo cho biết sẽ chuyển bệnh nhân ở những bệnh viện quá tải sang các cơ sở chữa bệnh khác bởi hiện chính quyền tiểu bang không thể đảm bảo cung cấp cho những bệnh viện này thêm trang thiết bị y tế hay máy thở để điều trị cho tất cả các bệnh nhân.

Thông báo của ông ngay lập tức khiến cư dân ở những hạt chưa có nhiều ca nhiễm tại tiểu bang lo lắng bởi điều đó có nghĩa là họ sẽ có thể gặp nguy hiểm nếu dịch bùng phát ở địa phương họ. Tuy nhiên ông Cuomo cho biết cần phải ưu tiên cho những ổ dịch lớn của tiểu bang.

Cùng ngày, hai cố vấn y tế cao cấp của chính quyền ông Trump cùng ngày đưa ra cảnh báo rằng tuần tới, khi đại dịch tới ngưỡng đỉnh ở những ổ dịch lớn như New York, thì tình hình sẽ không khác gì “Trân Châu Cảng”.

2. TÂY BAN NHA

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 5/4 công bố số liệu báo cáo ghi nhận số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này trong ngày 4/4 là 674 ca - mức thấp nhất trong 10 ngày qua. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm. Hiện tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 ở nước này là 12.418 ca.

Tuy nhiên, số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ở quốc gia châu Âu này lại tăng 4,8%, lên 130.759 ca. Tây Ban Nha hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19, sau Mỹ.

3. ITALY

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 5/4, Italy đã ghi nhận số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thấp nhất trong 2 tuần qua và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ 2 liên tiếp.

Số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố cho thấy trong ngày 5/4, nước này ghi nhận thêm 4.316 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 128.948 trường hợp. Số ca tử vong tăng lên thành 15.887 trường hợp (tăng 525 ca). Số ca hồi phục tăng lên thành 21.815 ca (tăng 819 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.949 ca nhập viện, 3.977 ca phải điều trị tích cực và 58.320 ca cách ly tại nơi ở.

Liên quan tới công tác phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, theo hãng thông tấn ANSA của Italy, ngày 5/4, chính quyền vùng Toscana của nước này đã ban hành quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Với quy định mới này, Toscana trở thành vùng thứ hai tại Italy, sau Lombardia, ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với người dân. Quy định cũng cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của Italy về việc đeo khẩu trang đối với người dân.

Trước đó, sắc lệnh của chính phủ ngày 1/4 cũng lần đầu tiên, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Italy, đưa ra khuyến cáo người dân dùng khẩu trang tại các khu vực đông người vẫn đang được phép hoạt động.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Italy vẫn giữ quan điểm cho rằng không cần thiết phải đeo khẩu trang đối với những người khỏe mạnh. Chính quyền Italy đã khuyến cáo những người dân khỏe mạnh không nên mua và sử dụng khẩu trang để dành nguồn lực cho các nhân viên y tế.

Theo Bộ Ngoại giao Italy, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, nước này đã tiếp nhận khoảng 50 triệu khẩu trang từ nước ngoài, bao gồm cả nhập khẩu và hàng viện trợ của các nước. Đây là một con số khổng lồ, tuy nhiên vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.  Italy cũng đang huy động mọi nguồn lực trong nước cho việc sản xuất khẩu trang đồng thời đình chỉ việc xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế.

4. ĐỨC

Theo trang worldometers.info, tính đến 5h30 sáng 6/4 (theo giờ Hà Nội), số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đức là 100.123 người, số tử vong là 1.584 trường hợp, tăng lần lượt 4.031 và 140 ca so với một ngày trước đó.

Như vậy, số lượng ca nhiễm bệnh mới ở Đức trong ngày 5/4 đã giảm xuống so với 6.082 ca được thông báo hôm 4/4 và 6.174 ca hôm 3/4.

5. PHÁP

Tính đến tối 5/4, Pháp xác nhận 8.078 người tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này, bao gồm 5.889 ca trong bệnh viện và 2.189 ca tại các viện dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội khác.

Như vậy, trong 24h qua, có 357 trường hợp tử vong tại các bệnh viện ở Pháp, giảm đáng kể so với vài ngày trước đó. Một chỉ số khác cũng đang giảm dần theo ngày, liên quan đến bệnh nhân nặng phải đưa vào diện chăm sóc tích cực, với tổng số hiện là 6.978 người.

Cho dù có những tiến triển nhất định trong cuộc chiến chống đại dịch, chính quyền và các chuyên gia y tế kêu gọi người dân Pháp hết sức thận trọng, tuân thủ các quy định về vệ sinh và tiếp tục ở nhà. Trước mắt, lệnh han chế đi lại tại Pháp có hiệu lực đến ngày 15/4 tới.

6. TRUNG QUỐC

Sáng 5/4, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo trong ngày 4/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 30 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 3 ca tử vong.

Theo Ủy ban trên, 5 ca lây nhiễm trong nước được ghi nhận tại tỉnh Quảng Đông và 25 ca từ nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục. Cũng trong ngày 4/4, có 3 ca tử vong do COVID-19 đều ở tỉnh Hồ Bắc và có 11 ca bệnh nghi ngờ mới đều từ nước ngoài về. Ủy ban trên cho biết thêm 213 người đã bình phục và xuất viện, trong khi số ca nặng giảm 36 ca xuống 295 ca.

Tính đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 81.669 ca mắc COVID-19, trong đó 1.376 người vẫn đang được điều trị, 76.964 người đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện và 3.329 ca tử vong.

Tính đến hết ngày 4/4, Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 862 ca nhiễm, 4 ca tử vong; Khu Hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) có 44 ca nhiễm trong khi vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 355 ca nhiễm, 5 ca tử vong. Tổng số ca đã bình phục và xuất viện tại Hong Kong, Macau và Đài Loan lần lượt là 186, 10 và 50 người.

7. IRAN

Iran, một điểm nóng về dịch bệnh của khu vực châu Á, trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 151 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 3.603 ca. Số ca mắc COVID-19 tại Iran đã tăng 2.483 ca lên 58.226 ca.

Ngày 5/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, các hoạt động kinh tế “có mức độ rủi ro thấp” ở quốc gia Trung Đông chịu tác động nặng nề nhất của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 này sẽ được nối lại từ ngày 11/4. Quyết định này không mâu thuẫn với khuyến cáo của các cơ quan y tế về việc người dân nên ở nhà.

Riêng tại thủ đô Tehran các hoạt động này sẽ được nối lại vào ngày 18/4 tới. Khoảng 2/3 nhân viên Chính phủ Iran sẽ làm việc từ xa. Các hoạt động có nguy cơ cao như văn hóa, thể thao, dạy học và tôn giáo sẽ tiếp tục tạm dừng cho đến ngày 18/4 tới.

8. ANH

Bộ Y tế Anh ngày 5/4 công bố số liệu thống kê cho thấy, tính đến 16h00 GMT ngày 4/4 (23h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội), nước này đã ghi nhận thêm 621 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 4.934 người.

Tính đến 8h00 GMT ngày 5/4 (15h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội), các cơ quan y tế của Anh đã xét nghiệm tổng cộng 195.524 người, trong đó có 47.806 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tối 5/4, Nữ Hoàng Elizabeth đệ Nhị đã có bài phát biểu phát trên truyền hình kêu gọi người dân Anh cùng chung tay đối phó dịch COVID-19. Đây là lời kêu gọi hiệu triệu hiếm hoi lần thứ 5 của Nữ Hoàng được phát trên truyền hình trong suốt 67 năm trị vì của bà, người nắm giữ vương triều dài nhất trong lịch sử Anh.

Nữ Hoàng Elizabeth đã mở đầu lời kêu gọi, cho biết đây là một thời khắc đầy thách thức, cuộc sống của đất nước bị gián đoạn, đem lại buồn phiền, thương tiếc cho một số gia đình, khó khăn tài chính với nhiều người và những thay đổi vô cùng to lớn đối với cuộc sống hàng ngày của người Anh.

Nữ Hoàng Anh đã nhắn gửi đến người dân trong khối thịnh vượng chung và trên toàn thế giới về những câu chuyện cảm động về sự đoàn kết cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau, kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ nhau như gửi những gói thực phẩm, thuốc men, kiểm tra giúp đỡ hàng xóm hay doanh nghiệp chuyển sang hoạt động giúp đỡ cứu trợ lúc này. Bà cũng chia sẻ việc thực hiện tự cách ly có thể không dễ dàng, mọi người có tôn giáo hay không đều thấy rằng đây là cơ hội để tất cả mọi người chậm lại, suy ngẫm, cầu nguyện.

Cũng trong tối 5/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải nhập viện do tiếp tục xuất hiện các triệu chứng dai dẳng của bệnh COVID-19, khoảng 10 ngày sau khi tự cách ly tại nhà vì bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết "đây là một biện pháp thận trọng". Thủ tướng Johnson hiện vẫn điều hành chính phủ mặc dù ông Dominic Raab - Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng đứng đầu trong nội các chính phủ, được cho là sẽ thay quyền điều hành chính phủ nếu như tình trạng bệnh của Thủ tướng Johnson xấu đi.

Giáo sư thuộc trường cao đẳng Imperial tại London và cũng là người hỗ trợ Chính phủ Anh đưa ra các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19, ông Neil Ferguson cảnh báo số ca tử vong do COVID-19 tại Anh có thể rơi vào khoảng từ 7.000 đến 20.000 ca với các biện pháp ứng phó hiện đang được áp dụng.

Ngày 5/4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết nước này sẽ phải siết chặt hơn nữa các quy định cho phép các hoạt động rèn luyện sức khỏe ngoài trời nếu người dân coi thường các quy định được đưa ra nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Ông Hancock kêu gọi người dân Anh không nên vi phạm các quy định bởi việc làm đó sẽ khiến virus SARS-CoV-2 lây lan rộng hơn.

9. THỔ NHĨ KỲ

Theo worldometers.info, tính đến 5h30 sáng 6/4 (theo giờ Hà Nội), Thổ Nhĩ Kỳ có 27.069 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 3.135 ca so với hôm trước. Số ca tử vong lên mức 574 ca, tăng 73 ca.

10. THỤY SỸ

Thụy Sỹ đã ghi nhận thêm 595 ca nhiễm mới trong vòng 24h qua, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 21.100 người. Trong đó, có 715 người tử vong, tăng 49 người so với trước đó.

Mặc dù áp lực dần mở cửa lại nền kinh tế đang gia tăng tại Thụy Sỹ, Bộ trưởng Y tế nước này Alain Berset ngày 5/4 khẳng định việc nhanh chóng chấm dứt các biện pháp hạn chế để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là không thực tế.

Bộ trưởng Y tế Alain Berset cảnh báo nếu việc tuân thủ các biện pháp hạn chế trong dịp lễ Phục sinh bị lơ là, chính phủ thậm chí có thể thắt chặt lệnh cách ly và áp dụng lệnh giới nghiêm. Ông Berset cho hay chính phủ sẽ thảo luận về các kịch bản vào tuần tới, nhưng việc chấm dứt cách ly vẫn chưa được mong đợi. Chỉ khi nào số người nhiễm bệnh và nhập viện giảm rõ ràng, Thụy Sỹ mới có thể xem xét giảm bớt các quy định hạn chế.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/4, Daniel Koch - người đứng đầu bộ phận phụ trách bệnh truyền nhiễm của Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang Thụy Sỹ - khẳng định dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra vẫn chưa đạt đỉnh ở Thụy Sỹ và còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong khi đó, gần 1/4 dân số Thụy Sỹ (1,3 triệu người) đang phải giảm thời gian làm việc.

Ngoài 10 quốc gia trên, ngày 5/4, Bộ Y tế Bỉ công bố báo cáo trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 504 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện sau khi bình phục và 499 người phải nhập viện vì nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, nước này có thêm 1.260 ca bệnh, đưa tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bỉ lên 19.691 trường hợp. Trong khi đó, tổng số ca tử vong đã tăng lên 1.447 người sau khi ghi nhận thêm 164 ca tử vong trong 24 giờ qua.

CHÂU Á

*Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo không ngừng tăng lên trong những ngày qua. Đài NHK dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết ngày 5/4, thủ đô Tokyo đã ghi nhận hơn 143 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm tăng mạnh nhất trong một ngày, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại thành phố này lên 1.034 ca.

Thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike hối thúc người dân ở nhà, tránh việc ra ngoài không cần thiết. Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản ngày càng nhận được nhiều lời kêu gọi ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ngày 5/4, Bộ Y tế thông báo số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 3.506 ca, tăng 367 ca so với một ngày trước đó.

*Tại Hàn Quốc, để góp phần nâng cao hiệu quả biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ nước này ngày 5/4 đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện "giãn cách xã hội" tới hết ngày 19/4 tới.

Do nhu cầu đối với mặt hàng vệ sinh như nước rửa tay và dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày càng tăng, xuất khẩu các sản phẩm này của Hàn Quốc trong tháng trước tăng vọt.

Số liệu của Bộ Thương mại Hàn Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu nước rửa tay đã tăng 7 lần, đạt 5,69 triệu USD trong tháng 3, tương đương 84% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong cả năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu bộ dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 và một số sản phẩm xét nghiệm khác cũng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 48,65 triệu USD. Năm 2019, tổng kim ngạch các sản phẩm xét nghiệm của Hàn Quốc đã giảm 45% so với năm 2018, chỉ đạt 217 triệu USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu khẩu trang của Hàn Quốc trong tháng 3 chỉ ở mức 0, khi chính phủ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Xuất khẩu hàng chống dịch COVID-19 của Hàn Quốc tăng mạnh. Nguồn: VNEWS/TTXVN

*Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã tăng lên 3.588 ca dù đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại trong 3 tuần, Chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu phần lớn các bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

*Tại Pakistan, giới chức nước này cho biết đang tìm kiếm hàng chục nghìn người tham dự một sự kiện tôn giáo của tổ chức Tablighi Jamaat tại thành phố Lahore diễn ra từ ngày 10-12/3 vừa qua. Đến nay, ít nhất 154 tín đồ dự lễ của Tablighi Jamaat đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 2 người đã tử vong.

*Bộ Y tế Singapore ngày 5/4 đã xác nhận thêm 120 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 1.309 ca. Đây là mức tăng các ca nhiễm mới cao nhất được thông báo trong một ngày ở quốc gia Đông Nam Á này. Để kiểm soát sự lây lan, Chính phủ Singapore đã quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu từ 7/4 và đóng cửa trường học từ ngày 8/4, đồng thời triển khai thêm các biện pháp hạn chế đi lại.

*Trong cuộc họp báo chiều 5/4 tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào cho biết nước này đã xác nhận thêm 1 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 11 người. Đặc biệt, bệnh nhân thứ 11 là người nước ngoài đầu tiên được ghi nhận mắc COVID-19 tại Lào. Bệnh nhân đã tiếp xúc gần với 11 người và đã làm việc với ít nhất 100 người.  

Tính đến thời điểm hiện tại, Lào đã xét nghiệm cho 604 trường hợp, trong đó có 11 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Những người này đang được điều trị tại thủ đô Viêng Chăn và Luang Prabang.

*Trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã đề nghị mua 10 triệu khẩu trang y tế, 5.000 quần áo bảo hộ, 5.000 khẩu trang N95 và 1 triệu lít dung dịch sát khuẩn để phân phối cho người dân và bác sĩ trên cả nước.  

Trong tin nhắn gửi tới Ủy ban Quốc gia chống COVID-19 ngày 4/4, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh dù tình hình dịch bệnh diễn biến thế nào, Campuchia cũng cần đảm bảo đủ khẩu trang, quần áo bảo hộ và dung dịch sát khuẩn tránh để các bác sĩ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.  

Bộ Y tế Campuchia sáng 5/4 đã xác nhận không phát hiện thêm ca mắc COVID-19 mới nào và có thêm 1 bệnh nhân hồi phục. Tính đến ngày 5/4, Campuchia tổng cộng có 114 ca mắc COVID-19, trong đó 50 bệnh nhân đã hồi phục.

CHÂU PHI

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại lục địa này đã chạm mốc 360, đồng thời số trường hợp nhiễm chủng virus nguy hiểm này cũng tăng lên 8.536.

Theo CDC châu Phi, dịch COVID-19 đã lan rộng tới 50 quốc gia ở châu lục này, trong đó các trường hợp nhiễm bệnh cao nhất được ghi nhận tại Nam Phi (với 1.585 ca), Algeria (1.171) và Ai Cập (1.070). Bên cạnh đó, khoảng 710 bệnh nhân mắc COVID-19 đã phục hồi tại châu Phi. CDC châu Phi cho biết thêm, chỉ riêng trong vòng 24 giờ, qua số trường hợp mắc COVID-19 tại châu Phi đã tăng thêm 795 trường hợp, từ mức 7.741 lên 8.536. Trong khi đó, số ca tử vong tăng tương ứng từ 313 lên 360.

Hiện Liên minh châu Phi, thông qua CDC châu Phi, đã kích hoạt Trung tâm Hoạt động Khẩn cấp và Hệ thống Quản lý Sự Cố (IMS) để xử lý sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn châu lục. CDC châu Phi cũng đã lên kế hoạch hành động thứ ba trong giai đoạn từ 16/3 đến 15/4.

Ngày 5/4, truyền thông Ai Cập dẫn lời Quốc vụ khanh phụ trách thông tin Osama Heikal cho biết quốc gia này đang cân nhắc gia hạn lệnh giới nghiêm, sau khi số trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra ở quốc gia Bắc Phi này đã vượt qua mốc 1.000 người.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cảnh báo khả năng tầm soát các trường hợp lây nhiễm ở nước này sẽ trở nên khó khăn hơn khi các ca nhiễm bệnh vượt ngưỡng 1.000 nhanh chóng. Ai Cập đã áp dụng lệnh giới nghiêm kể từ ngày 25/3 và kéo dài trong 2 tuần, từ 19h-6h, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan của dịch COVID-19.

TRUNG ĐÔNG

Truyền thông Trung Đông ngày 5/4 dẫn nguồn Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quốc gia này đã ghi nhận thêm 3.135 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 27.069. Đồng thời, số ca tử vong tại Thổ Nhĩ Kỳ do chủng virus nguy hiểm này cũng tăng thêm 73 lên tổng cộng 574 trường hợp.

*Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, trong vòng 24 giờ qua, quốc gia này đã xét nghiệm 20.065 trường hợp nhằm sàng lọc các nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

*Trong khi đó, Bộ Y tế Iraq xác nhận 83 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này lên 961. Số người tử vong do SARS-CoV-2 ở Iraq hiện đã cán mốc 61 trường hợp.

Nhằm kiềm chế dịch COVID-19, giới chức Iraq đã triển khai một số biện pháp, trong đó có gia hạn lệnh giới nghiêm trên toàn quốc cho tới ngày 19/4.

*Tại Saudi Arabia, Bộ Ngoại giao nước này thông báo kế hoạch hồi hương công dân ở nước ngoài có mong muốn về nước trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trên quy mô toàn cầu.

Trong thông báo đăng tải trên mạng xã hội Twitter, quá trình đăng ký hồi hương bắt đầu từ ngày 5/4 và kéo dài trong 5 ngày, trong đó ưu tiên cho những công dân Saudi Arabia đang ở các nước “tâm dịch” COVID-19, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Ngay khi về nước, những người này sẽ được cách trong vòng 14 ngày.

*Cùng ngày, Jordan bắt đầu triển khai các máy bay không người lái để giám sát hoạt động giới nghiêm, đưa ra các thông báo y tế quan trọng và theo dõi nhiệt độ cơ thể của người dân nước này.

Theo Quốc vụ khanh phụ trách thông tin của Jordan Amjad al-Adayleh, các lực lượng vũ trang và an ninh của nước này sẽ đảm bảo lệnh giới nghiêm được tuân thủ triệt để, thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như máy bay không người lái và camera giám sát. Trước đó, Jordan đã bắt giữ ít nhất 1.600 người vi phạm lệnh giới nghiêm, vốn được áp dụng để kiềm chế dịch COVID-19 lây lan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục